Tốt nghiệp ngành Dược, chàng trai trở về quê vẽ tranh kính bán giá vài triệu đồng/sản phẩm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Vừa cầm tấm bằng đại học chuyên ngành Dược, 9x đã quyết định trở về quê vẽ tranh kính nối nghiệp của cha và phụ mẹ bán thuốc tây.

Từ khi còn nhỏ, anh Trần Xuân Duy (30 tuổi, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An) đã sớm bén duyên với nghề vẽ tranh kính qua việc phụ giúp cha mình, ông Trần Văn Nhanh - một nghệ nhân nổi tiếng vẽ tranh kính. Anh thường làm những công việc đơn giản như: tô viền trắng, tô màu các vị trí đơn sắc trên tranh.

Nhớ lại quá khứ, anh Duy kể về những lần chứng kiến cha mẹ mình làm việc xuyên đêm, đến tận 3-4 giờ sáng để kịp giao tranh cho khách. Thời điểm đó, đơn hàng đến liên tục, nhà anh luôn đầy ắp các loại sơn với đủ màu sắc.

Anh Xuân Duy ngồi phía bên phải đang nói chuyện với khách hàng về tranh kính.

Anh Xuân Duy ngồi phía bên phải đang nói chuyện với khách hàng về tranh kính.

Khi còn nhỏ, anh chỉ tham gia phụ những việc lặt vặt, chưa đòi hỏi cao về kỹ thuật. Đến khi trưởng thành, anh mới bắt đầu học hỏi và được cha truyền dạy những kỹ thuật phức tạp hơn như loang màu và vẽ nét. “Kỹ thuật loang màu trên kính là một trong những kỹ thuật khó nhất, đến giờ tôi vẫn còn phải học”, anh Duy chia sẻ.

Năm 15 tuổi, anh mới có thể tự vẽ được bông sen, hoàn thiện các họa tiết hoa văn ở góc các bức tranh lớn và vẽ những bộ hoành phi, câu đối. Tuy nhiên, vào thời điểm này, tranh kính không còn thịnh hành như trước, số lượng khách đặt hàng giảm đáng kể.

Trước tình hình đó, anh Duy luôn trăn trở về việc làm thế nào để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học, mặc dù làm việc theo chuyên ngành dược, anh vẫn dành phần lớn thời gian để tiếp tục với nghề vẽ tranh kính, vừa phụ giúp mẹ bán thuốc vừa phát triển tranh.

Loại tranh này phải vẽ từ phía sau kính nên không đơn giản.

Loại tranh này phải vẽ từ phía sau kính nên không đơn giản.

“Nghề dược là tôi lựa chọn. Còn nghề làm tranh, dù cha không truyền, tôi cũng muốn giữ gìn vì đó là một nét văn hóa đẹp. Tranh kính không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự thể hiện văn hóa và giá trị tinh thần của người Nam Bộ”, anh Duy tâm sự.

Tranh kính truyền thống thường có nhiều chủ đề phong phú như tranh cảnh, tranh cửa buồng, tranh thờ cửu huyền, ông địa, tứ quý, tứ thời... Theo anh Duy, để hoàn thành một bức tranh kính, người nghệ nhân cần kiên nhẫn và tỉ mỉ, bởi tranh được vẽ ngược trên mặt sau của kính. Mỗi lỗi nhỏ trong quá trình vẽ đều không thể sửa chữa khi sơn đã khô, đòi hỏi người vẽ phải chỉnh ngay khi sơn còn ướt.

Một bức tranh kính hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn như chọn kính, vẽ nét, tô màu, phơi nắng, cẩn ốc và đóng khung. Trong đó, loang màu – đặc biệt cho các chi tiết như trời và mây – là công đoạn khó khăn nhất. Anh Duy thừa nhận rằng đến nay anh vẫn phải học hỏi để hoàn thiện kỹ thuật này.

Theo anh, công đoạn loang màu trong vẽ tranh kính là khó nhất, anh đang phải học để hoàn thiện.

Theo anh, công đoạn loang màu trong vẽ tranh kính là khó nhất, anh đang phải học để hoàn thiện.

Đây là một trong những bức tranh được nhóm của anh phục dựng lại.

Đây là một trong những bức tranh được nhóm của anh phục dựng lại.

Mặc dù tranh kính ngày nay phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm nghệ thuật hiện đại, nó vẫn giữ được sự yêu thích của những khách hàng đam mê sản phẩm truyền thống. Hiện tại, mỗi tháng, anh Duy và cha của mình hoàn thành từ 4 đến 5 bộ tranh kính khổ lớn, tranh thờ cửu huyền, với giá mỗi bộ tranh từ vài triệu đồng, đảm bảo thu nhập cho gia đình từ nghề truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở tranh kính, anh Duy và nhóm bạn còn thực hiện dự án phục dựng tranh gương Huế - một trong những dòng tranh gương đầu tiên ở Việt Nam. Nhóm của anh đã thành công phục dựng bức tranh "Sơn tủng tùng đình" từng được treo tại điện Cần Chánh. Trong tương lai, nhóm dự kiến sẽ hoàn thiện nhiều bức tranh khác trong vòng một năm tới.

Tranh kính hay còn gọi là tranh kiếng là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, được vẽ trên chất liệu là tấm kính (gương). Tranh kính bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ 19 do những di dân người Hoa truyền bá, xuất hiện trong cung đình Huế từ thời vua Minh Mạng.

Đầu thế kỷ 20, dòng tranh này có mặt tại nhiều vùng miền cả nước. Trong hơn một thế kỷ phát triển, loại hình nghệ thuật này đã hình thành nhiều dòng tranh nổi tiếng với phong cách và đặc điểm riêng biệt như Chợ Lớn (Sài Gòn), Lái Thiêu (Bình Dương), Khmer…

Tranh kính được nghệ nhân vẽ trên mặt sau của tấm kiếng, một loại vật liệu có bề mặt phẳng và sáng. Vì vậy tất cả các chi tiết và màu sắc đều phải được thực hiện từ phía sau để khi nhìn từ phía trước, chúng sẽ hiện lên đúng như mong muốn của người vẽ. Điều này đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ năng và sự cẩn thận cao độ.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại quả rừng này hiện đang vào mùa, mấy năm nay được người thành phố "săn lùng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN