Phương án tính điện 1 giá khiến người dân “chia phe”: Ai hưởng lợi?
Đến thời điểm này, phương án tính điện một giá bên cạnh giá điện bậc thang mới chỉ nằm trong nghiên cứu của Bộ Công Thương chứ chưa thành một đề xuất chính thức. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra xung quanh ý tưởng tính giá điện khiến người dân “chia phe”.
Trong bối cảnh đang có những tranh cãi về giá điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang đẩy nhanh việc hoàn thiện sửa biểu giá điện bậc thang. Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình, Bộ cũng tính thêm phương án một giá để người dân lựa chọn.
Cụ thể, nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc biểu lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, nếu chọn một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh.
Bộ Công thương đang nghiên cứu đưa ra 2 phương án tính giá điện để người dân lựa chọn (Ảnh minh họa).
Chị Cao Thị Lan, chủ quán cơm bình dân tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng phương án tính điện một giá là phù hợp hơn cách tính giá điện bậc thang như hiện tại.
“Đơn cử như tháng vừa rồi, nhà tôi sử dụng hết 1.361 kWh, theo cách tính tính hiện tại, số tiền gia đình phải đóng là 4.025,277 đồng, tức là trung bình 2.957,58 đồng/kWh. Vì vậy, nếu tính giá điện theo phương án đồng giá, với giá điện trung bình 1.864,44 đồng/kWh thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được cả triệu đồng tiền điện”, chị Lan phân tích.
Tương tự, chị Lương Thị Dung (trú tại Tam Nông, Phú Thọ) cũng cho rằng, nếu tính theo cách tính điện một giá, gia đình mình cũng bớt được khá nhiều bởi tháng nào nhà chị cũng dùng trên 300kWh.
Theo đó, hóa đơn tiền điện tháng 6 nhà chị Dung sử dụng hết 370kWh, số tiền phải đóng là 837.573 đồng, bình quân 2.263,71 đồng/kWh, vẫn cao hơn giá điện bình quân chưa bao gồm thuế VAT là 399,27 đồng/kWh.
“Nhà tôi ở nông thôn, trung bình mỗi tháng sử dụng khoảng 300kWh, nếu tính giá điện một giá sẽ đơn giản, dễ tính hơn. Như tháng 6, nếu áp dụng điện một giá, nhà tôi có thể giảm được 150.000 đồng”, chị Dung cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người thì cho rằng, tính giá điện bậc thang là hợp lý bởi khuyến khích người dân trong việc tiết kiệm điện năng, có lợi cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Theo ý kiến của bà Trần Thị Thức (Tam Nông, Phú Thọ) thì phương án tính giá điện bậc thang như hiện tại là hợp lý và có lợi hơn cách tính điện một giá bởi gia đình bà chỉ dùng dưới 100kWh/tháng.
“Nhà tôi có 2 ông bà, sử dụng có 3 bóng đèn chiếu sáng, 2 chiếc quạt, 1 nồi cơm điện và 1 chiếc tủ lạnh 90 lít. Do vậy, những tháng mùa hè dùng nhiều nhất cũng chỉ hết 120kWh, còn trung bình chỉ chừng 50-60 kWh. Với cách tính hiện tại, trung bình mỗi kWh nhà tôi chỉ phải trả chưa đầy 1.700 đồng”, bà Thức nói.
Giai đoạn nắng nóng tháng 4, 5 và 6 vừa rồi là thời điểm người dân có rất nhiều khiếu nại về tình trạng chịu mức giá điện cao, hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp hai đến ba lần so với tháng trước đó. Nguyên nhân khiến giá điện tăng cao được nhiều người cho rằng do cách tính giá bậc thang hiện tại.
Chỉ trong tháng 6 đã có hơn 6.200 đơn khiếu nại của khách hàng tới EVN về tình trạng sai hóa đơn, chỉ số công tơ điện, chiếm tỉ lệ 0,22%. Trong đó, những thắc mắc về chỉ số công tơ điện do công nhân ghi chép chiếm tỉ lệ cao nhất trên tổng số các khiếu nại do nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả sai sót do đọc sai chỉ số.
Theo kết quả kiểm tra của EVN, điện cấp cho quản lí tiêu dùng tháng 6/2020 là 7,335 tỉ kWh, tăng trưởng 12,84% so với cùng kì. Lượng điện năng sinh hoạt khu vực miền Bắc đã tăng mạnh gần 15,5% so với cùng kì và tăng 37,13% so với tháng 5/2020; miền Trung tăng 5,85% và miền Nam tăng 11,87% so với cùng kì năm ngoái.
Trước tình hình giá điện tăng vọt và lượng điện tiêu thụ tăng đột biến trong tình hình nắng nóng, đã có không ít ý kiến phản hồi rằng nên áp dụng cách tính một giá điện để thuận tiện cho việc tính toán và giảm thiểu tính phức tạp.
Không phải tất cả người tiêu dùng sử dụng phương án một giá, mà chỉ số ít người sử dụng nhiều điện sẽ lựa chọn phương án này (Ảnh minh họa).
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đề xuất này sẽ đáp ứng được đòi hỏi của một số người có quan điểm: một giá đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả các khách hàng cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.
Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả và cũng sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật điện lực.
Không thể phủ nhận, việc tính điện một giá sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hơn theo đúng tiêu chí dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và sẽ không còn những thắc mắc liên quan đến hóa đơn tiền điện tăng vọt như thời gian qua. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đó, phương án này cũng sẽ kéo theo nhiều bất cập khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đứng ở góc độ người tiêu dùng, việc áp mức điện bậc thang vừa tiết kiệm cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp, ngoài ra, đó là một cách khuyến khích người dân trong việc tiết kiệm điện và kiểm soát số lượng điện sử dụng. Còn những hộ gia đình sử dụng từ khoảng 400kWh/tháng trở lên, điện 1 giá sẽ có lợi hơn.
Hơn 4 triệu khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn ít nhất 30% so với tháng 4 và thậm chí còn ghi...
Nguồn: [Link nguồn]