Tem chống giả cũng bị làm giả
Sản phẩm, thương hiệu nào được người tiêu dùng lựa chọn cũng đều bị làm giả, từ cây kim, sợi chỉ đến những sản phẩm cao cấp như đồng hồ, kính mắt … Hàng giả không chỉ len lỏi ở các khu chợ đêm, vùng sâu vùng xa mà còn công khai trên môi trường số, thương mại điện tử. Không chỉ giả nhãn mác, thương hiệu, con buôn còn làm giả cả nguồn gốc xuất xứ, thậm chí tem chống giả cũng bị làm giả.
Doanh nghiệp rất bức xúc trước sản phẩm bị làm giả nhưng cũng ngại lên tiếng. Ảnh: chiếu đèn laser lên tem chống giả để phân biệt hàng thật - giả
Ngày 27/11, Cục Sở hữu trí tuệ - Văn phòng đại diện tại TPHCM tổ chức diễn đàn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Máy tính CASIO được học sinh dùng rất nhiều trong học tập, và đây cũng là sản phẩm bị làm giả nhiều nhất. Hãng phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ thương hiệu, từ quét mã vạch, quét laser, dán tem chống giả…
“Chúng tôi yêu cầu các nhà sách khi bán sản phẩm CASIO cho khách hàng phải chiếu đèn laser để nhận diện hàng thật - giả. Bên cạnh đó, khách hàng mua sản phẩm cũng cần quan tâm đến bao bì, bởi đã từng có trường hợp trên bao bì ghi là CASID, nhưng chúng ta cứ tưởng nhầm là mua hàng của CASIO” - đại diện công ty khuyến cáo.
Một vấn nạn nhức nhối hiện nay là hàng nhái còn giả xuất xứ cả trong lẫn ngoài nước. “Mặc dù sản xuất ở nước ngoài nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam, hoặc ghi lập lờ để người tiêu dùng lầm tưởng là sản xuất trong nước. Thậm chí có nơi còn làm giả xuất xứ qua một nước thứ ba để hưởng ưu đãi…”, ông Trần Văn Dũng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết.
Theo cơ quan chức năng, bắt được hàng giả đã khó, kết luận đó là hàng giả cũng “trần ai”. Cụ thể, lực lượng QLTT thời gian gần đây ghi nhận một số trường hợp rất khó xử như nhiều loại hàng hóa chỉ cần nhìn mắt thường là biết hàng giả nhưng thiếu tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Để kết luận là hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ bắt buộc phải có chủ sở hữu; nhưng nếu không liên lạc được với chủ sở hữu thì cũng khó xử lý được hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra còn có trường hợp hàng hóa về hình thức, mẫu mã tuy có giống với các thương hiệu nổi tiếng nhưng lại không gắn nhãn mác. Các chủ cửa hàng cố tình không gắn tem, mác chờ khi có đơn hàng, theo yêu cầu của khách mới gắn mác các thương hiệu.
Một bất cập hiện nay là có hiện tượng “hàng thật sợ hàng giả”. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng Ban 389 Bình Dương nhìn nhận: “Có rất nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, giả mạo nhãn mác nhưng không lên tiếng. Thậm chí khi lực lượng chức năng phát hiện ra các vụ việc vi phạm cần sự hợp tác để xử lý, doanh nghiệp cũng không nhiệt tình, mặn mà. Đây là một rào cản rất lớn trong hoạt động quản lý, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng” - ông Danh nói.
Ông Trần Văn Dũng, đại diện Tổng cục QLTT cho biết: “Công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng tố cáo, cung cấp thông tin nơi làm giả; người tiêu dùng “nói không” với việc mua và sử dụng hàng giả, làm cho hàng giả, hàng nhái không còn đất sống thì mới có thể dần đẩy lùi vấn nạn này”.
Nguồn: [Link nguồn]
Các chiêu thức bán hàng giả, hàng nhái qua mạng ngày càng tinh vi và phổ biến, người tiêu dùng có thể bị lừa đảo bằng...