Nóng tuần qua: Ôtô giảm giá lên đến 200 triệu đồng/xe, đại lý tiết lộ lý do
Ôtô, hàng điện máy, lợn hơi đều giảm giá mạnh, những người buôn hàng xách tay có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.
Hàng loạt mẫu ô tô "đại hạ giá" vì ế ẩm
Tiếp tục cuộc đua “nước rút”, bước sang tháng đầu của quí 4, nhiều hãng xe không ngần ngại tung hàng loạt ưu đãi tới cả trăm triệu đồng cho mỗi sản phẩm nhằm kích cầu cho mùa mua sắm cuối năm.
Ở phân khúc cao cấp trên 1 tỷ đồng, các mẫu xe đều được giảm giá từ 100 – 200 triệu đồng. Đơn cử như một số đại lý Ford đang rao bán Everest phiên bản Titanium 2.0L hai cầu, sản xuất năm 2019 với mức giảm tiền mặt tới 200 triệu đồng...
Tương tự, ở phân khúc dưới 1 tỷ đồng, nhiều mẫu xe cũng đang giảm giá từ 20-160 triệu đồng. Ví dụ như Mitsubishi Outlander đang được ưu đãi giá từ 20 - 160 triệu đồng tùy vào phiên bản và vòng đời, đưa giá chiếc crossover xuống còn 800- 932 triệu đồng.
Volkswagen Passat BlueMotion High hiện đang được hãng hỗ trợ 100% phí trước bạ, tương đương giảm 177,6 triệu đồng.
Ở phân khúc thấp hơn với mức giá dưới 500 triệu đồng, ấn tượng nhất là Suzuki Ciaz 2020. Chỉ hơn 1 tuần sau khi trình làng, bản nâng cấp của Suzuki Ciaz – dòng sedan của hãng xe Nhật Bản hiện đang được đại lý giảm giá bán 30 triệu đồng nhằm cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc, đưa mẫu xe này về mức 499 triệu đồng, tương đương giá bán mẫu xe cũ.
Việc nhiều mẫu xe đua nhau giảm giá, các đại lý hy vọng thị trường ô tô sẽ trở nên sôi động, đưa doanh số tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Hàng điện máy giảm kịch sàn tới 50% vẫn ế
Tại các siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội, hàng trăm mặt hàng điện máy giảm giá bán đến 50%. Thậm chí, nhiều khuyến mãi hấp dẫn kèm theo khi mua hàng như mua tivi tặng tivi, thanh toán hóa đơn tiền điện trong 2 tháng hoặc mua máy giặt tặng máy giặt, tặng phiếu bốc thăm trúng thưởng….Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị vẫn trong tình trạng ế ẩm, sức mua giảm rõ rệt.
Anh Hiệu, một nhân viên siêu thị điện máy trên đường Cầu Giấy cho biết, tình trạng ế ẩm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu hơn, nhất là chọn mua các sản phẩm có giá trị. Trong nhiều tháng qua, lượng khách đến mua hàng hết sức thưa thớt, thậm chí đa số khách đến khảo sát giá, thăm dò chất lượng rồi về.
Cũng theo anh Hiệu, phần lớn hàng giảm giá là hàng mới sản xuất, vẫn còn bảo hành từ 1 năm trở lên chứ không phải hàng sắp hết bạn bảo hành như một số người nghĩ. “Các sản phẩm giảm giá nhiều chủ yếu là tivi có giá trị lớn mà khách hàng ở phân khúc này không nhiều nên dù giảm giá cũng khó bán”, anh Hiệu khẳng định.
Giá lợn hơi trên đà giảm mạnh
Lợn hơi tiếp đà giảm trong nhiều ngày qua, mức giá 55.000 đồng/kg (ngày 16/10) đã xuất hiện tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm tỉnh Hà Nam - nơi tập trung giao dịch mua bán lợn hơi lớn nhất miền Bắc… So với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, giá lợn hơi đã mất 13.000 - 25.000 đồng mỗi kg. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì lỗ tới 1 triệu đồng/con lợn.
Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng ban Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (tại xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), giá lợn hơi lao dốc mạnh là do nguồn cung rất dồi dào. Các địa phương đã tái đàn thành công, nhiều công ty có lượng cung hàng lớn ra thị trường.
Giá lợn hơi đang giảm mạnh, người chăn nuôi "đứng ngồi không yên".
“Giá lợn hơi loại đẹp đang được giao dịch ở mức 60.000 - 67.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi loại thường chỉ tầm 55.000 - 60.000 đồng/kg. Mặc dù giá lợn giảm mạnh nhưng giao dịch ở chợ không mấy sôi động vì hàng tiêu thụ chậm” - ông Nguyễn Thế Chinh cho hay.
Như vậy, nếu so với lúc đạt đỉnh gần 100.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi đã giảm 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo một số thương lái thì vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn khiến giá lợn có thể bật tăng trở lại trong thời gian tới. Lý do là dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn khiến nhiều người chăn nuôi vẫn e ngại tái đàn. Thêm vào đó, cuối năm là thời điểm tiêu thụ thịt lợn mạnh do có nhiều lễ hội, tiệc tùng, nên có thể đẩy giá lợn đi lên.
Buôn hàng "xách tay" có thể bị phạt tới 200 triệu đồng
Hiện nay, kinh doanh hàng xách tay rất phổ biến và thậm chí còn được ưa chuộng trên thị trường do cách hiểu “đúng chất lượng nhưng mua được giá rẻ” của người tiêu dùng khi mặt hàng này được “xách về” nên không phải chịu thuế.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ 15/10 khi thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP được nâng lên theo hướng tăng mức phạt nặng. Trong đó, buôn bán hàng hàng xách tay có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng.
Trái ngược với tâm lý lo lắng, giới buôn hàng xách tay vẫn tự tin với cách bán hàng của mình mặc dù đã nắm rõ những thay đổi của Nghị định mới về tăng mức xử phạt. Họ chia hàng ra nhiều kho và để nhiều nơi thì giá trị của hàng sẽ ít đi. Trên các trang mạng cũng sẽ thay đổi, không bán nhiều sản phẩm trên cùng trang mà sẽ lập nhiều trang khác nhau để bán.
Trong trường hợp bán cho khách buôn thì chỉ giao cho những mối quen nhất định. Sau đó, đảo khách và các địa điểm với nhau trong khoảng thời gian đủ dài để khi có “bị lọt tầm ngắm” cũng không làm gì được..
Ngoài những “chiêu” đối phó, giới buôn cũng ồ ạt xả, thanh lý hàng xách tay giá siêu rẻ trước lệnh xử phạt mới. Các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng trong gia đình với mức giảm 5-15% cho giá trị mỗi đơn hàng và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại…
Giá lợn hơi lao dốc, cau tươi tăng giá cao, bánh trung thu đại hạ giá vẫn ế ấm... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.
Nguồn: [Link nguồn]