Nóng tuần qua: Loại cua "nhà giàu" bất ngờ có giá siêu rẻ, người bán tiết lộ lý do
Thị trường tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.
Sự thật về cua lông Thượng Hải bán với giá “siêu rẻ”?
Nhiều người khá bất ngờ khi người bán quảng cáo là cua lông Thượng Hải nhưng giá lại “siêu rẻ”, chỉ từ 500-700.000 đồng/kg thay vì 2-3 triệu đồng/kg như trước đó.
Chị Trang Hà, trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, loại cua đang bán với giá vài trăm nghìn đồng/kg tại Hà Nội thực chất là cua da hay còn gọi là cua sông, được người dân dọc sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đánh bắt và vận chuyển xuống Hà Nội bán. Nhiều thương lái mua về, quảng cáo là cua lông Thượng Hải để bán kiếm lời.
“Cua da quê tôi giống hệt cua lông Thượng Hải, chúng có một lớp lông trên chân, càng và yếm. Cua cái thì nhiều trứng và gạch, cua đực thì nhiều thịt. Chúng sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã thuộc huyện Yên Dũng và chỉ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, khi có gió heo may trở lạnh”, chị Trang nói.
Chị Trang còn cho biết, việc đánh bắt cua da rất khó khăn, muốn bắt phải là những thuyền chài có kinh nghiệm, bắt vào ban đêm và dùng lưới bát quái với hình thù đặc biệt để bắt cua. Cua bắt được bao nhiêu có người đứng trên bờ thu mua hết đến đó. Khoảng 5 giờ sáng là không còn con nào để mua và không có bán ở các phiên chợ.
Cũng bán cua lông Thượng Hải nhưng anh Trịnh Đức Kiên, trú tại Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho biết mỗi con cua lông Thượng Hải đều có nẹp nhựa có mã QR code của cơ sở khai thác độc quyền cua lông tại hồ Dương Trừng. Người bán cũng có thể cho khách hàng xem phiếu gửi kèm hành lý chuyến bay từ Thượng Hải về Hà Nội khi khách hàng yêu cầu.
Cua lông Thượng Hải được rao bán trên các chợ mạng với giá rẻ bất ngờ.
Máy giặt giảm giá mạnh
Sau thời gian đóng cửa thực hiện giãn cách toàn xã hội, hơn một tuần qua, các siêu thị điện máy đã bắt đầu mở cửa trở lại. Nhân dịp này, hàng loạt siêu thị đã triển khai các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. Trong đó, giảm giá sâu nhất phải kể đến mặt hàng máy giặt, đặc biệt là máy giặt lồng đứng.
Đơn cử như máy giặt lồng đứng 7,5kg có xuất xứ từ Trung Quốc, còn bảo hành 2 năm, chuyển động bằng dây curoa, tốc độ vắt 800 vòng/phút với 8 chương trình giặt với chất liệu lồng giặt bằng thép không gỉ đang được một hệ thống siêu thị điện máy lớn giảm 33%, chỉ còn 2,4 triệu đồng.
Theo quan sát, các mẫu máy giặt giảm giá sâu đều là hàng trưng bày hoặc model cũ. Tuy nhiên, theo anh Hoàng, quản lý siêu thị điện máy trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) thì dù là hàng trưng bày nhưng những mặt hàng này đều là hàng mới, chưa từng qua sử dụng.
“Tivi và điện thoại là 2 mặt hàng được sử dụng liên tục trong thời gian trưng bày cho khách hàng trải nghiệm. Vì vậy, chất lượng cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ rủi ro cũng cao hơn. Còn máy giặt hầu như không cắm điện và không hoạt động khi trưng bày nên chất lượng và độ bền vẫn đảm bảo như mới”, anh Hoàng phân tích.
Ngày 1-10, giá gas đồng loạt tăng sốc
Đây là tháng thứ tám trong năm 2021, giá gas tăng liên tiếp và là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Với loại bình 12kg, các công ty gas đều tặng 42.000 đồng/bình.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới tháng 10 công bố 797,5 USD/tấn, tăng 132,5 USD so với tháng 9 nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.
Ông Lê Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc của Pacific cho biết, suốt tháng 9 giá gas thế giới không có ngày nào giảm và mức tăng giá này nằm trong dự báo của các công ty. Theo ông Tuấn, dù tháng 10 giá gas tăng cao kỷ lục nhưng nếu so với những thời gian trước vẫn còn thấp.
Chẳng hạn đỉnh điểm giá gas tăng cao nhất lên 78.000 đồng/bình 12kg là tháng 12-2013, tháng 3-2012 giá gas tăng cao nhất 52.000 đồng gần nhất tháng 1-2020 giá gas tăng cao nhất ở mức 48.000 đồng/bình 12kg.
Giá lợn hơi tiếp tục giảm xuống đáy
Giá lợn hơi liên tục giảm trong thời gian vừa qua.
Ngày 29/9, thị trường tiếp tụp ghi nhận sự đi xuống của giá lợn hơi trên cả ba miền. Giá thấp nhất vào khoảng 44.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn là gánh nặng với nông dân.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 nhập khẩu ngô đạt 464 nghìn tấn, tương đương 142 triệu USD, giảm 60% về lượng và giá trị. Tương tự, trong tháng 8 nhập khẩu đậu tương đạt 113 nghìn tấn, trị giá gần 70 triệu USD, giảm 40% so với tháng 7.
Giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi này bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt, giảm khoảng 5% so với tháng trước. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, khiến người chăn nuôi khốn đốn.
Người dân thủ đô háo hức mua sắm trong ngày đầu hết giãn cách
Người dân Thủ đô đã bắt đầu mua sắm trong ngày đầu trung tâm thương mại mở cửa trở lại. Do là ngày thường nên lượng khách hàng chưa đông ngay được, nhưng vẫn ghi nhận sự háo hức của người dân sau nhiều ngày giãn cách.
Chị Bích Hồng, nhân viên bán hàng thời trang của một Trung tâm thương mại lớn tại Hà Đông cho biết, chị đến từ 8 giờ sáng để dọn dẹp, bài trí, sắp xếp lại hàng hóa và đón khách vào lúc 10 giờ sáng nhưng mãi tận đến 11 giờ vẫn chưa bán được sản phẩm nào.
Theo chị Hồng, trong ngày hôm nay, nhiều gian hàng vẫn chưa sắp xếp được nhân viên vì nhiều người về quê chưa kịp lên hoặc chưa tuyển được người. Nhiều gian hàng khác đã bày bán trở lại nhưng vẫn chưa có khách đến mua do ngày hôm nay không phải ngày nghỉ. Hơn nữa, do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nên nhiều người vẫn hạn chế ra ngoài dẫn đến cảnh tượng đìu hiu, vắng vẻ dù đã được mở bán hàng trở lại.
Theo quan sát, hầu hết các Trung tâm thương mại đều bắt buộc khách hàng đến phải quét mã QR, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trải nghiệm mua sắm.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trường trong nước tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.