Siêu thị liên tục tung chiêu mới để chiều lòng "thượng đế"

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo lãnh đạo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ đang có sự chuyển dịch cơ cấu từ các bán lẻ truyền thống sang hiện đại.

Số liệu từ Bộ KH&ĐT, năm 2024, ngành bán buôn-bán lẻ nằm trong bốn ngành dẫn đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,41 tỉ USD. Xét về dự án, bán buôn-bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần chiếm 40,9%.

Đáng chú ý, đầu năm 2025 kênh bán lẻ hiện đại càng thêm sôi động với sự gia nhập của các siêu thị, trung tâm thương mại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Định hình phong cách sống và xu hướng mới cho khách hàng

Đại diện Aeon Việt Nam cho biết, xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản trong chiến lược trung và dài hạn, Tập đoàn Aeon tăng tốc mở rộng đa dạng mô hình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của từng khu vực.

Theo đó, Aeon Việt Nam đưa vào hoạt động Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị Aeon Xuân Thủy tích hợp khu giải trí, ẩm thực, khu cửa hàng chuyên doanh, siêu thị mang đến không gian mua sắm tiện ích. Khách hàng có thể khám phá những sản phẩm hợp xu hướng tại các khu vực được thiết kế riêng phù hợp với sở thích của họ.

Trước đó, ông lớn bán lẻ Việt Nam là Saigon Co.op cũng mở rộng mạng lưới phân phối ở phân khúc cao cấp khi khai trương siêu thị Finelife Foodstore Lumière An Phú tại TP Thủ Đức. Đây là chuỗi siêu thị cao cấp thứ năm được bổ sung thêm nhiều dịch vụ độc đáo.

Bên cạnh cung cấp hơn 6.000 mặt hàng cao cấp, hàng hữu cơ như trái cây tươi ngon, thực phẩm nhập khẩu, siêu thị còn thiết kế khu vực thư giãn dành riêng cho khách hàng đến tham quan và mua sắm. Siêu thị còn trang bị máy tính tiền tự động giúp việc thanh toán nhanh chóng, giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng.

Tại thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, trước Tết năm 2025, Tập đoàn Central Retail của Thái Lan đã khai trương trung tâm thương mại GO! Ninh Thuận với vốn đầu tư gần 276,5 tỉ đồng. Đây là trung tâm thương mại thứ 42 trên cả nước của tập đoàn này.

Khách hàng trải nghiệm thanh toán không tiền mặt tại siêu thị

Khách hàng trải nghiệm thanh toán không tiền mặt tại siêu thị

Doanh nghiệp FDI nắm thị phần kênh bán lẻ hiện đại

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết thị trường bán lẻ đang có sự chuyển dịch cơ cấu từ bán lẻ truyền thống sang hiện đại.

Trước năm 2019, tỉ lệ bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 24%; kênh truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa chiếm 76%. Sau dịch, một xu hướng dịch chuyển ngược lại là kênh truyền thống tăng lên 82%, kênh hiện đại 18%.

Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại ở các nước lân cận như Singapore là 95%, Thái Lan 60%, Malaysia hơn 30%... Đến năm 2024, tỉ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam ở mức 25%.

Hiện nay, đa phần là doanh nghiệp bán lẻ là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp có vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, tỉ lệ lên đến 2/3.

“Đây là dấu hiệu tích cực khi họ mang đến làn sóng mới nhưng cũng đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ mặt trận của bán lẻ nội địa, đặc biệt sau này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị chung, những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam” - ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra nhìn nhận thị trường bán lẻ hiện nay cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực lớn. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần tận dụng những lợi thế sân nhà, hiện đại hóa hệ thống sẵn có, tạo sự khác biệt mới có thể cạnh tranh tốt.

Đơn cử như thiết kế nhiều chương trình ưu đãi, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, học tập, chăm sóc sức khỏe ngay tại các trung tâm thương mại, nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến như quầy thanh toán không tiền mặt, máy tính tiền tự động, quầy giữ giỏ thông minh...

Siêu thị thiết kế khu vực thực phẩm hữu cơ phục vụ người tiêu dùng

Siêu thị thiết kế khu vực thực phẩm hữu cơ phục vụ người tiêu dùng

Theo bà Hà Huy Thiên Thư- Trưởng phòng Marketing cấp cao, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục mở rộng mạng lưới cho thấy thực tế doanh nghiệp không ngừng thay đổi và thích nghi với thế hệ khách hàng mới. Người mua sắm hiện đại không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng đến trải nghiệm mua sắm, sự tiện lợi và tính cá nhân hóa.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 của Chính phủ, đối với tái cơ cấu thị trường trong nước phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 9-9,5%/năm.

Xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại.

Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp

Phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ hàng hóa phân phối qua kênh thương mại hiện đại chiếm 38%-42%, qua kênh thương mại điện tử chiếm 10%-11%.

Tỉ trọng bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm 85%, FDI chiếm 15%.

Tập trung hỗ trợ hình thành phát triển một số tập đoàn bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại, làm chủ hệ thống tổng kho, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hóa. Khuyến khích các tập đoàn phân phối lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Nhiều điểm mua sắm đông nghẹt khách trong sáng 27-1 (28 Tết)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN