Trang trại rau không cần đất, phương pháp giúp nông dân vượt khó kinh tế
Các khu vườn nổi mang lại thu nhập “bền vững và sinh lợi” cho các hộ gia đình nông thôn ở các vùng dễ bị lũ lụt của Bangladesh.
Để đến được trang trại của mình, Mohammad Mohasin phải đi lại bằng cách chèo con thuyền gỗ hoặc bơi đến cánh đồng hoa màu đang nổi trên mặt nước ở Barisal, một khu vực phía nam của Bangladesh. Cà chua, bí ngô, khoai tây, đậu, cà tím và dưa chuột là những sản phẩm mà anh đã trồng thành các hàng nổi xanh mướt một cách kỳ lạ.
“Nếu tôi trồng những thứ này trên một cánh đồng bình thường, lũ lụt sẽ phá hủy chúng,” Mohasin, một nông dân thế hệ thứ ba của những khu vườn nổi, cho biết. “Nhưng khi mực nước ở đây dâng cao, khu vườn của tôi cũng vậy.”
Một hình thức thủy canh truyền thống đã có từ ít nhất 400 năm trước, những khu vườn như thế này đang được công nhận là một giải pháp vượt qua thiên nhiên, có khả năng chống chịu với khí hậu, có thể giúp nông dân vượt khó ở khu vực chịu nhiều thiên tai.
Bangladesh là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới ước tính phần lớn đất đai bị ngập lụt sau những đợt gió mùa khắc nghiệt và đến năm 2050, mực nước biển dâng cao và xói mòn bờ biển có thể khiến 20 triệu người phải di dời, đồng thời nhấn chìm một lượng đất đáng kể và xóa sạch một phần lớn sản lượng lương thực.
Khoảng một nửa lực lượng lao động của Bangladesh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, các chiến lược thích ứng khí hậu là điều rất cần thiết.
Những chiếc bè nổi hình chữ nhật của Barisal, nổi lên và hạ xuống theo mực nước, hầu hết được làm bằng lục bình, đôi khi được cố định bằng cọc tre. Trên một lớp phân chuồng, nông dân trồng trái cây, rau và cây gia vị. Các hình thức canh tác không sử dụng đất tương tự cũng tồn tại ở các khu vực khác của châu Á, chẳng hạn như Hồ Dal ở Kashmir và Hồ Inle ở Myanmar.
Với chi phí thấp, các khu vườn nổi là sự lựa chọn khả thi cho nông dân. Chúng cũng mang lại nhiều lợi ích khác: vùng nước xung quanh có thể được sử dụng để nuôi cá. Nông dân nói rằng ngay cả khi bão gây ra những thiệt hại không thể tránh khỏi, các bè nổi có thể được xây dựng lại nhanh chóng.
Bài học từ Bangladesh có thể mang giá trị toàn cầu khi thế giới chuyển sang một tương lai với lũ lụt xảy ra thường xuyên. Theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), lũ lụt gây thiệt hại 21 tỉ USD cho cây trồng và vật nuôi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp trong giai đoạn 2008-2018.
Để ghi nhận tiềm năng của vườn nổi, năm 2015, FAO đã xem 2.500 hecta vườn nổi ở Bangladesh là một trong 62 hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng trọng toàn cầu. Tổ chức này ước tính Bangladesh có thể mở rộng canh tác theo mô hình vườn nổi lên diện tích tới 2 hec-ta.
Một báo cáo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nông nghiệp, thực phẩm và môi trường vào năm 2020 cho biết các khu vườn nổi mang lại thu nhập “bền vững và sinh lợi” cho các hộ gia đình nông thôn ở các vùng dễ bị lũ lụt của Bangladesh.
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu nhà báo Jessie Tan trầm ngâm về hiện tượng những người nghèo chuyển từ ăn xin trên đường sang bán hàng trên Douyin.