Trồng loại cây thu từ quả đến lá, một bản ở Điện Biên “chia nhau” hàng tỷ đồng/năm
Không chỉ bán quả với giá từ 8-13 nghìn đồng/kg, lá của loại cây này cũng được thu mua làm nguyên liệu thô thay thế sợi gai xanh, giúp hàng chục hộ dân bản thoát nghèo.
Thời gian này, đi dọc đường qua bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên (Điện Biên) sẽ thấy khung cảnh tấp nập người bán người mua với những đống dứa mật cao ngút được gùi xuống ven đường, chờ xe đến vận chuyển.
Những năm gần đây, cứ đến tháng 6, tháng 7, hàng trăm tấn dứa mật từ bản Pu Lau được vận chuyển đến các tỉnh, thành phố, được người tiêu dùng khắp nơi tìm mua với giá từ 25-35 nghìn đồng/kg, cao gấp 4-5 lần dứa thường.
Người dân bản Pu Lau phấn khởi thu hoạch dứa. (Ảnh: Vừ Thị Minh).
Cũng nhờ trồng dứa mật mà bản Pu Lau từ bản khó khăn nhất xã đã vươn lên trở thành bản tiên phong xoá đói, giảm nghèo.
Gần 10 năm trồng dứa mật tại bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, chị Vừ Thị Hoa cho biết, gia đình chị trồng 5.000m2 dứa, nhờ cây dứa mật mà nhiều hộ trồng dứa trong bản trở nên khá giả.
Dứa Pu Lau là giống dứa mật, có xuất xứ từ Lào, được ưa chuộng vì có vị ngọt, mọng nước và cho quả to. Trước kia, dứa chỉ được trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu gia đình. Dần dần, thấy quả dứa mật hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, cho năng suất cao, bán được giá nên bà con dân bản nhân rộng.
Để thu hoạch dứa, vợ chồng chị Hoa phải đi cắt rồi gùi từng gùi từ nương xuống. (Ảnh: Vừ Thị Hoa).
Từ diện tích đất nương trồng lúa, ngô, sắn cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, vợ chồng chị Hoa chuyển đổi sang trồng dứa. Trung bình, mỗi năm, gia đình chị thu được khoảng 40 triệu đồng.
“Dứa mật làm nhàn hơn ngô, lúa nhiều vì chỉ cần trồng một lần sẽ cho thu hoạch 3-4 năm mới phải trồng lại. Mỗi năm, chỉ vất vả nhất là khi làm cỏ và thu hoạch, không cần tưới nước hay dùng thuốc trừ sâu”, chị Hoa cho biết.
Theo chị Hoa, năm nay, dứa mật được giá hơn mọi năm. Giá dứa mật đầu mùa lên tới 12 nghìn đồng/kg. Về đến tay người tiêu dùng cũng có giá từ 25-35 nghìn đồng/kg do khâu vận chuyển khá vất vả và tốn nhiều chi phí.
“Dứa mật được trồng ở trên nương, xe máy không vào được. Dứa cắt xong phải dùng gùi để mang xuống. Nếu trời mưa thì đường trơn, trượt, rất vất vả nên hai vợ chồng, mỗi người chỉ gùi được 3-4 chuyến, trời nắng thì được 6-7 chuyến, cũng vất vả lắm”, chị Hoa nói.
Gia đình chị Hoa mỗi năm có thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ trồng dứa mật.
Cũng trồng dứa mật tại bản Pu Lau, xã Mường Nhà, chị Mùa Thị Linh cho biết, hầu như tại bản của chị, nhà nào cũng trồng dứa mật. Nhiều năm trở lại đây, dứa mật trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bản.
“Trồng ngô lúa phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rất vất vả, kinh tế lại không cao. Có năm còn bị mất mùa, không thu được đồng nào nhưng cây dứa mật lại rất hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cho năng suất cao, quả ngon nên ngày càng nhiều hộ dân trồng dứa mật”, chị Linh nói.
Dứa mật thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó với giá cao. (Ảnh: Kim Thuyên).
Theo chị Linh, hầu hết dứa ở Pu Lau được trồng theo hướng thuận tự nhiên, chỉ làm cỏ bằng tay, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quả dứa chín theo đợt, đảm bảo chất lượng nên ăn rất ngon và được giá.
Với khoảng hơn 1ha trồng dứa mật, mỗi năm gia đình chị thu hoạch được khoảng 20-30 tấn quả. Trừ các chi phí, thu về được khoảng 100 triệu đồng.
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết, bản Pu Lau có 112 hộ với hơn 500 nhân khẩu, diện tích trồng dứa hiện nay của bản khoảng 100ha, trong đó có khoảng 60ha diện tích đang cho thu hoạch, năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha, giá bán dao động từ 8-13 nghìn đồng/kg.
Dứa mật Pu Lau được trồng theo hướng hữu cơ, cho quả ngon, mọng nước và có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Lò Thị Linh).
Nhờ trồng dứa mật đã giúp cho người dân có thu nhập ổn định và trở nên khá giả. Hộ trồng ít cũng thu từ 30-40 triệu đồng/vụ, hộ trồng nhiều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. Chỉ trong vòng vài năm, cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo.
Không chỉ thu nhập từ quả dứa mà mầm dứa cũng được thu mua với giá 2.000 đồng/mầm, lá dứa được một số cơ sở thu mua làm nguyên liệu thô thay thế sợi gai xanh với giá 1.000 đồng/kg.
Nguồn: [Link nguồn]
Con cá này được anh Quân mua cách đây khoảng 2 tháng với giá 170 triệu đồng. Ngay sau đó, có người đến tận nhà, trả giá 200 triệu đồng để mua nhưng anh Quân không bán.