Sản phẩm giả “Made in Vietnam”: Người tiêu dùng Việt bị "móc túi" lâu nay?
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện hàng loạt vụ việc “đội lốt” hàng Việt Nam, mập mờ nguồn gốc xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra 19 gian hàng tại chợ Bến Thành và Trung tâm Saigon Square, tạm giữ gần 2.000 đồng hồ, túi xách, ví, khăn choàng, thắt lưng là hàng nhập lậu.
Cơ quan chức năng phát hiện nhiều quần áo xuất xứ nước ngoài bị cắt mác gốc và gắn nhãn thương hiệu thời trang Việt Nam
Tại Hà Nội, Đội 17 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã phát hiện và tạm giữ gần 4 tấn quần áo xuất xứ nước ngoài bị cắt mác gốc và gắn nhãn thương hiệu thời trang Việt Nam. Ước tính, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm bị cắt mác gốc và dán thương hiệu thời trang trong nước.
Đến thời điểm này, lực lượng chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức, tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm thời trang nhập khẩu giả mạo xuất xứ.
Câu chuyện “đội lốt” made in Việt Nam dường như không phải là hiếm trên thị trường. Còn nhớ, hơn 2 năm trước người tiêu dùng từng rúng động trước thông tin lụa Khaisilk lừa dối người tiêu dùng bấy lâu nay khi nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác “made in Vietnam”.
Mấy ngày gần đây, dư luận thêm một lần nữa tỏ ra hoang mang trước thông tin thương hiệu Seven.am bị nghi nhập hàng Trung Quốc sau đó cắt mác để gắn mác của hãng này.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng GĐ xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hóa đơn. "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh nói với báo chí.
Lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra Đăng ký nhãn hiệu Seven.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy. Toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin "sẽ xuất trình sau".
Trong 5 cửa hàng được kiểm tra sáng 11/11, lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện có chữ Trung Quốc gắn trên sản phẩm. Nhưng lực lượng chức năng đã tạm thu giữ 9.000 sản phẩm vì toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm, cửa hàng chưa xuất trình được.
Những rắc rối mà Khaisilk hay Seven.am và nhiều thương hiệu thời trang khác đang gặp phải cho thấy một điều: Người tiêu dùng đang bị “móc túi” từng ngày, và đương nhiên không một khách hàng nào chấp nhận bỏ tiền triệu ra để mua hàng chỉ vì niềm tin vào thương hiệu ấy, để rồi bị “bội tín”.
Việc gian lận ghi nhãn sản xuất, làm mất lòng tin với khách hàng, đồng thời giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam
Việc gian lận ghi nhãn sản xuất không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Khách hàng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua được hàng thật đúng với niềm tin họ trao cho thương hiệu, chứ không bao giờ bỏ tiền ra cho những kẻ làm giàu bằng cách lừa dối họ.
Từng hành vi lừa dối người tiêu dùng bị phát hiện, là thêm một lần đẩy người Việt ra xa hàng Việt hơn. Câu khẩu ngữ “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” sẽ trở thành câu nói sáo rỗng bởi chẳng ai có thể tin yêu một thương hiệu chỉ chờ lúc khách hàng chủ quan là lập tức lừa dối.
Thủ đoạn “bóc - dán” tem nhãn dễ dàng, tiêu thụ trót lọt, lợi nhuận cao của một số đơn vị kinh doanh gian dối khiến không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính chán nản.
Ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng cho biết một số công ty may có thương hiệu, hằng ngày có hàng chục container ra vào liên tục, doanh thu mỗi năm rất “khủng” nhưng không hề có nhà xưởng. Họ nhập nhiều container hàng từ Trung Quốc về, đặt “mối” gia cố thành sản phẩm công ty. Người trong ngành biết, báo cơ quan chức năng nhưng cơ quan này “kiểm cho có” rồi thôi. Thấy vậy, nhiều chủ doanh nghiệp nản, không muốn sản xuất, chỉ muốn nhập sản phẩm của Trung Quốc về dán nhãn rồi tung ra thị trường kiếm lời. Hiện chỉ còn khoảng 20% doanh nghiệp trong nước mặn mà với thị trường nội địa nhưng đa số phải bù lỗ mới duy trì được, còn lại vẫn tập trung cho xuất khẩu - ông Sinh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên NTD trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in Vietam”. Ngoài ra, khi xử lý các vụ giả mạo xuất xứ, các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, mức phạt nhẹ. Ông Hiếu cho rằng cơ quan chức năng cần mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm gian lận xuất xứ “made in Vietnam”.
Ông chủ thương hiệu thời trang Seven.AM không chỉ được biết đến là một diễn viên có duyên với những vai diễn khét tiếng...
Nguồn: https://danviet.vn/kinh-te-the-gioi/san-pham-gia-made-in-vietnam-nguoi-tieu...