Sức mua hàng của Việt Nam giảm sau 46 tháng mua ồ ạt
Đã có dấu hiệu cho thấy Việt Nam không nằm ngoài xu hướng bị ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, chỉ số Quản trị sức mua (PMI) Việt Nam đã đạt 50 điểm trong tháng 10, kết thúc chuỗi tăng trưởng 46 tháng liên tiếp.
Lượng đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đã hạ nhiệt. Sản lượng và tỉ lệ việc làm đều giảm tháng thứ hai liên tiếp trong khi hoạt động mua hàng đã đi ngang từ tháng 9.
Dù vậy, niềm tin kinh doanh đã phục hồi từ mức thấp nhất sau 13 tháng ghi nhận trong tháng 9, với tâm lý tích cực trong năm tới.
Số liệu PMI tháng 10 cho thấy ngành sản xuất Việt Nam có thể không còn miễn nhiễm với xu hướng chung toàn cầu. Sản xuất dự kiến sẽ tăng trong quý 4 năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước các dịp lễ Giáng sinh, năm mới và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chỉ số PMI thấp cho thấy nhu cầu và niềm tin doanh nghiệp có thể thấp hơn kỳ vọng.
Một đánh giá về nền kinh tế vĩ mô Việt Nam của Công ty chứng khoán SSI cũng cho thấy điều này. Theo đó, chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo duy trì đi ngang nhờ sự cải thiện của công nghiệp điện tử, tuy nhiên nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng trưởng chậm lại.
Sản xuất xe có động cơ tháng 10 giảm 3,2%, mức thấp nhất 20 tháng (trong khi nhập khẩu ô tô vẫn tăng). Tính chung 10 tháng, sản xuất xe có động cơ chỉ tăng 7,6% (cùng kỳ tăng 15.8%).
Chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, trong đó có sản xuất ô tô dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sẽ khó khăn, để có tăng trưởng thì cần tích cực bảo hộ để các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân Việt nam có cơ hội tồn tại.
Cũng theo SSI, xuất khẩu tháng 10 giảm -0,8% so với cùng kỳ năm, là tháng đầu tiên trong 8 tháng xuất khẩu giảm âm.
Theo đối tượng, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 5,5%, cũng là tháng đầu tiên trong 8 tháng giảm âm.
Theo mặt hàng, nhiều hàng hóa nông sản như cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản đều giảm, đáng chú ý nhất là thủy sản giảm 13%, mức giảm sâu nhất 48 tháng.
Xuất khẩu điện thoại, mặt hàng chủ đạo của xuất khẩu cũng như kinh tế Việt nam giảm 0,9% sau 8 tháng tăng trưởng dương. Xuất khẩu Dệt may tăng rất thấp 0.9% trong khi cùng kỳ tăng đến 22,67%.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại đang là rủi ro hàng đầu cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Số liệu hàng tháng đang cho thấy tác động ngày một rõ ràng của rủi ro này. Dự báo, năm 2020 tăng trưởng toàn cầu tiếp tục thấp và vì vậy xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức.
Dưới áp lực cạnh tranh, nhiều siêu thị ở Anh đã tung ra nhiều chiêu trò khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Nhưng...