Thiệt hại 5,7 triệu con lợn vì dịch, dân có đủ thịt lợn ăn Tết năm nay?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường liên tục nhấn mạnh thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi là chưa từng có trong lịch sử, nhưng nhờ có các giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ không bị khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc.

Thiệt hại rất lớn, lịch sử chưa bao giờ có

Trong phiên chất vấn sáng 6/11, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp thời gian qua.

Hơn cả, nhiều đại biểu băn khoăn về việc tái đàn của các hộ chăn nuôi sau khi dịch có dấu hiệu giảm nhiệt

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đã bày tỏ lo lắng về việc, sau dịch tả lợn châu Phi, người dân sẽ không đủ thịt lợn để sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán 2020 sắp cận kề. Ông đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có giải pháp gì để tái tạo đàn lợn nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân?

ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày to lo ngại về nguồn cung thịt lợn dịp Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Thắng.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày to lo ngại về nguồn cung thịt lợn dịp Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Thắng.

Về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. "Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế", ông liên tục nhấn mạnh trong phần trả lời chất vấn của mình.

Bộ trưởng dẫn chứng, đây là loại dịch bệnh khi xâm nhập vào đàn lợn thì tỷ lệ chết là 100%. Bên cạnh đó, 100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước tác động của biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Tháng 3/2018, Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện dịch bệnh, chỉ một thời gian ngắn sau là 28 quốc gia nhiễm dịch.

Thậm chí có thông tin 30% đàn lợn của thế giới bị huỷ diệt vì dịch tả lợn Châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng thực phẩm trước nay chưa từng có.

Tuy vậy, ông Cường cũng cho biết, bộ NN&PTNT dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm.

Ông cho biết, về nhận thức tác hại của dịch bệnh này, chúng ta đã ý thức được ngay từ ban đầu, hoàn toàn chủ động ứng phó. Ngày 30/8/2018, Bộ đã chủ trì hội nghị toàn quốc để cảnh báo về nội dung này. Ngày 20/9/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp và ban hành ngay chỉ thị.

"Đến nay, chúng ta có 60 văn bản từ chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, Chính phủ và có 40 văn bản hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp của bộ NN&PTNT và các tỉnh", Bộ trưởng nói và cho biết Bộ cũng đã có kịch bản ứng phó với dịch bệnh, tổ chức công tác hướng dẫn cho cán bộ, người dân.

Tuy vậy, "có một điều đáng buồn" mà chúng ta phải chấp nhận đó là do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, hồi tháng 2/2019, ổ dịch đầu tiền phát hiện ở Hưng Yên và sau đó lan ra hầu khắp các tỉnh thành.

"Cho đến nay, tổng số thiệt hại trên cả nước là 5,7 triệu con lợn, bằng khoảng 8,5% tổng sản lượng lợn của Việt Nam", Bộ trưởng thông tin đồng thời nhấn mạnh đây là thiệt hại vô cùng lớn cho người nông dân chăn nuôi.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Thắng.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Thắng.

Tiền mua bán lợn về xử lý bằng tia cực tím

Sau thời gian nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, ông Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, nếu tháng 6/2019 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy dưới 40.000 con. Tín hiệu vui là 60% số xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.

Đến nay, chúng ta vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ kỵ, ông bà (mất 10%) - đây là hạt nhân, được bảo vệ nghiêm ngặt để phát triển đàn lợn sau này.

Bộ trưởng cho biết thêm, cách đây 3 tuần, đoàn công tác của bộ NN&PTNT đã đi Khoái Châu, Hưng Yên. Địa phương này có nhiều hộ chăn nuôi tới 3.000 - 4.000 con lợn/hộ, chuồng trại được giữ gìn vệ sinh rất sạch, bảo đảm an toàn sinh học từ khâu giống, thức ăn và người ra vào nên không bị ảnh hưởng gì.

Thậm chí, có nông dân biết thông tin dịch bệnh có thể lây lan qua việc nhận tiền khi mua bán thịt lợn thì tiền khi giao dịch về cũng được xử lý tia cực tím, cám mua về cũng xử lý trước khi cho ăn 2 ngày.

Tết năm nay có lo đủ thịt lợn cho dân?

Trả lời lo lắng của đại biểu về nguồn cung thịt lợn cho cuối năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề này đã được bộ NN&PTNT tính đến ngay từ lúc dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giải pháp phát triển nguồn thực phẩm thay thế, song song với các biện pháp ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi phải tập trung vào 3 nguyên tắc chính đó là: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, Tổ chức sản xuất chuỗi và phải có thị trường tiêu thụ, không sản xuất ồ ạt.

Giá thịt lợn tăng cao đột biến dịp cuối năm.

Giá thịt lợn tăng cao đột biến dịp cuối năm.

Sau 9 tháng, gia cầm tăng 12% sản lượng (trước là 1 triệu tấn), thuỷ sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%. Từ đó, "chúng ta đảm bảo cân đối, không bị khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, về giá thịt lợn hiện nay tăng từ 40 – 45 ngàn đồng/kg lên 60 – 65 ngàn đồng/kg thịt lợn thì người dân phải tạm thời chấp nhận.

"Bởi, trong tình cảnh hiện nay thì chi phí sản xuất có cao hơn trước. Để đảm bảo đàn lợn sạch thì người sản xuất phải sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Chỉ doanh nghiệp hay hộ nào đảm bảo điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn chứ không tái đàn vô lối, vô nguyên tắc " – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.

Giá đắt gấp 3 lần thịt lợn, nạc nọng sốt rần rần, chị em vẫn lùng sục tìm mua

Trong khi giá bán thịt lợn như nạc vai, thăn chuột, ba chỉ, thịt mông…chỉ khoảng 120.000-130.000 đồng/kg thì thịt nạc nọng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Luân - Hoa Liên ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN