Trai trẻ 9x mang "lợn lạ" về quê nuôi, kiếm vài trăm triệu mỗi năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn khó kiểm soát, một số hộ dân Bình Phước vẫn sống khỏe nhờ nuôi những con vật này.

Với ưu điểm thịt ngon, dễ nuôi, giá thành cao, mô hình chăn nuôi lợn rừng lai của các hộ dân tại thị xã Phước Long (Bình Phước) trong mấy năm qua đang phát triển tốt, mang lại thu nhập cao, ổn định.

Nói về thành quả này của những người dân tại thị xã Phước Long, có lẽ phải kế đến anh Nguyễn Văn Quyết (SN1993) - một trong những người đầu tiên đưa lợn rừng lai về địa phương để sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa.

Anh Nguyễn Văn Quyết là một trong những hộ tiên phong tại Bình Phước nuôi lợn rừng theo hướng hàng hóa

Anh Nguyễn Văn Quyết là một trong những hộ tiên phong tại Bình Phước nuôi lợn rừng theo hướng hàng hóa

Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng trong thời gian tham gia quân ngũ, sau khi xuất ngũ trở về địa phương anh Quyết đã làm giàu với chính công việc này.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Quyết cho biết lợn thương phẩm tại địa phương có tới đâu được gom mua tới đó. Hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 130 – 160.000 đồng/kg; lợn thịt bán lẻ từ 200 – 250.000 đồng/kg.

Cũng theo anh Quyết, do năm nay dịch bệnh phức tạp và lây lan diện rộng trên cả nước nên để bảo toàn đàn lợn, trang trại của anh cũng như các hộ tại địa phương hạn chế trữ lợn thương phẩm cho dịp Tết nguyên đán sắp tới.

“Dịch bệnh phức tạp, để tránh rủi ro tôi không nuôi lợn thương phẩm. Hiện tôi đang nuôi 15 lợn mẹ. Lợn rừng mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 5 – 7 con, lợn sữa nuôi 45 ngày sẽ tách mẹ, nuôi thêm 1 tháng nữa sẽ bán lợn giống. Mỗi lợn sữa khi xuất đàn có giá trung bình 1 – 1,3 triệu/con” – anh Quyết cho hay.

Lợn rừng lai dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh dịch

Lợn rừng lai dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh dịch

Được biết, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, sinh sản nhanh, lợn thương phẩm nuôi 6 tháng là đạt trọng lượng 25kg có thể bán thịt hoặc làm lợn hậu bị. Với cách nuôi lợn rừng và bán xoay vòng, mỗi tháng gia đình anh có thu nhập hàng chục triệu đồng.

Đối với thức ăn, lợn rừng là loài ăn tạp, để giảm chi phí sản xuất, ngoài đi kiếm các loại củ, quả phế phẩm nông nghiệp tại các chợ trên địa bàn, anh còn dành 1.000 m2 đất để trồng cỏ, đặc biệt là chuối để làm thức ăn cho lợn.                          

“Do là loài có bản năng sống hoang dã nên lợn rừng luôn cảnh giác và hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động lạ, nhất là khi người lạ đến gần, do đó, chuồng trại cần phải được kiên cố nhất là đối với lợn đực giống và lợn cái già đang mang thai.

Chỉ cần tạo môi trường nuôi lợn rừng gần giống môi trường tự nhiên, có nhiều cây cối, yên tĩnh, cách xa khu dân cư và đường giao thông là chăn nuôi thành công”, anh Quyết lưu ý.

Nhờ nuôi lợn rừng lai, mỗi năm anh Quyết có thu nhập hàng trăm triệu đồng

Nhờ nuôi lợn rừng lai, mỗi năm anh Quyết có thu nhập hàng trăm triệu đồng

Chăn nuôi lợn rừng từ năm 2017, mỗi năm anh Quyết thu nhập từ đàn heo khoảng 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra chưa kể những lợi ích khác từ việc sử dụng phân heo để bón cây trồng và tạo khí đốt bằng hệ thống biogas.

Từ hiệu quả mô hình lợn rừng lai của anh Quyết, ngày càng nhiều bà con địa phương tìm đến để thăm quan, học hỏi, đồng thời chọn lợn rừng lai để phát triển kinh tế.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Phú (SN1955) làm nghề nấu rượu và nuôi heo siêu nạc từ năm 2004. Khi nhu cầu tiêu thụ heo rừng lai trên địa bàn ngày càng phổ biến, hai năm nay ông Phú cũng chuyển hướng nhân đàn nuôi lợn rừng lai.

Ông Phú chia sẻ: “Vì chỉ có vợ chồng già nên chúng tôi thường nuôi 20-30 con. Tôi nuôi heo sữa thành heo thịt nhưng đạt trọng lượng khoảng 40kg mới bán. Giá heo rừng lai hơi 140 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với heo thường, dù vậy cũng không đủ phục vụ nhu cầu của nhân dân trong thị xã. Nhiều năm nay, gia đình tôi cũng thường thịt heo ăn dần, chứ không ăn thịt heo ngoài chợ”.

Thịt lợn rừng lai được nhiều người ưa thích bởi thị ngon hơn lợn trắng thông thường

Thịt lợn rừng lai được nhiều người ưa thích bởi thị ngon hơn lợn trắng thông thường

Để tạo điều kiện cho mô hình kinh tế này phát triển hiệu quả, mới đây, dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân phường Long Thủy, HTX lợn rừng lai Long Thủy ra đời với 10 thành viên do anh Nguyễn Văn Quyết làm Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX.

Anh Quyết cho biết, trước đây mạnh nhà nào nhà ấy nuôi. Tuy nhiên, từ khi HTX thành lập, các thành viên trong  HTX có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, HTX cũng ban hành các quy định về con giống, thức ăn, chăm sóc thú y… qua đó nâng cao chất lượng lợn giống, lợn thịt và hướng tới xây dựng thương hiệu lợn rừng lai Long Thủy.

“Trước khi thành lập HTX, tôi đã thỏa thuận, hợp đồng cung cấp heo sữa và heo thịt với một số nhà hàng “heo mẹt” tại thành phố Hồ Chí Minh. Thị trường tiêu thụ rất hút hàng nên thành viên đều phấn khởi”, anh Quyết phấn khởi nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ lạ đèn được làm từ trái cây, giá bán lên đến cả triệu đồng

Từ những quả bầu hồ lô bán với giá rẻ, ông Vinh (Tây Ninh) đã thiết kế ra các mẫu đèn có giá bán lên đến vài trăm,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN