Thấp thỏm lo "giải cứu" gần 500 container nông sản ùn ứ tại Tân Thanh

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau 10 ngày kể từ khi Trung Quốc chính thức áp dụng việc kiểm soát nông sản theo quy định mới, đã có gần 500 container hàng của các thương nhân, doanh nghiệp Việt xuất khẩu bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Hiện có gần 500 xe chở nông sản đang bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh

Hiện có gần 500 xe chở nông sản đang bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh

Những đoàn xe container chở đủ loại nông sản Việt như chuối, thanh long, nhãn… xếp hàng nhiều km kéo dài nhiều ngày dọc đường tới cửa khẩu Tân Thanh là hình ảnh quen thuộc với người dân Lạng Sơn trong hơn 1 tuần qua. Từng đoàn xe container nối đuôi nhau nổ máy, nằm chờ dưới trời nắng đợi đến lượt được vào bãi chờ làm thủ tục thông quan. Nét mặt các tài xế đều mệt mỏi, bồn chồn khi việc chờ đợi kéo dài hai đến ba ngày mà chưa làm xong thủ tục xuất hàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Đ.V.V, chủ một DN tư nhân làm dịch vụ vận chuyển ở Hưng Yên cho hay, việc Trung Quốc siết quản lý nông sản nhập khẩu đang khiến các DN thiệt hại rất lớn. Bản thân anh và một xe khác của đơn vị đã phải “lưu hàng” tại cửa khẩu trong suốt 4 ngày qua mà chưa biết có được xuất hàng trong ngày hôm nay hay không.

“2 xe container thanh long đã được chúng tôi đưa lên Lạng Sơn cách đây 4 ngày. Việc ùn ứ làm chúng tôi phải ở lại Tân Thanh 3 ngày mới đưa được xe vào bãi. Mất thêm 1 ngày chờ đợi nữa tôi mới đến lượt được làm thủ tục xuất hàng. 4 anh em đều rất mệt mỏi vì chờ đợi, chưa kể tốn kém vì chờ đợi vạ vật trong 4 ngày qua. Tiền dầu để chạy máy, bảo quản thanh long mỗi ngày hơn 600 nghìn đồng, chi phí ăn uống, tắm giặt, thuê nhà nghỉ cũng tốn thêm hơn 500 nghìn đồng nữa. Mỗi ngày xe tắc, không xuất được hàng là tốn thêm 1,2 triệu đồng”, anh V. cho hay.

Phía Hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm soát nông sản nhập khẩu theo quy định mới

Phía Hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm soát nông sản nhập khẩu theo quy định mới

Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương ngày 22/10 về tình hình xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn, ông Hồ Chí Duy, Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu Sở Công Thương Lạng Sơn cho hay, từ cuối năm 2018 đến đầu 2019 xuất khẩu qua Tân Thanh suy giảm đáng kể. Nhưng từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu có xu hướng tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, chuối nhãn với hơn 100 xe/ngày.

Từ tháng 9 đến nay mỗi ngày có khoảng trên 200 xe qua cửa khẩu Tân Thanh mang theo thanh long từ các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên từ ngày 15/10/2019 đến nay, lượng hàng hóa dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến, khoảng 250 xe/ngày, chủ yếu là nông sản, thanh long từ các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và các tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn đã vào vụ thu hoạch.

Theo ông Duy, cùng với việc hoa quả vào mùa thu hoạch, lượng xe về cửa khẩu những ngày qua tăng đột biến. Đến ngày 12/2, lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa xuất nhập khẩu mới. Theo đó, lực lượng chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra,  giám sát tại cổng kiểm soát số 1 khiến thời gian làm thủ tục kiểm tra mất khoảng 6-7 phút/xe (trước chỉ mất không quá 2 phút/xe. Do đó lượng xe hàng xuất khẩu trong ngày chỉ đạt tối đa 120-150 xe/ngày (trước cao điểm lượng xe thông quan trong ngày đạt 300 xe) dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về cửa khẩu, gây dồn ứ cục bộ.

“Đến 19h30 ngày 21/10, lượng phương tiện còn tồn tại cửa khẩu khoảng 470 xe. Chúng tôi đã làm việc với phía bạn và thống nhất một số biện pháp để hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ kiểm tra tại cửa khẩu và kéo dài thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu từ 6h đến 16h30 hàng ngày”, ông Duy cho hay.

Từng đoàn xe nối đuôi nhau nhiều km, chờ đợi nhiều ngày để được làm thủ tục thông quan..

Từng đoàn xe nối đuôi nhau nhiều km, chờ đợi nhiều ngày để được làm thủ tục thông quan..

Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho hay, hàng nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến so với các năm trước đây. Với những mặt hàng dễ hư hỏng như chuối, sẽ được hải quan ưu tiên đưa vào luồng chính, xuất khẩu trước. Các mặt hàng khác như nông sản thì làm thủ tục sau. Ngày cao điểm làm thủ tục được hơn 180 xe. Chi cục cũng đã làm việc với đơn vị quản lý bãi xe cung cấp đồ ăn, cơm miễn phí hỗ trợ các chủ hàng, lái xe, từ ngày hôm qua.

Cũng theo bà Hoa, việc kiểm soát hàng nông sản được thực hiện rất chặt chẽ. Phía hải quan Trung Quốc yêu cầu chủ xe mở container, cabin, nếu phát hiện các loại rau củ trên xe là sẽ yêu cầu bỏ đi. “Ngay cả người dân, thương nhân Trung Quốc khi sang giao dịch và nếu có mang theo mớ rau hay bất cứ loại quả gì cũng đều bị yêu cầu bỏ lại vì là hàng chưa qua kiểm dịch”, bà Hoa cho hay.

Phó Giám đốc Sở công thương Lạng Sơn Nguyễn Quốc Hải cho hay, việc Trung Quốc siết các quy định quản lý về nhập khẩu không phải là chuyện mới. Mọi thông báo về chính sách đã được đưa ra trước đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý đã có cảnh báo về việc này nhiều lần. Các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu không cập nhật chính sách.

Cũng theo ông Hải, việc Trung Quốc có biện pháp siết quản lý cũng phải nói thẳng là do tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam làm ăn không nghiêm túc. Thực tế, có trường hợp phía bạn phát hiện DN của Việt Nam khai hàng hóa trong container không giống trong tờ khai. Sự việc lặp lại nhiều, sau đó phía bạn mới thay đổi cách kiểm tra, kiểm tra cả cabin xe luôn. Những sự việc như vậy đã khiến cho phía bạn siết lại việc kiểm tra nên dù bên ta tạo điều kiện tối đa cho các DN xuất khẩu nhưng rất khó để có thể quay lại việc kiểm tra thông thoáng như trước đây.

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, cần có sự phối hợp hợp tác giữa các cơ quan chức năng và các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên… Chủ DN và nông dân cũng nên kết nối, chia sẻ thông tin về các thay đổi trong chính sách kiểm dịch, hải quan cũng như truy xuất nguồn gốc của nước bạn.

Theo ông Hải, trước việc hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp triển khai các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ùn ứ, đặc biệt trong giai đoạn chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, tránh gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp.

Vì sao 500 xe nông sản Việt Nam bị ”tắc” ở cửa khẩu Tân Thanh?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tình trạng khoảng 500 xe nông sản Việt Nam bị “tắc” ở cửa khẩu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN