Trứng gà rẻ chưa từng có, bán vạn quả lỗ hàng chục triệu đồng
“Hết giãn cách xã hội rồi không thấy đoàn nào về mua trứng giải cứu nữa nên giá trứng lại xuống còn 1.400 đồng/quả. Mỗi ngày, tôi phải chịu lỗ cả chục triệu đồng và không biết sẽ lỗ đến bao giờ”.
Mới tờ mờ sáng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh, trú tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã chở xe trứng đến đường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để bày ra bán với giá 2.000 đồng/quả.
Chị Hạnh phải chở trứng gà lên Hà Nội bán với mong muốn bán thêm được đồng nào hay đồng đấy.
Vừa cẩn thận xếp hàng trăm khay trứng lên vỉa hè chị vừa cho biết, hơn 1 vạn con gà nhà chị ngày nào cũng đẻ nhưng giá trứng lại xuống thấp chưa từng có, càng nuôi càng lỗ. Để vớt vát chút tiền thức ăn cho gà, 2 vợ chồng chị quyết định mang trứng lên Hà Nội để bán.
“Gà thì ngày nào cũng ăn, tiền cám tiền ngô, tiền nhân công dọn dẹp, chăm sóc hết hơn 20 triệu/ngày mà trứng thì thương lái chỉ trả 1.400 đồng/quả. 1 vạn quả trứng bán được có 14 triệu đồng, lỗ ngay gần chục triệu. Người tôi lúc nào cũng nóng như lửa đốt, ăn không ngon, ngủ không yên”, chị Hạnh thở dài.
Theo chị Hạnh, với giá 2.000 đồng/quả trứng gà ta thì chỉ cầm hòa tiền thức ăn nhưng như vậy còn hơn là không bán được.
Hơn một tuần cùng chồng chở trứng lên Hà Nội bán là hai vợ chồng phải chuẩn bị từ đêm hôm trước. Sáng hôm sau hai vợ chồng gọi nhau dậy từ 4 giờ sáng rồi đánh xe lên Hà Nội. Để tiết kiệm tiền và thời gian đứng bán, chị chuẩn bị sẵn thức ăn từ nhà. Nước uống cũng được để trong chiếc bình nhựa màu đỏ.
Đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào chuồng trại để nuôi gà ta sinh sản suốt 5 năm nay, chị Hạnh cho biết, hơn nửa số tiền đó là tiền vay ngân hàng và hàng tháng phải trả lãi.
“Mất 2 năm đầu không được thu về 1 đồng nào. Năm thứ 3, thứ 4 dần vào ổn định nhưng vẫn chưa lại tiền vốn và tiền trả nợ thì năm nay thế này. Khổ không để đâu cho hết. Cũng may là được ngồi ở đây bán vớt vát lại tiền thức ăn chứ không thì cũng chết”, chị Hạnh nói.
Mỗi khay 30 quả trứng được chị Hạnh bán với giá 60.000 đồng.
Vừa nuôi lợn vừa nuôi gà sinh sản tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), bà Phạm Thị Mây cũng lâm vào cảnh khó khăn tương tự khi trứng gà chỉ còn 1.400 đồng/quả.
Theo bà Mây, hơn 10 năm chăn nuôi nhưng chưa khi nào bà gặp khó khăn như năm nay. Gần 5.000 con gà Ai Cập nhà bà ngày nào cũng phải cho ăn hơn 700kg thức ăn nhưng hơn 4.000 quả trứng lại không có nơi tiêu thụ.
Trứng gà ta xuống chỉ còn 1.400 đồng/quả khiến người nuôi lao đao.
Nhắc lại đợt cách ly toàn xã hội, bà cho biết, huyện Cẩm Giàng là vùng dịch nên “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trứng gà nhà bà không bán được nằm chỏng chơ cả đống.
“Hơn 1 tuần, ngày nào hơn 4.000 con gà cũng đẻ. Trứng để la liệt trong khay, trên sàn nhà, dưới đất, không còn chỗ mà để. Nếu như con lợn mình còn nuôi cho lớn thêm được nhưng trứng gà để bên ngoài gặp thời tiết nồm ẩm hay nắng nóng sẽ nhanh hỏng. Điên hết cả người vì không biết làm thế nào”, bà Mây cho hay.
Giá trứng gà xuống thấp nhưng tiền thức ăn lại tăng cao khiến nhiều hộ chăn nuôi phải bù lỗ.
Sau đó 10 ngày, số trứng cũ, bà Mây phải bán tống bán tháo với giá rẻ như cho để họ làm phân bón. Số trứng mới, được các đoàn thể đứng ra mua “giải cứu” với giá 15-16.000 đồng/chục quả.
Thế nhưng, hết thời điểm cách ly toàn xã hội, gần 1 tuần nay lại không thấy bóng dáng đoàn nào đến mua giải cứu nữa. Giá trứng lại bắt đầu xuống thấp, chỉ còn 14.000 đồng/chục quả mà thương lái cũng không thiết tha mua, vì có mua thì bán cũng khó.
Trên chợ mạng, mỗi ngày có hàng trăm bài viết kêu gọi mua giải cứu trứng gà. (Ảnh chụp màn hình).
“Trứng gà trắng mà giá còn rẻ hơn cả gà đỏ thế này thì coi như làm không công, lại còn ôm lỗ thêm tiền thức ăn, thuê nhân công, khấu hao chuồng trại và tiền lãi ngân hàng hàng tháng”, bà Hạnh chia sẻ.
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận, phong trào giải cứu trứng gà, gà thịt cho nông dân vùng dịch cũng đã triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, do số lượng tái đàn, tăng đàn ngày càng nhiều cộng với ảnh hưởng từ dịch Covid-10 khiến giá thịt gia cầm và trứng gia cầm giảm mạnh, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng nề.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người xếp hàng suốt 2 giờ đồng hồ mới có thể mua được 2 con gà với giá giải cứu, chỉ 55.000 đồng/kg.