Quả tỷ USD của Việt Nam vào vụ thu triệu tấn, thêm đối thủ mới ở Trung Quốc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sầu riêng là quả tỷ USD của Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng cả triệu tấn. Thế nhưng, mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh mới là Malaysia.

Sầu riêng của nước ta mùa nào cũng có, nhưng các tháng giữa năm là chính vụ thu hoạch. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng mạnh so với năm ngoái.

Hiện, tại khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, sầu Monthong loại đẹp có giá 94.000–95.000 đồng/kg, Ri6 loại đẹp giá 63.000–65.000 đồng/kg. Còn ở khu vực Tây Nguyên, giá sầu riêng dao động từ 61.000-92.000 đồng/kg, tùy loại.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang), cho biết vụ sầu riêng ở miền Tây năm nay giá khá tốt, từ 60.000-100.000 đồng/kg.

Theo ông, năm nay, năng suất sầu riêng giảm so với năm ngoái, trung bình chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha. Tuy nhiên, nông dân vẫn lãi khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha tuỳ năng suất và giá bán sau khi trừ đi chi phí sản xuất.

“Thời điểm này, gần như đã kết thúc mùa sầu riêng ở miền Tây, còn miền Đông thì bắt đầu rộ vụ”, ông Lộc chia sẻ.

Sầu riêng nước ta đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Ảnh: Báo Đắk Nông

Sầu riêng nước ta đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Ảnh: Báo Đắk Nông

Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc “ăn hàng” nên nông dân bán được sầu riêng với giá cao. Anh Hoàng Văn Trọn ở xã Ia Kriêng (Đức Cơ, Gia Lai) tiết lộ rằng 20ha cây sầu riêng 5-6 năm tuổi của gia đình, dự kiến vụ này sẽ thu hoạch khoảng 200 tấn quả, ước tính thu về 15 tỷ đồng. 

“Chỉ ít năm nữa, khi cả vườn sầu riêng 100ha cho trái, mỗi năm sẽ thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả”, anh dự tính.

Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân Trung Quốc ưa chuộng. Tháng 4 vừa qua, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả thu về khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó sầu riêng chiếm 30-35% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Tức trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Đáng chú ý, các vùng trồng sầu riêng lớn ở nước ta mới bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ của năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, chia sẻ lượng đơn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của công ty rất ổn định. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 150 container sầu riêng, tương đương với 2.400 tấn hàng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, sầu riêng Việt Nam chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi mà quốc gia này nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Thái Lan giảm còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tương đương giảm 26,7 điểm phần trăm.

Song, ngoài Thái Lan và Philippines, sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường hơn tỷ dân này. Bởi, từ ngày 19/6, sầu riêng tươi của Malaysia được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau khi hai nước ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng.

Trước đó, Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng quả tươi, nước ta đang chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Khương

Ngoài sầu riêng quả tươi, nước ta đang chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Khương

Về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường sầu riêng ở quốc gia này tăng mạnh theo mỗi năm và có thể “bao thầu” tất cả sản lượng sầu riêng tại các quốc gia ở Đông Nam Á.

Thế nhưng, trong 4 quốc gia được xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch vào Trung Quốc, Việt Nam vẫn là nước có nhiều lợi thế. Ông Nguyên chỉ rõ, mùa thu hoạch sầu của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm, còn Việt Nam được thu rải vụ nên mùa nào cũng có hàng xuất khẩu.

Riêng về Malaysia, theo ông Nguyên, sầu riêng của quốc gia này khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhắm vào phân khúc cao cấp, trong khi sầu Việt thường ở phân khúc bình dân. Do đó, chúng ta không quá áp lực về cạnh tranh với hàng Malaysia.

Ngoài sầu tươi, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin thêm, Trung Quốc còn chi hơn 1 tỷ USD để nhập sầu riêng đông lạnh. Đây cũng là phân khúc tiềm năng đối với sầu riêng Việt Nam.

Hiện, các vấn đề đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đã hoàn tất. Tới đây, nếu nghị định thư được ký kết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD. Theo đó, ông tính toán tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam ước đạt 3,5 tỷ USD.

Loài hải sản này giống con hến, vừa ngon vừa lạ, chỉ có ở Tân Châu, An Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm An ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN