Vì sao giá xăng dầu giảm gần 7.000 đồng/lít, hàng hóa vẫn “cố thủ”?
Giá xăng dầu đã giảm sâu tới gần 7.000 đồng/lít, tuy nhiên, giá hàng hóa thiết yếu lại không giảm như kỳ vọng của người dân...
Chỉ giảm “nhúc nhích”
Hiện, giá xăng E5 RON 92 đã giảm 6.229 đồng/lít và xăng RON 95 đã giảm hơn 6.800 đồng/lít. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Giao thông, giá các mặt hàng thiết yếu vẫn “đứng im”, chỉ số ít mặt hàng giảm nhẹ.
Chị Dung, chủ một siêu thị mini ở Hoàng Mai cho biết, hiện chỉ mỗi dầu ăn đã giảm 3% và bia Hà Nội giảm 5-7 nghìn đồng/thùng so với giá cũ tuần trước, còn lại các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên.
Tuy nhiên, cũng có cửa hàng cho biết, có nhận được thông báo giảm giá khoảng 2-3% của một vài mặt hàng, nhưng họ vẫn phải bán theo giá cũ do hàng đã mua từ vài tuần trước.
Giá hải sản, rau củ quả, dầu ăn.... vẫn neo cao
Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh, truyền thống và siêu thị ở Hà Nội cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, cá, rau củ quả vẫn bán ra thị trường với mức giá cao.
Cụ thể, rau muống, rau mồng tơi đang được bán với giá 8-10 nghìn đồng/bó, cà chua giá 30 nghìn đồng/kg, dưa chuột được bán với giá 20 nghìn đồng/kg. Bắp cải trắng hiện có giá 10-12 nghìn đồng/kg; Bầu có giá 15 nghìn đồng/kg và bí đỏ được bán giá 17 nghìn đồng/kg.
Với mặt hàng thịt lợn, giá không giảm mà còn tăng do giá lợn hơi tăng cao, với mức giá phổ biến ngưỡng 150-170 nghìn đồng/kg. Còn các loại hải sản cũng neo ngưỡng 250-350 nghìn đồng/kg tôm 30 con; ngưỡng 300-370 nghìn đồng/kg mực ống loại 7 con/kg; 250-270 nghìn đồng/kg với mực ống loại nhỏ...
Còn ở các siêu thị, tín hiệu giảm giá tốt hơn khi họ đã tận dụng dịp này để thu hút khách.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết, trước mắt, từ ngày 22-24/7, các siêu thị trong hệ thống của Saigon Co.op sẽ có nhiều giảm giá ưu đãi dành cho các sản phẩm đồ dùng và may mặc.
Ngoài ra, còn chương trình “mua nhiều ưu đãi lớn” cũng áp dụng từ nay đến ngày 27/7 cho nhiều mặt hàng ăn uống.
Còn những nhóm hàng hóa bắt buộc phải điều chỉnh giá, thì sẽ thương thảo với các nhà cung cấp chiến lược chuẩn bị một nhóm hàng hóa khuyến mãi, giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn tiết kiệm.
Đại diện nhiều siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart, Winmart... cũng cho biết, với giá xăng dầu vừa giảm thêm, đơn vị sẽ sớm đề nghị các nhà cung cấp giảm giá bán thực phẩm ở mức hợp lý, đặc biệt sản phẩm chịu ảnh hưởng từ xăng dầu nhiều như thủy, hải sản đánh bắt.
Chưa thể giảm ngay
Vì sao giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng giá hàng hóa vẫn... làm thinh? PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, giá xăng dầu giảm mạnh trong 2 phiên gần đây, nhưng DN sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ căn cứ theo xu hướng giá chung.
Theo chuyên gia Định Trọng Thịnh, thời gian qua, giá hàng hóa tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá xăng và doanh nghiệp hạch toán dần vào chi phí sản xuất.
Siêu thị tung nhiều chương trình khuyến mãi để hút khách
Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu).
“Việc điều chỉnh giá hàng hóa không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Do đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Giá xăng dầu giảm vừa qua chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1-2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường.
Mặt khác, nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vì vậy, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không loại trừ trường hợp có công ty lợi dụng bối cảnh hiện nay để giữ giá hoặc “té nước theo mưa”.
Tuy nhiên, nếu có các biện pháp quản lý tốt thì việc giá cả hàng hóa tăng, giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]