Thanh long lại rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, nông dân càng làm càng lỗ nặng
“Giá thanh long hết đợt này đến đợt khác rớt thê thảm, chỉ còn 2-3 nghìn đồng/kg. Người nông dân làm quần quật cả năm nhưng lại mất cả chì lẫn chài, làm mướn không công trên chính mảnh đất của mình”.
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Minh, trú tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) về những khó khăn của người trồng thanh long đang gặp phải.
Theo anh Minh, đợt Tết Nguyên Đán, giá thanh long lên được 12-13 nghìn đồng/kg nhưng thanh long nhà anh chưa chín nên không bán được. Cách đây mấy ngày còn được 5-6 nghìn đồng/kg, giờ thì 2.000 đồng/kg vẫn không có ai mua. Hơn 15 tấn thanh long nhà anh chín đỏ vườn vẫn chưa bán được, chỉ cần neo trên cây thêm 1 tuần nữa là xuống mã, chỉ còn nước cắt cho bò ăn.
Thanh long hiện tại chỉ bán được với giá từ 2-3 nghìn đồng/kg.
“Mình là nông dân, chân lấm tay bùn, lấy công làm lời. Vốn liếng đã ít lại chịu rủi ro quá nhiều khi làm vài tháng được quả thanh long mà họ trả rẻ như cho. Cứ bảo cố mà không biết cố đến khi nào giá mới lên được”, anh Minh thở dài.
Theo anh Minh, để hoà vốn, mỗi kg thanh long bán tại vườn phải được từ 8-10 nghìn đồng/kg. Thế nhưng hiện tại, thương lái họ trả có 2.000 đồng/kg. Cứ 1 tấn lại trừ đi 1 tạ, coi như mỗi tấn thanh long cầm về được 1,8 triệu đồng, chưa đủ tiền mướn nhân công.
Cũng từng bán thanh long với giá 1.200 đồng/kg, anh Phan Văn Long, trú tại Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho biết, cầm mấy trăm nghìn tiền bán thanh long ra khỏi vựa mà anh thấy quá xót xa, chân cảm giác không đứng được vững.
Giá rớt thê thảm khiến người nông dân càng làm càng lỗ.
“Tôi phải thuê nhân công cắt với giá 600 đồng/kg, thuê xe chở qua vựa, họ trả được 1.200 đồng/kg đối với quả đẹp. Còn lại, họ mua với giá 500 đồng/kg. Nhìn tâm huyết và công sức của mình bỏ ra bao nhiêu tháng trời ròng rã, vất vả sớm hôm rồi mang về mấy đồng bạc lẻ, xót xa lắm”, anh Long ngán ngẩm lắc đầu.
Theo anh Long, giá rẻ, công cao, cắt xong vụ này anh để thanh long mọc đua với cỏ chứ không đầu tư phân bón và nhân công nữa vì không còn tiền để duy trì.
Người dân phá bỏ thanh long vì rớt giá.
“Nhiều nhà không bán được, thanh long xuống mã phải chặt bỏ tại gốc làm phân hoặc cho bò, cho dê ăn. Có nhà không cầm cự được còn chặt bỏ thanh long, bán mỗi trụ bê tông được 40 nghìn đồng rồi đi làm công ty hoặc bán đất lấy tiền dưỡng già. Buồn lắm”, anh Long cho hay.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, giá thanh long trên địa bàn xã hiện tại cũng chỉ còn từ 1-2 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ gia đình có thanh long đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn không bán được.
Một số hộ trồng thanh long chém bỏ quả ngay tại gốc vì thương lái trả quá rẻ.
Nguyên nhân khiến giá thanh long tiếp tục rớt thê thảm là do tình rạng ùn ứ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc tái diễn sau Tết Nguyên đán.
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng ngày 15/02, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 03 khu vực cửa khẩu đường bộ là Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.932 xe. Trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 1.590 xe, chiếm 82% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.
Nguyên nhân khiến tình trạng xe chở hàng xuất khẩu ùn ứ gia tăng nhanh sau Tết Nguyên Đán là do xe hàng ở các địa phương, doanh nghiệp đưa lên quá nhiều, vượt quá công suất thông quan của các cửa khẩu.
Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nên lượng hàng xuất khẩu trung bình chỉ đạt khoảng 100 xe/ngày.
Trước tình trạng xe ùn ứ, quá tải ở các cửa khẩu đường bộ, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã ra thông báo từ 0 giờ ngày 16/2 đến ngày 26/2 sẽ tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá thanh long tại vườn chỉ còn từ 2.000-4.000 đồng/kg, tại các điểm bán hỗ trợ chỉ từ 4.000-10.000 đồng/kg nhưng tại một số cửa hàng hay chợ truyền thống, giá vẫn neo ở...