Nóng tuần qua: Ôtô giảm giá “sốc”, dân kéo nhau đi mua xe mới
Có những mẫu giảm giá lên đến cả trăm triệu đồng, nhiều người kéo nhau đi mua khiến doanh số bán hàng tăng mạnh.
Ô tô giảm giá cả trăm triệu
Trong tháng 4/2021 vừa qua nhiều hãng xe và đại lý triển khai các chương trình ưu đãi nhằm kích cầu mua sắm, những người có nhu cầu đã kéo nhau xe mới. Theo đó, doanh số bán xe trong tháng 4/2021 đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhiều mẫu xe thuộc các hãng giảm giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng và nhiều ưu đãi khác. Đáng chú ý nhất là hãng xe Vinfast vẫn tiếp tục những chương trình ưu đãi hỗ trợ phí trước bạ với dòng xe Lux và giảm giá 10% với khách hàng thanh toán một lần…
Những chương trình khuyến mại, giảm giá của các hãng xe đã nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng, thị trường xe ô tô mới cũng trở nên nhộn nhịp.
Theo số liệu thống kê được VAMA công bố, trong tháng 4 doanh số bán hàng toàn thị trường của các thành viên VAMA đạt đạt 30.065 xe, tăng tới 155% so với tháng 4/2020.
Doanh số bán hàng của Toyota tăng trưởng tới 96% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng loạt sản phẩm làm mát giảm sốc tới gần 50%
Mới vào đầu mùa nóng, các siêu thị điện máy đã áp dụng hàng loạt các chương trình ưu đãi nhằm cải thiện tình hình kinh doanh khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều siêu thị áp dụng giảm giá đến 50% kèm theo các khuyến mãi khác như miễn phí vận chuyển và lắp đặt trong ngày, tặng 5 mét ống đồng, vật tư, trả góp 0%...
Ngoài điều hòa, một số thiết bị làm mát khác như quạt điện, quạt điều hòa, quạt hơi nước cũng được nhiều cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy giảm giá đến 50% để kích cầu thị trường.
Không chỉ áp dụng khuyến mại, giảm giá cho hình thức mua trực tiếp, hầu hết các siêu thị điện máy còn đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách hàng mua online.
Tuy nhiên, theo quan sát, hầu hết các mẫu điều hòa giảm sâu đến trên 40% thời gian này đều là các model cũ, sản xuất từ năm 2020, không có tính năng tiết kiệm điện (Inverter) hay lọc bụi mịn. Thậm chí, nếu giảm quá sâu lại không được hưởng khuyến mại tặng ống đồng, vật tư hay quà tặng khác như các sản phẩm giảm giá ít hơn.
Chợ cóc hoạt động rầm rộ sau khi Hà Nội ban hành lệnh cấm để chống dịch
Ngày 11/5, TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động các nhà hàng bia hơi, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng ghi nhận tại nhiều nơi sáng 12/5 các chợ cóc vẫn ngang nhiên hoạt động.
Chưa kể, KĐT Đại Thanh (Thanh Trì - Hà Nội) dù đang có ca mắc COVID-19 và được lực lượng chức năng phong tỏa từ ngày 11/5 nhưng tại đây nhiều tiểu thương buôn bán gia cầm, trái cây, hoa tươi... vẫn hoạt động trong khu vực.
Tại các chợ tạm, vỉa hè, nhiều người vẫn ngang nhiên bày bán các sản phẩm gia dụng và rau, củ quả. Hoạt động mua bán tại những nơi này diễn ra khá nhộn nhịp bất chấp lệnh cấm. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bò bị bệnh "lạ", người tiêu dùng quay lưng với thịt bò
Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 10/2020 cho đến nay, cả nước đã có 886 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò tại 1097 xã, 170 huyện của 25 tỉnh, thành phố với 28.725 con nhiễm bệnh. Trong đó, có 2.432 con trâu bò đã chết và buộc phải tiêu hủy. Vì vậy, người tiêu dùng đã quay lưng với thịt bò.
Hàng loạt gia đình và các sự kiện hiếu hỷ đều hủy bỏ các món ăn từ thịt bò đã khiến nhiều tiểu thương gặp khó khăn trong việc tiêu thụ một lượng lớn thịt bò. Nhiều tiểu thương cho rằng sản lượng tiêu thụ thịt bò giảm đến 80% từ khi có dịch, có những ngày bán không nổi 3kg thịt bò.
Thịt bò đã bị loại khỏi thực đơn của các gia đình và sự kiện lớn nhỏ vì tâm lý e ngại của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định bệnh viêm da nổi cục sẽ không lây bệnh cho người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, tẩy chay ăn thịt trâu, bò.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật đã nghiêm cấm tuyệt đối không cho phép buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia súc bị bệnh và gia súc nghi bị bệnh nằm trong các vùng dịch, ổ dịch. Vì vậy, người chăn nuôi không được giết mổ gia súc đã mắc bệnh để bán cho người tiêu dùng.
Thịt lợn "rớt giá" kỷ lục
Thời điểm này năm 2020, giá lợn hơi chứng kiến đà tăng phi mã như “ngựa đứt cương”. Năm nay, giá thịt lợn rơi xuống mức đáy và chưa có dấu hiệu ngừng giảm.
Ngày 13/5, giá lợn hơi cả nước dao động từ 64.000-71.000 đồng. So thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi trên cả nước giảm từ 23.000 – 26.000 đồng/kg. Ở một số nơi, giá lợn thời điểm đó cán mốc 100.000 đồng/kg, mức giảm còn lên đến 30.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết nguyên nhân khiến giá lợn giảm là do nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vẫn còn lớn, trong khi việc tái đàn ở trong nước vẫn đạt hơn 70%.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp việc vận chuyển, tiêu thụ trở nên khó khăn, nhiều nông dân lo ngại lúc đấy sẽ không bán được nên giá nào cũng cho xuất chuồng. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua, khiến người dân không chịu nổi đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị các thương lái ép giá.
Theo ông Trọng, với giá thịt lợn ở mức dưới 70 nghìn đồng, chỉ có DN chăn nuôi có lãi bởi họ chủ động được tất cả các khâu, còn người nông dân hầu như không có.
Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.
Nguồn: [Link nguồn]