Thử trồng loại cây lạ mà quen, 8x Phú Thọ thu hàng trăm triệu đồng từ nghề tay trái
Không chỉ bán được quả, những nhánh cây con mọc ra từ thân của cây dứa mật cũng được bà con quanh vùng tìm đến mua hết với giá cao, mang về cho chị Yến lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ.
Những ngày cuối năm, mặc dù bận rộn với công việc quản lý cửa hàng thời trang trẻ em ở Việt Trì (Phú Thọ), chị Phạm Thị Hải Yến (SN 1987), trú tại khu Đồng Mười, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê vẫn tranh thủ cuối tuần để dẫn chúng tôi về thăm đồi dứa rộng mênh mông của gia đình.
Chị Yến cho biết, toàn bộ diện tích đất gần 2ha này trước đây là đất trồng sắn, keo và bạch đàn cho hiệu quả kinh tế thấp, mới được gia đình chuyển đổi sang trồng dứa mật được khoảng 4 năm nay.
Những mảnh đồi từng trồng sắn, keo, bạch đàn được chị Yến chuyển đổi sang trồng dứa mật.
“Năm 2020, mẹ tôi xem trên tivi thấy một số mô hình trồng dứa mật ở Tây Nguyên thì thích quá. Cây dứa ở quê tôi thì rất quen thuộc, nhưng cây dứa mật không có gai lại cho quả "siêu to khổng lồ" thì vô cùng lạ lẫm. Tối ngày mẹ tôi mò mẫm nghiên cứu kỹ thuật trồng dứa mật và tìm địa chỉ bán giống tận Gia Lai, rồi mua 5.000 chồi giống dứa mật về trồng”, chị Yến kể.
Với hơn 13 triệu đồng tiền mua giống dứa mật trồng trên diện tích đất hơn 4.000m2, sau 18 tháng, gia đình chị Yến được thu hoạch những quả dứa mật đầu tiên.
Những quả dứa mật đầu tiên "siêu to khổng lồ" được bán "vèo vèo" với giá cao.
Dứa thu hoạch đến đâu được bán hết đến đó với giá bán lẻ là 20-25 nghìn đồng/kg. Mỗi quả dứa nặng từ 0,8-1,5kg, thậm chí có những quả to nặng lên tới 2,5-3kg mang về lợi nhuận gấp 10 lần trồng sắn.
“Vào mùa, dứa ta chỉ bán được giá từ 4-5 nghìn đồng/quả nhưng dứa mật nhà tôi bán được giá từ 20-30 nghìn đồng/quả. Ai ăn cũng khen ngon. Qua vụ đầu tiên, nhà tôi thu hoạch được khoảng 50 triệu đồng từ việc bán quả dứa và chồi giống dứa. Thấy hiệu quả kinh tế cao, thị trường rộng lớn, cây dứa lại ít tốn công chăm sóc nên tôi mượn đất trồng thêm 1ha nữa”, chị Yến nói.
Dứa mật cho lợi nhuận kinh tế cao gấp chục lần trồng sắn lại dễ dàng tiêu thụ.
Bỏ số tiền khoảng 20 triệu đồng để thuê máy móc làm đất và mua 5 vạn cây dứa giống với giá 2,5 nghìn đồng/cây về trồng nhưng sau gần 1 năm, chủ đất bỗng dưng bán đất khiến chị Yến loay hoay không kịp trở tay.
“Cây dứa khi ấy đang phát triển mạnh, người mua đất cũng ngỏ ý mua lại vườn dứa nhà tôi nhưng họ trả rẻ quá. Vậy nên tôi về bàn với bố mẹ và gia đình, mua đứt luôn mảnh đất đó với giá 400 triệu đồng”, chị Yến nói.
Để cải tạo đất đồi rừng trồng dứa, chị Yến phải thuê máy múc đào và san lấp.
Theo chị Yến, cây dứa mật là loại cây rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc. Để cây dứa phát triển tốt, không tốn công thuê người làm cỏ, trước khi trồng, chị tiến hành cải tạo đất bằng phân chuồng hoai mục và phân tổng hợp, sau đó phủ bạt nông nghiệp lên và xuống giống. Cây dứa chỉ cần bón 3 đợt phân, sau 18 tháng có thể thu hoạch.
Dứa mật được trồng thuận tự nhiên, chỉ bón phân chuồng và tổng hợp, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Vụ đầu tiên, vườn dứa mật cho thu hoạch khoảng 60 tấn quả, bán với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/kg và khoảng 10 vạn chồi dứa giống, bán với giá 2,5 nghìn đồng/cây. Vụ tiếp theo, chị Yến thu hoạch được khoảng 20 tấn dứa quả và 3 vạn cây dứa giống.
Nhờ trồng dứa mật, chị Yến có thể mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tổng cộng trong 3 năm, vườn dứa mang về doanh thu khoảng trên 900 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, phân bón và nhân công sản xuất, chị Yến lãi khoảng hơn 500 triệu đồng.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, chị Yến lại tiếp tục nhân rộng diện tích thêm 2ha để trồng dứa mật, liên kết với các doanh nghiệp chế biến để thu mua quả dứa với giá cao. Ngoài ra, chị Yến còn dự định sẽ tìm hiểu thêm về việc sơ chế lá dứa để cung cấp cho các nhà máy làm sợi vải, phát triển kinh tế từ cây dứa.
“Cây dứa mật chịu hạn rất tốt lại không mất nhiều công chăm sóc, rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của quê tôi. Vậy nên, một số hộ nông dân khác cũng bắt đầu xuống giống, trồng dứa mật. Hy vọng rằng, mô hình trồng dứa mật này sẽ giúp phát triển kinh tế cho người dân quê tôi cũng như tạo thành vùng sản xuất dứa mật, nâng cao thu nhập cho mọi người”, chị Yến nói.
Bất ngờ hơn khi đây chỉ là công việc tay trái của anh Lưu, mỗi tháng tranh thủ làm vài ngày hoặc khi rảnh rỗi.
Nguồn: [Link nguồn]