Nuôi lợn năm 2020: Người thu lời cả chục tỷ, kẻ trắng tay

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Kết thúc một năm đối diện với bệnh dịch triền miên, nhiều hộ chăn nuôi lợn bán xong lứa lợn dù được thu lời nhưng thở phào như vừa chơi “canh bạc lớn”; một số hộ kém may mắn gặp dịch thì trở thành trắng tay, than trời tại “số chưa giàu”.

Lời tới 4 triệu mỗi con lợn

Vừa bán xong lứa lợn hơn 50 con với giá 85.000 đồng/kg lợn hơi, ông Nguyễn Văn Toản - chủ một trang trại chăn nuôi lợn khá lớn ở Khoái Châu (Hưng Yên) khoe: “Giá dịp này tăng mạnh. Lứa lợn vừa rồi bán đúng thời điểm, trọng lượng trung bình mỗi con đạt 1,4 tạ nên tôi lãi 4 triệu đồng/con”.

Cận tết, giá lợn hơi tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi "trúng đậm"

Cận tết, giá lợn hơi tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi "trúng đậm"

Sở dĩ đàn lợn tại trại của ông Toản lãi được nhiều như vậy là vì ông sản xuất được từ con giống tới thức ăn chăn nuôi. Còn với những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ phải đi mua con giống thì dịp này có lợn xuất chuồng cũng chỉ lãi hơn 2 triệu đồng/con.

Ông cho biết, mấy tháng cuối năm 2020, giá lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi ai cũng nghĩ dịp cận Tết Nguyên đán này giá sẽ tăng không quá 75.000 đồng/kg. Song, không ai ngờ, giữa tháng 12/2020 giá thịt lợn bất ngờ bật tăng và duy trì đà tăng cho đến nay.

Được biết, trang trại nhà ông quy mô khoảng 2.000 con, khoản lãi thu về lên tới hơn 10 tỷ đồng. Thế nhưng, để có được khoản lãi khủng chưa từng có này, ngày nào ông cũng sống trong cảnh mất ăn mất ngủ, thấp thỏm lo âu như ngồi trên chiếu bạc. Bởi, nếu dịch bệnh xâm nhập vào trại lợn là mất tất cả.

Để đàn lợn sinh trưởng bình thường, kịp bán đúng dịp cận Tết, ông đã phải tăng cường hệ thống sưởi bằng gas cho toàn bộ trại. Đèn điện được thắp cả ngày lẫn đêm, công nhân giám sát nhiệt độ liên tục để kịp thời điều chỉnh, giữ ấm cho lợn.

Để đảm bảo sức khỏe, mùa đông đàn lợn được sưởi ấp, thắp đèn điện cả ngày lẫn đêm

Để đảm bảo sức khỏe, mùa đông đàn lợn được sưởi ấp, thắp đèn điện cả ngày lẫn đêm

“Mùa đông thời tiết ẩm ướt, đợt này lại rét đậm nên mình phải phòng chống rét cũng như dịch bệnh rất kỹ. Có như vậy lợn mới lớn được và phòng ngừa được dịch bệnh”, ông nói.

Khác với ông Toản, do dự đoán giá lợn hơi tăng cao trong dịp Tết, nhiều thương lái, người chăn nuôi ở Đồng Nai đã mua lợn xuất chuồng của các công ty chăn nuôi có trọng lượng từ 80-100 kg về nuôi tiếp, đến khi heo tăng trọng lượng khoảng 140 kg thì bán ra thị trường. Hình thức này gọi là nuôi “heo gột” hay nhiều thương lái gọi vui là nuôi heo “lướt sóng”, thời gian nuôi ngắn nhưng lợi nhuận rất cao.

Anh Nguyễn Văn Đ. – một thương lái tại Đồng Nai cho biết, gần 2 tháng trước anh mua lứa heo xuất chuồng với giá chỉ hơn 63.000 đồng/kg, sau đó số heo lớn có trọng lượng từ 110-120 kg trở lên sẽ được bán trước, số heo còn lại từ 80-100 kg anh giữ lại nuôi tiếp, tăng thêm 30-50 kg mới bán.

“Thời điểm cận Tết, khi giá heo hơi tăng giá lên mức 80.000 - 86.000 đồng/kg tôi đã xuất bán, sau khi trừ chi phí mỗi con heo được lời trung bình từ 1,6 đến hơn 2 triệu đồng/con” – anh Đ. chia sẻ.

Cũng nhờ nuôi heo “lướt sóng” gia đình anh Đ. đã thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Phần lớn những người nuôi “heo lướt sóng” như anh Đ. là thương lái lớn, mỗi trại vài ngàn con, vì họ vừa có tiềm lực tài chính, vừa chủ động được đầu ra.

Nhiều hộ thành “tay trắng” vì dịch bệnh

Bên cạnh những hộ trở thành tỷ phú, tại một số địa phương nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do phương pháp phòng bệnh dịch chưa đạt chuẩn đã để xảy ra tình trạng lợn nhiễm dịch bệnh hàng loạt, phải chịu thiệt hại đáng kể.

Chị Nguyễn Thị H., một hộ chăn nuôi quy mô lớn tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một trong những "thủ phủ" chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc cho hay, thông thường cuối năm giá lợn hơi có chiều hướng tăng lên nhưng tại Hà Nam, năm 2020 dịch bệnh hoành hành khiến nhiều hộ chăn nuôi lo đứng lo ngồi.

“Thời điểm tháng 10 gia đình tôi đã xuất được hai lứa lợn với tổng 700 con, sau đó do dịch bệnh quá nhiều, tôi không dám nuôi tiếp dù nhìn thấy lợi nhuận” – chị H. nói. 

Tại nhiều địa phương có dịch tả heo châu Phi khiến nhiều hộ lâm cảnh trắng tay

Tại nhiều địa phương có dịch tả heo châu Phi khiến nhiều hộ lâm cảnh trắng tay

Theo lời kể của gia đình anh Phạm Bá T. - một chủ trang trại nuôi lợn lớn ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 2020 giá lợn hơi tăng cao nhưng tại địa phương vẫn xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi.

Một số hộ chăn nuôi dù rất giữ gìn nhưng bỗng trở thành trắng tay vì cả đàn lợn nái và lợn con đều chết. Cũng do dịch, nhiều hộ chăn nuôi chấp nhận để chuồng không, không dám tái đàn.

“Nuôi lợn cũng như đầu tư chứng khoán, khi nào bán xong mới biết lãi lỗ. Thời điểm giữa năm thì giá lợn xuống thấp; dịp cuối năm giá lợn tăng cao thì dịch bệnh hoành hành. Do chăn nuôi ở địa phương nên chúng tôi sợ dịch tả lợn hơn sợ rủi ro về giá lợn hơi rất nhiều. Nếu dịch bệnh xuất hiện thì nguy cơ lợn chết hàng loạt, chúng tôi lại trắng tay", anh T. bày tỏ lo lắng.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay DTHCP đã xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố, virus DTHCP có khả năng còn chuyển dịch, tồn tại trong môi trường và đàn heo khá cao.

Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, trong năm 2020, cả nước đã xảy ra 1.589 ổ dịch. Trong đó bao gồm 603 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 959 ổ dịch tái phát tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, TP. Tổng số lợn tiêu hủy trong năm 2020 là 85.525 con, với tổng trọng lượng khoảng 4.276 tấn.

Về cơ bản, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát trong năm 2021 vẫn còn rất cao do virus DTHCP có khả năng còn chuyển dịch, tồn tại trong môi trường và đàn heo.

“Nhìn chung, dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát. Thời gian qua, dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học…” - ông Phạm Văn Đông cho hay.

Trước những khó khăn mà người chăn nuôi gặp phải, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2020. 

Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa… có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi. Đối với heo con, heo thịt các loại, hỗ trợ 10.000-30.000 đồng/kg heo hơi; đối với heo nái, heo đực đang khai thác hỗ trợ 12.000-35.000 đồng/kg heo hơi.

Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ hộ nuôi giữ heo giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con heo đến ngày 31-12-2020 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn heo giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Ế ẩm, hàng nghìn con rắn hổ mang bị bỏ đói, người nuôi thua lỗ hàng tỷ đồng

“Hàng nghìn con rắn ở trong hầm, ăn thì không ăn được mà bán không ai mua. Nhiều nhà không có tiền mua thức ăn duy trì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN