Rau củ ế ẩm, người dân vừa đem cho, vừa phá bỏ hàng chục tấn
Đến ngày thu hoạch, thương lái không ai đến hỏi mua, gọi điện cũng không ai tới, có người phải đăng lên mạng đem cho để mọi người đến lấy, còn lại phải đem phá bỏ đi để trồng loại rau khác.
Sau gần 20 năm trồng rau, anh Ngô Hùng, trú tại Ea Kmut (huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết chưa năm nào các loại rau lại khó bán như năm nay. Những năm trước, giá rau có rẻ anh vẫn bán được. Còn như năm nay, giá rẻ vẫn không bán được nhiều, có loại không ai mua phải đem cho.
Năm nay, anh trồng các loại rau như cải ngọt, bắp cải, súp lơ, cải dưa… với diện tích khoảng 3-4ha. Dự tính, anh thu khoảng gần trăm tấn rau các loại. Giá cả các loại đều rẻ như nhau và đầu ra không có nên anh không biết làm cách nào để tiêu thụ hết số rau này.
Anh Hùng đăng lên mạng xã hội để cho mọi người 2.000 cây súp lơ. Ảnh chụp màn hình.
“Thị trường bây giờ biến động nhiều nên nhiều gia đình trong xã tôi trồng rau đều lâm vào tình trạng như tôi. Mới đây, tôi đăng lên mạng xã hội đem cho khoảng 2000 cây súp lơ và mọi người cũng đến lấy hết rồi. Hiện tại. tôi còn khoảng chục tấn rau các loại vẫn chưa bán được, có khả năng sẽ phải phá bỏ”, anh cho biết.
So với năm ngoái, giá rau năm nay thấp hơn rất nhiều. Trước, giá bắp cải 2.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/kg, cải khoảng 2.000 đồng/kg… Nhưng năm nay hầu như đều có giá 500 – 700 đồng/kg, loại đắt cũng chỉ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Dù giá rẻ hơn rất nhiều vẫn không có người mua. “Mọi năm giá cao, thương lái tìm đến mua nhưng khi giá rẻ, gọi mãi cũng không ai tới”, anh nói.
Hàng nghìn cây súp lơ tại vườn đến thời điểm thu hoạch mà không có thương lái nào đến mua.
Anh Hùng cho biết rau năm nay giá rẻ hơn rất nhiều so với mọi năm nhưng cũng chẳng ai đến mua.
Bắp cải anh Hùng vẫn còn rất nhiều tại vườn.
Dù được một siêu thị hỗ trợ thu mua, nhưng số lượng rau trong vườn nhà anh vẫn còn đến cả chục tấn.
Anh Hùng cũng đã sử dụng một phần rau cho cá ăn nhưng không thể hết được. Anh đành đem cho để mọi người đến lấy và cũng để giúp anh dọn vườn nhà, anh không mất công phá bỏ.
“Mọi năm, tôi trồng rau với diện tích này, khi trừ chi phí đi thì dư được khoảng 200 triệu/năm, còn năm nay giá cả như thế này có khi phải âm mất 200-300 triệu đồng”, anh chia sẻ. Bởi theo anh, các loại như tiền công, tiền điện, tiền giống, tiền phân bón, tiền thuốc sâu bệnh… khá cao.
Biết đến tình trạng này, chủ một siêu thị mua cũng đến hỗ trợ, tiêu thụ giúp anh nhưng số lượng cũng có hạn nên rau trong vườn của anh vẫn tồn đọng nhiều.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Thanh Tuyển (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) cũng phá bỏ vài sào rau cải dưa vì giá quá rẻ. “Giá rau đã rẻ từ mấy tháng trước rồi nhưng đợt này giá rẻ hơn nhiều, chỉ còn vài trăm đồng một kg nên không muốn cắt vì công cắt quá tiền bán”, anh nói.
Khác hẳn với năm ngoái, thời điểm ra Tết năm ngoái rau bán chạy và giá cao, dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/cây súp lơ nhưng năm nay giá rẻ chỉ vài trăm đồng. Anh phải phá bỏ hết để làm phân trồng lứa tiếp theo.
Trao đổi với PV về vấn đề này, chủ tịch xã Ea Kmút cho biết trong xã có trường hợp người dân đăng lên mạng xã hội và cho rau súp lơ vì giá rau rẻ quá. Nhưng hộ gia đình đó đã được một siêu thị đến thu mua với giá cao hơn thị trường.
“Rau được mùa rớt giá là chuyện bình thường. Trước đây cũng vậy, người dân thấy giá rẻ quá thì họ đem cho, có nhà lại chọn cách phá bỏ làm phân bón cho vụ rau sau. Đến thời điểm hiện tại, giá rau đã lên, các xe cũng kéo nhau đến vận chuyển rau ở xã đi bán rồi”, ông cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Khác với những năm trước, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thời điểm sau tết năm nay giá rau quả thực phẩm đều rẻ nhưng...