Nuôi loại côn trùng gớm ghiếc, vợ chồng kỹ sư thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau hàng chục năm dành thời gian tìm hiểu và khắc phục những khó khăn, đến nay, trang trại của ông Khang mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi loại côn trùng này.

Kỹ sư cơ khí cơ duyên với nghề nông

Ông Nguyễn Mạnh Khang - 1 kỹ sư chế tạo máy, sau thời gian bôn ba qua nhiều nước châu Âu, ông đã quyết định trở về quê hương và phát triển nghề nuôi giun trùn quế. Sau hàng chục năm, nay trang trại của ông đã mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Nhiều người tìm đến trang trại của ông Khang học hỏi kinh nghiệm

Nhiều người tìm đến trang trại của ông Khang học hỏi kinh nghiệm

Chỉa sẻ với báo chí, ông Khang cho biết, trong thời gian công tác ở nước ngoài, ông có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều lĩnh vực. Cũng nhờ đó ông có cơ duyên đến với nghề nông và mô hình sản xuất khép kín của trang trại nuôi giun trùn quế.

Năm 1997, ông Khang về nước đã mang theo ấu trùng giun về Việt Nam, chính thức khởi nghiệp làm giàu từ phế thải nuôi giun trùn quế tại quê nhà của mình (thị trấn Hưng Hóa, Phú Thọ).

 “Tất cả các nguyên liệu như lá cây, bèo tây, rơm rạ, chất thải động vật là tối quan trọng, với nhiều người thì đây là đồ bỏ đi nhưng với tôi thì đây lại là tiền của” - ông Khang cho hay và chia sẻ về quy mô, hoạt động và hiệu quả kinh tế của mô hình tại trạng trại mang lại. Cùng với nuôi giun quế, trang trại kết hợp nuôi gà, ngan, lợn và trồng rau, củ, quả sạch từ phân giun mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giun trùn quế là thức ăn cao cấp cho gia súc, gia cầm, thủy sản

Giun trùn quế là thức ăn cao cấp cho gia súc, gia cầm, thủy sản

Theo ông Khang, giun sống nơi ẩm ướt có nhiều phân rác, củi mục. Nó là loại thức ăn đạm cao cấp dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Đi sâu tìm hiểu ông được biết ở Nhật và Canada, loại giun này được sử dụng để chế biến mỹ phẩm. Trung Quốc, Hàn Quốc có những món ăn, bài thuốc hữu hiệu chữa bệnh từ giun. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng giun để xử lý chất thải nông nghiệp và công nghiệp giảm ô nhiễm môi trường. Còn phân giun là một loại phân hữu cơ có nhiều tác dụng như kích thích tăng trưởng cây trồng, gia tăng khả năng giữ nước, loại trừ những độc tố, nấm có hại và vi khuẩn trong đất nên có thể đẩy lùi bệnh cho cây trồng...  

Bà con nông dân học hỏi mô hình nuôi giun trùn quế

Bà con nông dân học hỏi mô hình nuôi giun trùn quế

Mô hình này sẽ rất thích hợp nếu áp dụng ở Việt Nam, nuôi giun quế cùng lúc giải quyết được 3 vấn đề là: xử lý chất thải, cung cấp thức ăn giàu chất đạm và phân vi sinh để bón cây.

Nhờ áp dụng mô hình khoa học, khi bước vào trang trại của ông Khang như bước vào một công viên xanh, sạch và không có bóng dáng của ruồi, muỗi.

Ứng dụng công nghệ mới mang lại năng suất bất ngờ

Sau một thời gian tìm tòi và khắc phục những khó khăn, đến nay, ông Khang đã cho ra đời nhiều trang trại nuôi giun quế, trong đó có một trang trại khoảng 1ha tại Thị trấn Hưng Hóa lấy tên là trang trại giun Mai Hiền.

Chưa dừng lại, ông Khang cùng vợ đã tìm ra công nghệ đột phá là cho giun ăn chìm, mỗi tháng chỉ cần 1 lần cho ăn.

Ông Nguyễn Mạnh Khang chủ trang trại nuôi giun trùn quế (Phú Thọ)

Ông Nguyễn Mạnh Khang chủ trang trại nuôi giun trùn quế (Phú Thọ)

Ông Khang cho biết, không giống như cách cho ăn nổi 3 ngày/lần như trước mà giun vẫn đủ dinh dưỡng và sinh sản đều. Cách làm mới này giúp tiết kiệm thời gian và thức ăn cho giun.

“Thông thường, những người nuôi giun ở Việt Nam sẽ cho ăn nổi, phương pháp này gây ra sự lãng phí thời gian và thức ăn, giảm 50% năng suất vì con giun quế rất sợ ánh sáng nên trong 1 ngày sẽ chỉ ăn 12 tiếng. Nhưng nhờ vào công nghệ ăn chìm giúp giun có thể ăn 24/24” – ông Khang chia sẻ.

Giun quế sau quá trình nuôi sẽ được xử lý làm phân vi sinh cao cấp, sơ chế thành mồi câu và làm các nguyên liệu chữa bệnh….

Bên cạnh đó, những bã thải sau khi được giun sử dụng hết chất mùn chúng lại được tận dụng trở thành giá thể tốt cho chăn nuôi và trồng trọt.

Nhờ nuôi được mô hình khép kín như hiện tại giúp trang trại giảm chi phí từ 30 – 40% so với bình thường. Sẵn nguồn giun, trang trại chăn nuôi được thêm ngan gà. Cụ thể, mỗi năm xuất bán khoảng 6.000 – 7.000 con gà và ngan từ 2.000 – 3.000 con.

Không chỉ tận dụng bã thải của giun trong chăn nuôi mà trang trại của ông Khang còn mở rộng diện tích trồng rau sạch với hàng chục lao động.

Hiện, ngoài việc sử dụng nguồn thức ăn này để nuôi gà hoặc bón cây, trang trại của ông cũng chế biến giun thành thực phẩm. Doanh thu đến từ việc bán tất cả các sản phẩm trên.

Với tổng quy mô trang trại trên 4.000 m2, ông Khang đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 4 – 7 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ, doanh thu từ mô hình này đạt vài tỷ đồng/năm. Lợi nhuận bình quân của trang trại cũng đạt hàng chục triệu đồng/tháng.

“Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh thu từ trang trại cũng bị ảnh hưởng, có giảm hơn so với năm trước” – ông Khang chia sẻ.

Có mặt tại trang trại của ông Khang, ông Nguyễn Xuân Quế, Trưởng ban kiểm tra Hiệp hội Những người Sáng tạo Việt Nam cho rằng, mô hình trang trại khép kín của ông Khang rất khoa học, ông Khang chính là người đang góp công giúp cho những người làm nông nghiệp tại Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi rất ngưỡng mộ mô hình đó. Tôi cũng muốn nói thêm, việc áp dụng mô hình nuôi giun trùn quế trong nông nghiệp phù hợp với tất cả địa hình, quy mô trên cả nước. Dù bạn có nhiều tiền hay ít tiền đều có thể vận dụng hiệu quả mô hình này với điều kiện thực tiễn của gia đình mình” – ông Quế nói thêm.

Nghề lạ mới nổi: Nuôi ong kịch độc lấy thịt, thương lái lùng mua nửa triệu đồng/kg

Những tổ ong to như chiếc nón lá cùng những con ong vằn vện đen vàng từng là nỗi khiếp đảm của nhiều người đi làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN