Nuôi cá bằng lá chuối trên sông, lão nông thu về cả trăm triệu đồng mỗi vụ
Tận dụng nguồn thức ăn là thủy sinh trên dòng sông Lam cùng với trồng cỏ mì, lá chuối để nuôi cá lồng, ông Trần Văn Huy (trú tại Anh Sơn, Nghệ An) đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi vụ thu cá.
Sinh năm 1965, ông Trần Văn Huy ở tổ 1B, thị trấn Anh Sơn đã có nửa cuộc đời lênh đênh trên dòng sông Lam với công việc tự do là đánh bắt cá. “Chiến lợi phẩm” sau mỗi ngày mệt nhọc thu về là vài con cá, con tôm mang ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn, cuộc sống mưu sinh hết sức khó khăn.
“Cuộc sống cứ lênh đênh trên sông cho qua ngày đoạn tháng khiến tôi vô cùng bí bách, tự nhủ bản thân phải tìm nghề gì khác để bớt khổ”, ông Huy nói.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Lam tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân nghèo.
Năm 2000, sau những tháng ngày rong ruổi theo con nước, ông quay quyết định làm lồng nuôi cá trên sông Lam với số vốn chỉ 50 triệu đồng là tiền vay mượn bạn bè, anh em.
“Có 50 triệu, tôi làm hết 45 triệu tiền lồng, 5 triệu tiền cá trắm cỏ. Những lứa cá đầu, do chưa có kinh nghiệm gì, chỉ nhìn thấy người khác làm rồi mình bắt chước theo nên không được thuận lợi, tiền cá thu về cũng không được bao nhiêu”, ông Huy kể lại.
Đúng lúc đó tại địa phương nơi ông ở có mở lớp dạy nghề nuôi cá lồng trên sông nên ông theo học, nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật bài bản, lứa cá sau đó ông thu về 45 triệu đồng tiền lãi.
Những con cá trắm cỏ ăn lá chuối cỏ mì lớn nhanh như thổi.
Nhìn vào lợi thế và địa hình, lợi nhuận từ việc nuôi cá lồng, ông tiếp tục bỏ vốn làm thêm lồng nuôi cá, mỗi lồng 20m2 mặt nước, sâu khoảng 1,5 mét có thể nuôi được 300 con cá giống. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, mỗi con cá trắm cỏ từ 0,4kg có thể nặng từ 3-6kg, được bán với giá 100-130.000 đồng/kg.
“Vì cá được nuôi trên sông, ăn các loài thủy sinh và động thực vật phù du dưới nước, ngoài ra tôi còn mượn thêm đất bồi ven sông trồng cỏ mì và lá chuối cho cá ăn nên thịt rất dai và thơm, giá cũng luôn gấp đôi cá được nuôi ở ao tù hay các nơi khác. Cá bắt đến đâu có người mua đến đó, thậm chí không đủ để bán”, ông Huy cho hay.
Mỗi con cá trắm cỏ sau 6 tháng nuôi có thể nặng từ 3-6kg.
Từ một người chỉ biết lênh đênh trên sông đánh cá, mưu sinh hết sức khó khăn đến nay mỗi năm ông Huy có thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ nuôi cá lồng. Không những thế, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng đã mạnh dạn đầu tư làm lồng, bè nuôi cá.
Nghề nuôi cá lồng đã dần trở thành công việc chính giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn có công ăn việc làm ổn định.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Phi – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi cá lồng có thể giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động là dân vạn chài ven sông, năm 2018, Quỹ hỗ trợ Nông dân đã hỗ trợ ban đầu cho 10 hộ dân vay 300 triệu đồng để làm lồng nuôi cá.
“Hội Nông dân huyện cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn cho các hộ dân thành lập tổ hợp tác nuôi cá lồng nhằm giúp nhau phát triển kinh tế bền vững, cử ông Trần Văn Huy làm tổ trưởng”, ông Phi cho biết.
Hiện nay, cá lồng có thể cho thu hoạch cả năm và không đủ cung cấp ra thị trường.
Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An nhận định, việc nuôi cá lồng bè là công việc làm thêm, có lợi thế từ nguồn nước, thức ăn có sẵn, chất lượng cá tốt, có đầu ra ổn định, nên khuyến khích bà con nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế.
“Tôi hy vọng rằng, các cơ quan chức năng liên quan sẽ tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa để có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giúp người dân phát triển kinh tế theo mô hình tập thể có bài bản và theo đúng khoa học kỹ thuật, tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nơi mình sinh sống”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhìn khu vườn như được “bày binh bố trận” treo la liệt hàng trăm tổ ong vò vẽ, ít ai ngờ được đó là tài sản của...