Thực hư 500 triệu đồng chỉ mua được 1 chiếc lá?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.

Ô tô nhập khẩu vẫn ùn ùn đổ về Việt Nam

Trước nhu cầu mua sắm xe ô tô mới của người dân ngày càng tăng, xe nhập khẩu giá rẻ cũng liên tục được nhập về để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, ước tính ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 14.000 xe, trị giá đạt 292 triệu USD. So với với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4 lại tăng đến 189,1% về lượng.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, nếu tính tổng từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, số lượng và giá trị ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam vẫn nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Để giành thị phần tại Việt Nam, hàng loạt mẫu xe lắp ráp và nhập khẩu đang được các hãng, đại lý tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá và tạo nên thị trường sôi động giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.

Ô tô nhập khẩu có nhiều ưu đãi để cạnh tranh thị phần tại Việt Nam.

Ô tô nhập khẩu có nhiều ưu đãi để cạnh tranh thị phần tại Việt Nam.

Cơn sốt cây cảnh đột biến "đếm lá tính tiền”

Cơn sốt lan đột biến còn chưa hạ nhiệt thì trên thị trường lại xuất hiện một "cơn sốt" mới với các dòng cây cảnh đột biến “đếm lá tính tiền”, giá từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng/lá.

Trong đó, Monstera deliciosa mint hiện nay được xem là đắt đỏ nhất, khoảng 350 - 500 triệu đồng/lá lớn trưởng thành. Anh Vũ Việt Lâm, một người đam mê kiểng lá cho biết việc giao dịch kiểng lá trên thị trường quốc tế hiện rất sôi động, thậm chí như một "hot trend". Một cây Monstera borsigiana mint variegated 4 lá vừa được chốt giá trên sàn của Thái Lan với giá 1.500.000 baht (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng).

Nhiều chuyên gia cho rằng giá của những cây này đang bị “thổi”, giống như lan đột biến. Người ta lợi dụng sự khác lạ của cây để đẩy giá lên cao, còn đột biến thật hay không thì chưa rõ, phải kiểm tra nguồn gene.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết việc thổi giá trầu bà đột biến quá cao sẽ làm rối loạn thị trường.

"Đa phần là những người chơi tự thổi giá, tự đồn thổi về một loài cây cảnh nào đó nhằm bán được giá cao. Rõ ràng ở đây, các giao dịch đều mang tính chất lừa đảo. Rồi rất nhanh thôi, các thương vụ giao dịch lá trầu bà sẽ vỡ lở ra giống như lan đột biến", ông Thịnh cảnh báo.

Giá ớt tiếp tục rơi tận đáy

Đợt đầu năm, giá ớt từ 150.000 đồng/kg mà nay đã hạ xuống còn 4.000 đồng/kg, thậm chí có loại không ai mua khiến người trồng khóc ròng vì thua lỗ nặng.

Tại “thủ phủ ớt” – huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, ớt chỉ thiên (ớt nhỏ) giảm còn 1/3 so với khoảng 1 tháng trước, xuống còn 4.000 – 5.000 đồng/kg. Còn ớt chỉ địa (ớt lớn) đầu vụ bán được 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng nay thì gần như không bán được, vì chẳng mấy người mua.

Theo nhiều thương lái chuyên thu mua ớt ở huyện Phù Mỹ, từ trước đến nay, giá ớt ở địa phương này luôn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vào chính vụ năm nay, giá ớt phía Trung Quốc thu mua cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nên giá ớt trong nước mới giảm thê thảm như vậy.

Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết vụ đông xuân năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên ớt trồng cho năng suất khá, đạt hơn 1,5 tấn/sào (500m2) đối với ớt chỉ địa, ớt chỉ thiên đạt 1 tấn/sào. Hiện ớt đang thu hoạch đại trà nhưng lại gặp lúc giá ớt giảm sâu, khiến người trồng ớt ở Phù Mỹ ngậm trái đắng vì thua lỗ.

Do giá thấp, bán không đủ trả tiền thuê người hái, nên nhiều nông dân bỏ mặc ruộng ớt chín cây.

Do giá thấp, bán không đủ trả tiền thuê người hái, nên nhiều nông dân bỏ mặc ruộng ớt chín cây.

Laptop tăng giá “chóng mặt”

Theo đó, các dòng máy tính có phân khúc giá từ 12-15 triệu đồng đang rất khan hàng, đặc biệt là các dòng máy thuộc 2 hãng Dell và HP. Và hầu hết các máy ở các phân khúc khác nhau đều tăng giá, có chiếc tăng lên 10%.

Bên cạnh laptop, nhiều linh kiện máy tính, đặc biệt là card đồ họa sử dụng “đào” tiền điện tử đã tăng cả chục triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân khiến giá laptop tăng, anh Hùng – chủ cửa hàng bán máy tính ở Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết nguồn cung linh kiện không đủ, chi phí đầu vào cũng tăng cùng với nhu cầu của người dân tăng đã khiến laptop tăng giá.

Một nguyên nhân khác được đưa ra là do các nhà máy sản xuất laptop ở Trung Quốc đều đang quá tải, lượng sản phẩm sản xuất không đủ cung ứng cho các đơn đặt hàng. Hơn nữa, doanh nghiệp sản xuất ưu tiên cung ứng cho thị trường châu Âu và châu Mỹ nơi dịch Covid-19 vẫn chưa được ổn định nên xu hướng học, làm việc online diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, “cơn sốt” đào tiền Bitcoin cũng góp phần dẫn đến tình trạng khan hiếm chip và card đồ họa diễn ra toàn cầu... Nhiều chủ cửa hàng dự kiến laptop còn khan hàng, phải đến quý IV năm nay mới có thể ổn định trở lại.

Giải mã cơn sốt xếp hàng thuê xe đạp Hồ Tây

Thời gian gần đây, giới trẻ Hà Nội đổ xô tới thuê xe đạp ở hồ Tây tạo ra trào lưu mới trong cộng đồng. Đây là hoạt động vừa vận động thể chất lại vừa là cơ hội để khám phá Thủ Đô theo cách mới.

Nắm bắt thời cơ, dịch vụ cho thuê xe đạp cũng phát triển rầm rộ cùng với nhu cầu của người tiêu dùng. Thực tế, dịch vụ này đã xuất hiện cách đây vài năm song từ đầu năm 2020 đến giờ mới thật sự nở rộ.

Cửa hàng thuê xe thường ở mặt đường, diện tích nhỏ, tận dụng vỉa hè để chứa khoảng 40 – 50 chiếc xe đạp. Giá thuê trung bình từ 40.000 – 80.000 đồng/xe/lượt. Trong đó, xe đạp đơn khoảng 40.000 – 50.000 đồng/xe/3 tiếng; xe đạp đôi 100.000 – 120.000 đồng/xe/3 tiếng, tuy ngày trong tuần hay cuối tuần.

Anh Nguyễn Quân, chủ một cửa hàng cho thuê xe, cho biết cửa hàng anh mở từ 5 giờ sáng đến 24 giờ, ngày cao điểm cho thuê 300 lượt khách. “Cửa hàng có 50 chiếc xe nên khách thường phải xếp hàng từ sớm, cứ 3 tiếng lại có 1 lượt khách, nhân viên sẽ nhận xe kiểm tra xe và giao luôn cho khách mới”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN