Vì sao chưa thể mơ ô tô giá rẻ ở Việt Nam?
Chi phí sản xuất trong nước cao, thuế phí chồng chất,...khiến giá thành ô tô tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Giá thành ô tô tại Việt Nam cao hơn so với các nước khác do chi phí sản xuất trong nước cao, cùng với đó thuế, phí cũng tương đối lớn đẩy giá ô tô lên
Thuế chiếm 50% giá thành một chiếc xe
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 chiều qua 2/12, báo chí đặt câu hỏi về việc nhiều doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất ôtô trong nước than khó về chính sách thuế, phí với ôtô nguyên chiếc, linh kiện sản xuất trong nước, gây khó khăn cho cạnh tranh và tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, giá thành ôtô tại Việt Nam cao hơn so với các nước khác do chi phí sản xuất trong nước cao, cùng với đó thuế, phí cũng tương đối lớn đẩy giá ôtô lên.
Đối với các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, nguyên nhân để giá thành cao hơn các DN quốc gia khác là do dung lượng thị trường còn nhỏ. Hơn nữa, ngành công nghiệp ôtô còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác trong khu vực và thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, kể cả các nước trong ASEAN…
Một nguyên nhân khác được vị này nêu ra là do Việt Nam chưa có nhiều DN tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ôtô. Trong khi DN FDI thường sử dụng DN sản xuất linh kiện của quốc gia mình, do đó, thiếu sự kết nối giữa khối FDI và nội địa. Việt Nam cũng đang thiếu các vật liệu cơ bản để sản xuất, chế tạo ôtô như nhựa, cao su... nên phải nhập khẩu với giá thành cao, khiến chi phí sản xuất gia tăng.
Vừa qua, VinFast lần đầu công bố cơ cấu giá xe ôtô, trong đó có các khoản thuế phải nộp. Theo đó, một chiếc VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn có giá xuất xưởng 980,6 triệu đồng, trong đó bao gồm 640 triệu đồng chi phí nguyên vật liệu, 59,2 triệu đồng chi phí vận chuyển về cảng và thuế nhập khẩu, 54 triệu đồng chi phí sản xuất, 5,9 triệu đồng chi phí bảo hành, 24,6 triệu đồng chi phí quản lý sản xuất và phần còn lại là chi phí lưu kho, vận chuyển nội địa, bán hàng, quản lý kinh doanh,...Chiếc xe này khi bán còn phải chịu thêm hơn 412 triệu đồng tiền thuế nữa, bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Như vậy, tổng số thuế lên đến hơn 460 triệu đồng, tương đương 50% giá thành chiếc xe sản xuất ra. Vì vậy, giá Lux A2.0 bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng, chưa tính chi phí khấu hao, chi phí tài chính và chi phí đầu tư cũng như lợi nhuận.
Chiếc xe này được bán ra với giá 1,099 tỷ đồng, DN chịu lỗ 300 triệu nhưng số thuế trên vẫn phải nộp đủ, tính ra thuế chiếm trên 40% giá xe.
Hiện nay, ôtô cá nhân bán trên thị trường trong nước phải chịu 3 loại thuế cơ bản, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Điều đáng nói là các loại thuế này lại đánh chồng lên nhau. Vì vậy, giá xe bị đẩy lên rất cao.
Cần nhiều ưu đãi hơn về thuế
Để có những giải pháp hỗ trợ các DN sản xuất ôtô trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ sẽ bảo vệ, tạo dựng phát triển thị trường ôtô trong nước với những hàng rào kỹ thuật, đảm bảo đúng các cam kết quốc tế.
Cũng theo ông Hải, Chính phủ sẽ khuyến khích các DN lớn đầu tư phát triển công nghiệp ôtô, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thiết lập các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, hướng vào các dòng xe chưa có tại khu vực, để tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị…
Có mặt tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, hiện các DN đang được hưởng ưu đãi từ Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP. Trong đó Nghị định đưa ra mức ưu đãi 5 năm với thuế nhập khẩu 0% đối với các linh kiện sản xuất ôtô trong nước chưa sản xuất được.
Nhưng để tăng sự hỗ trợ cho các DN này, Bộ Tài chính cho biết đang sửa đổi và dự kiến sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 trong tháng 12/2019 theo hướng tạo thuận lợi, nhiều ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ôtô.
Theo đó, Nghị định đưa ra đề xuất quy định thuế suất 0% cho linh kiện, phụ tùng sản xuất ôtô trong nước, thậm chí cả nhập khẩu.
Thị trường ô tô cũ giao dịch sôi động, giá cả có phần dễ chịu hơn do tác động dây chuyền từ xu hướng giảm giá xe...
Nguồn: [Link nguồn]