Nuôi con “nhàn hạ”, anh nông dân cứ 4 tháng thu về hơn 20 triệu/cặp
Hiện, anh sở hữu 2 cơ sở với số lượng lên đến hàng nghìn con, tuy nhiên anh cho biết cung vẫn chưa đủ cầu.
Đứng ở trang trại tại khu vực Thuận An (Bình Dương), anh Phạm Văn Hùng cho biết đây là cơ sở 2, anh mới xây dựng được một thời gian để phục vụ cầy vòi giống và thương phẩm cho bà con khu vực phía Nam. Cơ sở 1 của anh nằm ở Lục Nam (Bắc Giang).
Chỉ vào từng ô nuôi nhốt cầy vòi, anh cho biết đây chỉ là khu vực nuôi những con giống hoặc thương phẩm để khách đến xem cho thuận tiện. Mỗi ô nuôi này được làm từ thép, kích thước vừa đủ cho chúng sống. Còn chuồng nuôi dành cho cầy vòi sinh sản, anh xây dựng kiên cố hơn, 3 mặt sẽ xây bằng gạch còn một mặt sử dụng lưới. Chuồng này sẽ có diện tích: sâu 80cm, rộng 80cm và cao 80cm.
Những con cầy vòi sinh sản này được tuyển chọn và ghép đôi từ khi chúng được 3-4 tháng. Mỗi cặp này sẽ được bán giá khoảng hơn 20 triệu đồng. Còn những còn cầy vòi thương phẩm giá hiện tại đang là 2,6 triệu đồng/kg và nuôi khoảng 1 năm.
Hiện, cầy vòi giống anh đang bán giá hơn 20 triệu đồng/cặp.
“Số lượng hiện tại của trang trại cung cấp ra thị trường vẫn chưa đủ, tôi vẫn dự định sẽ mở rộng thêm để có đủ số lượng. Ngoài ra, tôi sẽ bao tiêu sản phẩm cho những người đặt mua giống cầy vòi của trang trại mình”, anh nói.
Với kinh nghiệm gần 20 năm nuôi cầy vòi, anh Hùng đánh giá nuôi con vật này rất nhàn mà đem lại giá trị kinh tế cao. Mỗi ngày anh chỉ dành khoảng 2 tiếng để cho ăn và dọn chuồng trại của chúng.
Do người nuôi vẫn ít nên cung luôn không đủ cầu. “Những con cầy vòi thương phẩm sẽ được bán cho các nhà hàng, có bao nhiêu họ cũng thu mua hết, còn con giống thường sẽ bán cho các trang trại nuôi, họ sẽ mua theo diện tích trại của họ có”, anh thông tin.
Cầy vòi thương phẩm thường là những con đực, không có đôi để làm cặp, chủ trại sẽ nuôi khoảng 1 năm để bán. Ngoài ra, đó còn là những con thải loại, tức là hết tuổi sinh sản cũng sẽ được bán cho các nhà hàng. Cầy vòi thương phẩm nặng khoảng 5-6kg được ưa chuộng nhất vì tầm cân nặng đó chúng không có mỡ.
Ngoài ra, chúng là con vật ăn rất ít, mỗi ngày một con chỉ ăn khoảng 1.700 – 2.000 đồng tiền thức ăn. Thức ăn của chúng rẻ, dễ kiếm như cháo gà, cháo cá…
Chưa kể, chúng lại rất ít khi bị bệnh, một năm chỉ tiêm cho chúng vắc xin một lần để phòng bệnh về tiêu hóa. Do chúng không chịu được lạnh nên thời tiết miền Nam thích hợp nuôi hơn, còn ngoài miền Bắc khi chuyển giao mùa chúng dễ bị bệnh nên cần chú ý chăm sóc hơn.
Cầy vòi đang được nuôi thử nghiệm trong chuồng gỗ để sinh sản.
Theo anh, trên thị trường đang có 2 loại cầy vòi được rao bán: cầy vòi rừng và cầy vòi nuôi. Anh cho rằng khách hàng cần chú ý và biết cách nhận biết để tránh mua phải những con săn bắt trong rừng, loại hoang dã nuôi sau một thời gian sẽ chết và nó có trong sách đỏ, cấm buôn bán trao đổi.
Cách phân biệt cầy vòi nuôi và rừng khá đơn giản, anh Hùng cho biết chủ yếu dựa vào hình dáng của con vật. Những con trong trại nuôi sẽ béo hơn, thân hình, đuôi và mõm đều ngắn và rất hiền, con người có thể sờ và bắt được.
Còn cầy vòi hoang dã được săn bắt từ rừng, chúng rất hung dữ, chỉ cần gần người chúng sẽ có hành động phòng vệ, thân hình, đuôi và mõm đều dài, lại không có giấy tờ hợp pháp. Loại này để nuôi sẽ dễ phá chuồng và bị chết sau một thời gian chăm sóc.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại cây này mọc dại đầy đường, vườn nhà, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm. Nay chúng được thu mua giá lên đến 40.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng không đủ bán.