Thu hồi hàng triệu xe cũ nát cách nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tại Hà Nội, trong năm 2018 - 2019 chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của 3 xe, còn chưa biết tình trạng xe khác thế nào.

Đoạn dốc cuối đường 422 (Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên có một số xe hết niên hạn hoặc hết hạn đăng kiểm vài năm

Đoạn dốc cuối đường 422 (Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên có một số xe hết niên hạn hoặc hết hạn đăng kiểm vài năm

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải để giảm bớt ô nhiễm không khí. Vậy, cách nào để hai đô thị lớn nhất nước thực hiện được điều này trong khi mức độ gia tăng xe máy cũ nát và ô tô hết niên hạn đang tăng nhanh?

Xe máy cũ nát tung hoành, ô tô hết niên hạn lẩn tránh

Hơn 5h sáng 19/1, trên tuyến trục đường Quang Trung - Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) hướng từ ngoại thành vào nội thành rất đông dòng xe máy lưu thông để tỏa vào các chợ đầu mối, quán ăn. Dễ nhận thấy, phần lớn các xe này được độ thêm giảm xóc, gá sắt phía sau, chân chống để chất được nhiều hàng hóa, nhiều nhất là hàng nông sản, thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, trong đó nhận định thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP HCM.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý 4 năm nay. Bộ GTVT được giao khẩn trương phát triển phương tiện, hệ thống giao thông thân thiện môi trường, trong đó có xe điện.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, có nhiều xe không còn gương, không còn yếm chắn gió, khi chạy phát ra tiếng nổ lớn, liên tục nhả khói đen. Anh Bùi Hữu Vân (xã Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội), người thường xuyên chở rau, gạo cho các quán ăn ở quận Thanh Xuân bằng chiếc xe máy cũ cho biết, làng anh có nhiều gia đình làm nghề đưa rau, thực phẩm tươi sống cho chợ đầu mối và đều dùng xe máy cũ để chở. “Gia đình đủ điều kiện để mua chiếc xe máy mới, nhưng dùng xe cũ lợi hơn”, anh Vân nói.

Trước đó, khảo sát trên một số trục đường cửa ngõ vào Hà Nội như: Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ... vào thời điểm sáng sớm cũng dễ dàng bắt gặp các xe máy cũ, thải khói đen được dùng làm phương tiện chở hàng hóa lưu thông vào nội thành.

Còn vào ban ngày, trên một số tuyến đường khu vực có công trình xây dựng, tình trạng xe máy cũ nát, không còn biển số được dùng để chở người, thậm chí đồ vật, phế liệu diễn ra phổ biến.

Anh Đỗ Văn Ngọc, thợ sửa xe máy ở Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết, ngày càng có nhiều xe máy đời mới, xe điện, nhưng xe máy cũ cũng vẫn được nhiều gia đình tận dụng.

“Xe cũ, khói đen nhiều nhưng chủ xe yêu cầu chỉ cần sửa để đi được, không quan tâm đến việc khói ít hay nhiều”, anh Ngọc nói.

Khác với xe máy cũ nát, khảo sát của PV, xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng không hoạt động trên các tuyến giao thông công cộng mà chủ yếu hoạt động tại khu vực nội bộ cảng, bến thủy, công trường hoặc đường ngắn trong khu vực làng nghề.

Đơn cử, tại đoạn ven đường 442 nơi giáp xã Thượng Hội, Liên Trung, Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) có 4 - 5 xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng từ vài năm nay nhưng vẫn giữ biển số, cẩu gắn trên xe.

Thi thoảng, có xe rời khỏi vị trí và chở gỗ nguyên liệu vào một số xưởng sản xuất gần đó. Hay tại một số cảng thủy (không phép) ven sông Đuống thuộc địa bàn quận Long Biên, đến nay vẫn có xe tải hết niên hạn chưa giải bản và lẩn tránh việc nộp lại giấy tờ, biển số cho cơ quan quản lý đăng ký phương tiện.

Xây dựng tiêu chí “cũ nát” để thu hồi

Về số lượng xe máy cũ, theo thống kê của các đơn vị chức năng, tại Hà Nội có khoảng 2,7 triệu xe (năm 2018), còn tại TP HCM hiện có khoảng 5 triệu xe (lưu hành trên 5 - 10 năm).

Đối với ô tô, theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến hết năm 2020, toàn quốc có hơn 239.400 xe ô tô (xe tải, xe chở người) hết niên hạn sử dụng, trong đó nhiều nhất là TP HCM với hơn 57.900 xe và Hà Nội với hơn 24.000 xe.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện việc quản lý xe ô tô cũ nát, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải thuận lợi hơn so với xe máy.

Xe ô tô khi hết niên hạn sử dụng buộc phải dừng hoạt động, nếu lưu thông ra đường bị xử phạt, tịch thu phương tiện; còn ô tô cá nhân không áp dụng niên hạn phải qua đăng kiểm kỹ thuật, kiểm tra khí thải định kỳ, nếu không đạt tiêu chuẩn không được phép lưu thông. Hiện, chế tài xử lý có đủ nhưng việc xử lý vi phạm, nhất là từ địa bàn cơ sở chưa triệt để nên thực tế tại hầu hết các địa phương vẫn còn xe ô tô hết niên hạn hoạt động.

Thông tin thêm, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, việc thu hồi biển số xe đã hết niên hạn sử dụng ở các địa phương rất thấp. Đơn cử tại Hà Nội, trong năm 2018 - 2019 chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của 3 xe, còn chưa biết tình trạng xe khác thế nào.

Theo ông Đặng Trần Khanh, khi xe ô tô hết niên chưa bị xử lý triệt để, xe ba bánh tự chế vẫn lưu thông phổ biến trên đường phố thì rất khó khăn để thu hồi xe máy cũ nát. Đồng thời, hiện chưa có tiêu chí “cũ nát”, nên để thu hồi được trước hết phải xây dựng được tiêu chí trên và có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính để thu hồi.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm, việc quản lý xe máy cũ nát để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại Hà Nội và TP HCM đang là yêu cầu bức xúc của xã hội.

Tuy nhiên, việc này liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi. Tới đây, nếu dự thảo Luật GTĐB sửa đổi với quy định kiểm tra khí thải định kỳ xe máy được thông qua, sẽ là giải pháp khả thi để ngăn xe máy không đạt chuẩn khí thải tham gia giao thông.

“Giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện”, ông Phương cho biết.

Theo ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), xe ô tô cá nhân không bị quy định niên hạn sử dụng (mà chỉ quy định niên hạn đối với xe kinh doanh vận tải), nên cũng khó kiểm soát được xe cũ nát bằng niên hạn sử dụng. Các địa phương có thể dùng giải pháp cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ tiền cho người dân chuyển đổi xe máy cũ nát và chuyển đổi sang xe mới có chất lượng tốt hơn, chuẩn khí thải cao hoặc xe điện. Đây cũng là giải pháp được một số nước thực hiện.

Cần nhà sản xuất chung tay

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, giải pháp thu gom, loại bỏ các phương tiện giao thông cơ giới cũ nát cần tránh bị hiểu lầm là “tịch thu tài sản”. “Bản chất của việc này là “thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm môi trường” để xử lý. Để làm được cần có sự chung tay của nhà sản xuất phương tiện cùng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để người dân đồng thuận, thực hiện”, ông Tạo nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Sắp hết năm, công ty nhà Cường Đô La lại lùm xùm kiện cáo

Sau phiên "tháo chạy", nhà đầu tư lại vừa chứng kiến một phiên đau tim khi các chỉ số đổi màu chóng mặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN