Việc tăng lương sẽ không gây tăng giá đột biến

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Quốc hội thống nhất giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Đợt cải cách tiền lương này mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cụ thể là cán bộ, công viên chức. Trước lo ngại hàng hóa "té nước theo mưa" tăng giá, đòi hỏi cơ quan quản lý phải chủ động có giải pháp để tránh tình trạng trên.

Về ảnh hưởng của việc cải cách tiền lương từ 1/7 tới lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho hay, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%. Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Hàng hoá tại các siêu thị dồi dào, giá cả ổn định, nhiều chương trình khuyến mại kích cầu.

Hàng hoá tại các siêu thị dồi dào, giá cả ổn định, nhiều chương trình khuyến mại kích cầu.

Việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tình hình đời sống dân cư trong nửa năm qua đã được cải thiện hơn. Theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư 2024, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cũng cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý I/2024. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số này tăng 490 nghìn đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Về lo ngại hiện tượng hàng hoá "té nước theo mưa" khi lương tăng, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, lần tăng lương này hiện tượng này có thể vẫn xảy ra nhưng sẽ không gây ra hiện tượng tăng giá đột biến, lạm phát. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan trước hiện tượng này mà các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. "Tôi cho rằng đây là giải pháp quan trọng khi mà giá cả được công khai, minh bạch sẽ tránh được tình trạng tăng giá bất hợp lý", bà Oanh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần rà soát đầu ra, đầu vào của giá thành những mặt hàng thiết yếu để xem xét giá bán có tăng không và mức tăng có hợp lý không. Điều này rất quan trọng vì ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cùng với chính quyền kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp. Đặc biệt việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm.

Bên cạnh các giải pháp, bà Oanh cũng cho rằng, cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.

Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. Tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. 

Nếu mua từ đầu tháng 6 và bán ra vào lúc này, người mua vàng SJC lỗ 10 triệu đồng/kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Hiệp ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN