Sầu riêng xuất khẩu giá cao: Giải pháp để phát triền bền vững

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá sầu riêng neo cao là nguyên nhân khiến cho nông dân ở nhiều nơi ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo và nêu giải pháp để ngày cao nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Sầu riêng dẫn đầu xuất khẩu rau quả

Đầu tháng 6/2024, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%).

Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; trong đó, riêng mặt hàng rau quả thu về 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%).

Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, riêng trong tháng 4/2024, Trung Quốc đã chi 204 triệu USD mua sầu riêng Viêt Nam, con số này cao gấp 6,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, thị trường Trung Quốc đã chi hơn 432 triệu USD để mua sầu riêng Việt Nam, tăng 168% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, Trung Quốc chiếm 92% tỷ trọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá sầu riêng xuất khẩu tháng 4 quay đầu giảm về 3.972 USD một tấn. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, giá cao nên bình quân 4 tháng giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là 4.207 USD một tấn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tháng 4 tăng đột biến là do hàng Việt vào chính vụ. Ngoài ra, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thuận lợi hơn khi chi phí logistics rẻ.

Việt Nam đang có thêm cơ hội khi năm nay Thái Lan có sản lượng và chất lượng bị sụt giảm do hạn hán. Ngoài ra, năm nay Việt Nam được cấp gấp đôi mã vùng trồng so với 2023 nên kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này, mạng lưới tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc được mở rộng hơn nên số người tiếp cận tăng lên, bên cạnh đó, chất lượng sầu riêng Việt ngày càng ngon, rẻ.

Với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Bình. Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam thông tin, nhu cầu sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm.

Định hướng phát triển bền vững cho sầu riêng

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng với hơn 26.000ha và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Tuy nhiên, tỷ lệ vùng trồng được giám sát chỉ đạt 52%, cơ sở đóng gói được giám sát đạt 47,6%; có 187 mã số bị cảnh báo, gồm 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần.

Vì thế, định hướng của ngành nông nghiệp đối với sầu riêng là tổ chức lại cấu trúc, trong đó phải gắn kết được nông dân với doanh nghiệp. Đối với mã số vùng trồng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản yêu cầu phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, xóa bỏ tình trạng tự phát.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn của cả nước. Toàn tỉnh có gần 22.000ha vườn cây sầu riêng chuyên canh, tập trung nhiều ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, thị xã Cai Lậy; trong đó có gần 15.000ha cây đang cho thu hoạch.

Trong vài năm qua, sầu riêng liên tục tăng giá. Hiện nay, sầu riêng Monthong trái vụ có giá đến trên 100.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 giá trên 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, một hecta cây sầu riêng giúp nhà vườn có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch - Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo các điểm đóng hàng sầu riêng xuất khẩu cần cải tiến quy trình xử lý sau thu hoạch. Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang cần bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng khi lưu thông trên thị trường, trong đó có xuất khẩu.

“Muốn các tác nhân trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng được liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý và kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành Nhân ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN