Thứ đặc sản ở sông Hồng có tên cực dị, giá hơn nửa triệu đồng/kg
Đây là đặc sản của sông Hồng có cái tên rất lạ, ít người biết. Nó có thể rang với lá chanh, xào rau bí hoặc thả lẩu riêu cua… ăn dai dai, vị béo ngậy.
Con vật vờ hay con vờ là đặc sản của sông Hồng. Loài côn trùng này chỉ xuất hiện một lần trong năm, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch.
Con vật vờ là đặc sản sông Hồng mà ít người biết đến. Ảnh: Xuân Thanh/ Dân Việt.
Con vật vờ sống ở đáy sông, khi trở trời các ấu trùng nở ra to gần bằng con châu chấu, thân trắng đục, cánh trắng mỏng tang, bay vật vờ trên mặt nước vì thế mà thành cái tên “vật vờ”.
Cả tháng vật vờ lên lột xác vài ngày, đẻ trứng rồi chết. Trứng nở thành ấu trùng lại trở về đáy sông chờ ngày được ngoi lên mặt nước lột xác.
Để hớt được con vật vờ, dân chài phải canh thời tiết, con nước sao cho đúng vào ngày vật vờ lên lột xác. Nhiều người bảo, những ngày trở trời là vật vờ dễ xuất hiện, dân chài phải "canh" để nhanh tay hớt vật vờ.
Cả tháng vật vờ lên lột xác vài ngày, đẻ trứng rồi chết.
Hớt vật vờ rất dễ, tầm 4-6h sáng vật vờ ngoi lên bay đi tìm chỗ đậu để lột xác, lúc đó nó rất yếu nên chỉ bay là là mặt nước hay mặt đất. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có vật vờ. Chỉ có ở ngã ba sông nơi nhiều đất thịt để chúng làm tổ mới có. Chúng ngoi khỏi mặt nước là bay thành đàn, thành mảng.
Người không có thuyền đi ven sông chăm chỉ vợt cũng được cả cân thứ côn trùng màu trắng đục. Nhà thuyền chài thì dùng vợt gắn lưới bơi ra xa bờ vớt xác vật vờ nổi đầy mặt sông. Vì trời chưa sáng nên có người còn đốt bó đuốc to cho vật vờ thấy sáng thì tụ lại, rồi cầm vợt chao qua liệng lại tới nặng tay thì đổ ra cả rổ vật vờ về ăn và bán.
Con vật vờ có thể đem rang với lá chanh, xào rau bí hoặc thả lẩu riêu cua… ăn dai dai, béo ngậy. (Ảnh: Tiêu xanh Hà Nội)
Chia sẻ với Infonet, quản lý của một cửa hàng bán vật vờ cho biết, cửa hàng thu mua từ các mối ngư dân bắt được và đóng hộp trọng lượng 500g, bán với giá 120.000 đồng. Hiện đã là cuối mùa nên không còn nhiều.
Theo đại diện cửa hàng, vật vờ có thể đem rang với lá chanh, xào rau bí hoặc thả lẩu riêu cua… ăn dai dai, béo ngậy. Nhà hàng, quán bia thường hay đặt mua làm món nhậu cho khách. Nhiều khách lẻ chưa biết đến thứ đặc sản này cũng muốn thử ăn cho biết. Ước tính năm nay, cửa hàng cũng bán được khoảng vài tạ vật vờ cho khách thưởng thức.
“Mọi năm, vật vờ khá đắt vì mất mùa, số lượng ít, giá bán vật vờ tươi 400.000-600.000 đồng/kg. Năm nay được mùa, vật vờ có giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng hơn một nửa giá so với mọi năm, chỉ 240.000 đồng/kg nên mới có bán lẻ. Nếu khách nào có nhu cầu chế biến chín sẵn, cửa hàng cũng hỗ trợ khách.
Nếu xào rau bí, giá khoảng 170.000 đồng, trong đó có nửa cân vật vờ hoặc nếu rang lá chanh thì giá chỉ 140.000 đồng”, đại diện cửa hàng cho hay.
Chị Nguyễn Lan ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, đã được ăn vật vờ một lần và nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó, nên khi biết có nơi bán là chị lại mua để cả gia đình cùng thưởng thức.
Món chả vật vờ thơm ngon, béo ngậy. (Ảnh: Hương Nguyễn)
Theo chị Lan, vật vờ nấu canh chua rất ngọt, còn nếu chiên lên sẽ giòn tan, béo ngậy. Nhà có trẻ nhỏ, chị thường làm chả vật vờ bằng cách cho vật vờ vào cùng trứng, gia vị, thịt xay, lá lốt thái nhỏ đánh đều, đem rán vàng rất thơm ngon, bùi bùi.
“Nếu đã được ăn một lần sẽ không bao giờ quên hương vị của nó và đến mùa phải nhất định lùng mua bằng được để thưởng thức. Sẽ không có món ăn nào có cái vị mà ăn một lần nhớ mãi, luôn muốn ăn tiếp như đặc sản vật vờ này", chị Lan nói.
Con vật vờ thuộc bộ Cánh phù du, một bộ thuộc một nhóm Palaeoptera, cùng với bộ Chuồn chuồn, tên khoa học là Ephemeroptera.
Vật vờ là loại trùng thoát xác hai lần. Sau lần thứ hai chúng có một cặp cánh và chỉ sống được vài giờ. Tuổi thọ dài nhất của vật vờ cũng không quá 1 tuần. Ấu trùng của nó sống trong nước, sau thành trùng thì thân mềm nhũn, phát ra ánh sáng, hai cái râu ở trên đầu giống con dao găm, cuối phần bụng mọc ra 3 cái lông đuôi.
Buổi tối những con vật vờ tụ tập, bay lượn trên mặt nước để tiến hành giao phối. Sau đó, vật vờ cái đẻ trứng xuống nước, rồi đa số chết đi.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhìn bề ngoài, chúng không khác gì cây nấm độc, thế nhưng đây lại là loại nấm được bà con dân bản nơi đây coi như “vàng đỏ”.