Nuôi tép trong bể xi măng, người đàn ông bỏ túi hàng chục triệu mỗi tháng
Hiện tại, người đàn ông Bến Tre này đang nuôi hàng chục nghìn con tép cảnh trong cả trăm chiếc bể xi măng, đem về thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.
Để có được như ngày hôm nay, anh Nguyễn Thanh Huyền (trú tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho biết đã trải qua rất nhiều khó khăn. Trước đây, anh từng học đại học chuyên ngành kinh tế. Tốt nghiệp đại học, anh cũng theo đuổi nghề một thời gian nhưng cảm thấy không phù hợp nên đã quyết định trở về quê mở quán café.
Anh cũng tận dụng mảnh đất vườn và ao của gia đình để khởi nghiệp với nuôi cá bảy màu. “Cả đất và ao rộng chừng 7.000m2, trước đây, gia đình tôi để trồng cây và chăn nuôi nhưng đem lại kinh tế không cao nên tôi muốn tìm cách khác để đem lại thu nhập cao hơn”, anh chia sẻ.
Lúc đó, anh sử dụng ao nuôi để khởi nghiệp với cá bảy màu. Những con cá bảy màu anh xuất bán cho các cơ sở cá cảnh. Làm một thời gian, anh nhận thấy thị trường tép cảnh nhập khẩu được bán giá khá cao và nhu cầu cũng lớn.
Anh Thanh Huyền nuôi khoảng 10 giống tép chính với 3 màu chủ đạo: vàng, đỏ và xanh.
Anh tìm hiểu và quyết định xây dựng các bể xi măng nuôi thí điểm tại nhà. Ban đầu, ít vốn và cũng chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao, anh chỉ bỏ ra vài triệu đồng để mua tép giống về nuôi. Anh chỉ mua loại tép cảnh thủy sinh xuất xứ ở trong nước, Đài Loan, Thái Lan. Tép anh nuôi khoảng 10 giống chính với 3 màu chủ đạo là xanh, đỏ và vàng.
Do không có kinh nghiệm nuôi tép, anh vấp phải nhiều khó khăn. Những lứa tép đầu tiên nuôi, tép cảnh chết khá nhiều do khâu xử lý nước ban đầu không đảm bảo. Sau này anh mới biết, người nuôi cần phải biết môi trường nước nuôi tép rất quan trọng, anh phải đo độ PH thường xuyên để kiểm tra, đồng thời cũng phải chú ý đến nhiệt độ của nước.
Mỗi con tép này sẽ được bán giá dao động từ 3.000 - 15.000 đồng (giá sỉ).
“Nếu có thời gian, người nuôi thay nước cho các bể xi măng nuôi tép cũng được. Còn không, cần phải giữ gìn nước sạch để đảm bảo tép có thể sinh trưởng và phát triển tốt”, anh cho biết thêm.
Thức ăn cho tép cảnh cũng khá dễ kiếm. Anh thường cho chúng ăn các loại củ đã luộc chín mềm. Ví dụ như dưa chuột, cà rốt luộc chín và cắt lát. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng lá dâu tằm khô hoặc tươi và lá bàng khô để làm thức ăn thêm cho tép. Anh cho biết tép còn có thể ăn cám nhuyễn hoặc thức ăn công nghiệp của tôm loại nhỏ nhất.
Về bể nuôi, anh Huyền chia sẻ bể nuôi tép làm bằng xi măng rộng chừng 2-3 m2, phía trên anh dùng lưới che để bớt nắng nóng. Khi mới làm, anh chỉ có vài bể. Sau gần 4 năm nuôi tép cảnh, anh đã mở rộng hai khu nuôi tép cảnh với hơn gần 100 bể nuôi, mỗi bể nuôi vài nghìn con.
Anh cho biết hiện tại anh có khoảng 100 bể nuôi, mỗi bể nuôi vài nghìn con.
Nhờ đó, anh có thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.
Trại nuôi nhà anh chủ yếu bán sỉ cho các cơ sở cá cảnh. Mỗi con tép anh bán giá sỉ dao động từ 3.000 – 15.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, anh bán được đơn hàng từ 1-3 triệu đồng, có những hôm khách mua nhiều, thu về cả chục triệu đồng. Bình quân mỗi năm, trại tép và cá bảy màu của anh cho lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng, anh thu về đến 30 triệu đồng.
Nói về lợi thế của mô hình này, anh cho biết người nuôi như anh chỉ cần đầu tư chi phí nuôi con giống khi mới bước chân vào nghề. Sau này có kinh nghiệm, anh biết cách cho chúng sinh sản nên không cần phải mua con giống nữa.
Hơn nữa, thời gian nuôi tép đển ngày xuất bán chỉ khoảng 3 tháng. Nếu biết cách nuôi, số vốn quay vòng cũng rất nhanh mà lợi nhuận cao. Vì thức ăn của chúng dễ kiếm, chi phí không quá cao.
Tép cũng là loại dễ nuôi và dễ vận chuyển. Anh chỉ cần đưa tép cảnh vào trong túi nilon, bơm đầy oxy, cho vào thùng mút xốp rồi gửi cho khách. Theo anh, chỉ cần đóng như vậy, tép có thể sống đến một tuần nên thoải mái vận chuyển trên toàn quốc mà không sợ ảnh hưởng gì.
Nguồn: [Link nguồn]
Loài này vừa nhỏ vừa ít thịt, khả năng sinh sản kém nhưng vẫn có mức giá cao đến khó tin.