Trồng thứ cây mọc hoang ở rừng, 8X Bình Thuận thu trăm triệu đồng mỗi năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từng thất bại với cây thanh long khi Trung Quốc đóng cửa khẩu, 8X này đã chuyển đổi vườn của mình sang trồng thứ cây từng mọc dại ở rừng và có thu nhập ổn định cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Minh Tân thuộc thế hệ 8X tại xã Hàm Thạnh, Huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chia sẻ trước khi có thu nhập ổn định với thứ cây từng mọc hoang dại ở rừng này bản thân đã trải qua nhiều thất bại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, đầu năm 2020 khi Trung Quốc đóng cửa khẩu nhằm phòng chống dịch Covid-19 khiến giá thanh long giảm mạnh, những người trồng thanh long như gia đình anh lỗ nặng do thương lái không đến mua.

“Nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh nợ nần do trái thanh long trồng ra nhưng không bán được. Gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi có 400 trụ trồng Thanh Long cho thu hoạch nhưng không có khách mua”, ông bố 8X chia sẻ về những khó khăn trước khi chuyển đổi vườn cây của mình.

Anh Nguyễn Minh Tân cho biết hiện chỉ còn trồng 500 trụ thanh long trong trang trại 2,5ha của mình

Anh Nguyễn Minh Tân cho biết hiện chỉ còn trồng 500 trụ thanh long trong trang trại 2,5ha của mình

Sau thất bại với vụ thanh long này, gia đình anh đã quyết định chuyển đổi 5 sào đất (1.000 mét vuông/sào) sang trồng cây sương sâm lông do thấy tiềm năng và thị trường rộng lớn có thể thay thế cho một phần diện tích trồng thanh long trước đây.

Theo chàng trai 8X, cây sương sâm lông còn có rất nhiều tên gọi khác như sâm lông, dây xanh leo,...là một dạng cây thân leo thường bò và mọc bám vào các bờ tường rào hay các cây khác để phát triển. Cây sương sâm mọc chủ yếu ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. 

Anh Tân cũng cho biết trước kia cây sương sâm lông thường chỉ mọc trong rừng nhưng hiện nay cây sương sâm lông hầu như đã được trồng rất phổ biến và rộng rãi ở nhiều khu vực trên cả nước. Hiện nay sương sâm cũng là một món ăn giải nhiệt quen thuộc với nhiều người. Ngoài làm món ăn, lá sương sâm còn là một vị thuốc chữa bệnh vô cùng tốt.

Anh đã chuyển đổi một phần vườn thanh long trước đây sang trồng 1 ha cây sương sâm lông để nâng cao thu nhập

Anh đã chuyển đổi một phần vườn thanh long trước đây sang trồng 1 ha cây sương sâm lông để nâng cao thu nhập

Để có đủ giống trồng cho 5 sào đất cải tạo từ vườn cây thanh long của mình, ngoài việc tìm kiếm cây mọc hoang dại ở tự nhiên, anh đã bỏ ra thêm 10 triệu đồng để mua giống từ nhà vườn và đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu. Anh cũng tận dụng 400 trụ thanh long cũ để làm giá thể leo cho loài cây này.

Ông bố 8X chia sẻ, dây sương sâm lông dài từ 3 - 5m, các cây sương sâm sống lâu năm thậm chí còn có thể dài đến 10m. Rễ cây là rễ cọc ăn sâu vào đất, chính vì thế mà cây có sức sống rất mạnh mẽ. Dù cây sương sâm là một loại cây ít bị sâu bệnh hại nhưng lại rất sợ úng, khi úng cây rất dễ bị thối rễ và chết nhanh. 

Trong thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên anh cũng bị thiệt hại đáng kể. Sau này khi tìm hiểu thêm thông tin từ báo chí và mạng internet cũng như tham khảo những người đi trước dần anh đã khắc phục được vấn đề chết dây của cây.

Anh Tân chia sẻ chỉ sau 10 tháng trồng, một phần vườn thanh long chuyển đổi sang trồng cây sương sâm của anh đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh cho biết mỗi tháng vườn cây cho hái lá 2 lần, mỗi sào thu được 30kg lá tươi với giá thị trường dao động từ 110.000đ-150.000đ/kg. Với 5 sào trồng cây sương sâm lông cho thu hoạch từ 15 đến gần 20 triệu đồng mỗi tháng.

Bình Thuận là tỉnh nắng nóng, nhu cầu lá sương sâm lông làm mát giải nhiệt rất cao và thị trường TP HCM cũng nhiều, có thời điểm khan hiếm giá lá sương sâm lông lên tới 160.000đ/kg nhưng không có đủ hàng cho khách mua.

Ông bố 8X đánh giá, đây là giống cây trồng cho thu nhập cao bởi chi phí đầu tư rất thấp, ít phân thuốc và nhàn rỗi công hơn các loại cây trồng khác.

Với 1 ha sương sâm lông đang cho thu hoạch khoảng 180 triệu đồng mỗi năm

Với 1 ha sương sâm lông đang cho thu hoạch khoảng 180 triệu đồng mỗi năm

Nhận thấy đây là thị trường tiềm năng, nên sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, đến nay gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng cây sương sâm lông lên 1ha và cho thu hoạch mỗi tháng 1,5 tạ lá tươi, tương đương khoảng 16 triệu đồng/tháng và 180 triệu đồng mỗi năm.

Anh cũng cho biết thêm đến nay nhà máy thu mua loại lá này vẫn động viên gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng để tăng sản lượng sấy khô phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Ông bố 8X chia sẻ ngoài 1 ha đã chuyển đổi sang trồng cây sương sâm lông, gia đình anh vẫn còn khoảng 1,5 ha đất khác đang trồng 500 trụ thanh long, chuối, bưởi, cây hoa cảnh, dừa, nuôi gà, bò để phát triển trang trại sinh thái để nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, anh đánh giá sương sâm lông vẫn là giống cây hiệu quả khi mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN