Nóng tuần qua: Loại cá đặc sản giá cao ngất bỗng bán rẻ chưa từng có, chỉ còn vài chục nghìn/kg
Thị trường trong nước tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.
Cá lăng bán với giá siêu rẻ, chỉ 85.000 đồng/kg
Cá lăng có 3 loại, cá lăng đuôi đỏ giá khoảng 270.000 - 500.000 đồng/kg, cá lăng vàng có giá khoảng 300.000-400.000 đồng/kg, cá lăng chấm có giá khoảng 120.000 đồng/kg.
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành phố áp dụng giãn cách xã hội, nhà hàng quán ăn đóng cửa nên nhu cầu về thủy hải sản, trong đó có cá lăng giảm hẳn.
Dạo quanh chợ mạng, cá lăng đang được rao bán với giá chỉ từ 85.000-110.000 đồng/kg. Mỗi con từ 3-5kg, nếu khách cần làm sạch chia thành các khúc nhỏ để về chế biến luôn thì mất thêm 20.000 tiền phí.
Theo chị Hiền Anh, cá lăng chị lấy hàng là cá do bà con nuôi trồng trong lồng bè ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình). Vì đây là cá lăng nuôi trồng nên rẻ, còn cá lăng khai thác tự nhiên thì giá đắt hơn nhiều và khá hiếm do nhiều người lùng mua.
Cá lăng khai thác tự nhiên rất hiếm và giá đắt đỏ
Biến tấu cách bán, hải sản giá rẻ bỗng hút khách
Giá rẻ lại đa dạng các mặt hàng hải sản từ bình dân đến cao cấp, từ trong nước đến hàng nhập khẩu nên người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn các sản phẩm tùy theo nhu cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, người dân hạn chế đi lại, thắt chặt chi tiêu nên dù giảm giá, lượng mua vẫn giảm mạnh.
Để thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng kinh doanh hải sản đã tiến hành bán hải sản theo từng mâm niêm yết giá cố định để người mua dễ dàng lựa chọn được đa dạng các loại hải sản tùy theo khẩu vị và nhu cầu với giá hấp dẫn.
Giá các loại hải sản đều rẻ nhưng nếu bán riêng từng loại thì rất chậm nên nhiều người bán chuyển sang bán theo mâm cố định, giá bán dao động từ 350.000 - 999.000 đồng.
Nhờ bán hàng theo cách này, chị Phương – một người kinh doanh hải sản, cho biết có thể bán được từ 50-70 set hải sản/ngày và bán được hết các sản phẩm có mặt tại cửa hàng, chủ động hơn trong việc sắp xếp, chuẩn bị đơn hàng và giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm hải sản mà cửa hàng mình đang có.
Ế hàng triệu con gà công nghiệp quá tuổi
Hàng loạt khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng dừng hoạt động đang khiến hàng triệu con gà quá tuổi không thể xuất chuồng. Điều này, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên, trong khi giá gà trên thị trường vẫn ở mức cao.
Dù vậy, giá thịt gà trắng thành phẩm trên thị trường vẫn cao gấp 4 lần mức giá gà xuất chuồng. Hiện giá gà công nghiệp thành phẩm cân cả con là 65.000 đồng/kg; thịt đùi gà công nghiệp có giá 90.000 đồng/kg, cánh gà 85.000 đồng/kg…
Nguyên nhân chính khiến gia cầm khó tiêu thụ đó là nhu cầu đang giảm khá mạnh. Nhất là các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng...
Sự chênh lệch lớn giữa giá gà xuất chuồng và giá gà bán lẻ trên thị trường đồng nghĩa với việc khoảng hời lớn đang thuộc về khâu trung gian, các tiểu thương bán lẻ. Bao giờ hết nghịch lý nông dân khóc, tiểu thương cười? Điều này, phụ thuộc vào sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kết nối giúp người chăn nuôi đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Bưởi da xanh giảm giá vẫn ế "sưng"
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, người dân hạn chế đi lại và kinh tế khó khăn hơn, cộng thêm việc không thể xuất khẩu nên giá bưởi da xanh giảm mạnh.
Dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến giá thành nhiều mặt hàng, đặc sản bưởi da xanh cũng không ngoại lệ. Hiện tại, giá bưởi da xanh đã giảm tới 50%, chỉ còn 30.000 đồng/kg nhưng vẫn chịu cảnh ế ẩm rất ít người chọn mua.
Dù cách đây vài tháng, thời điểm chưa giãn cách, giao thương vẫn bình thường thì giá bưởi ở ngưỡng rất cao, thậm chí nhiều khi còn không có hàng để lấy vì giá tại vườn cao, các đầu mối không nhập vào. Một phần do mặt hàng này xuất khẩu sang các nước nên dẫn đến việc khan hàng.
Vì ế ẩm, các chủ vườn trồng bưởi da xanh mất đi nguồn tiêu thụ chủ yếu. Để giảm thiểu thiệt hại cũng như thu lại phần nào tiền phân bón và công chăm sóc, các chủ vườn buộc phải hạ giá để tiêu thụ bưởi da xanh.
Nhưng theo tiểu thương bán bưởi da xanh, dù hiện tại giá bưởi da xanh giảm mạnh như vậy, nhưng vẫn ế vì không có người mua, lượng người đi chợ giảm nhiều vì giãn cách COVID-19. "Người muốn mua thì không được ra ngoài, mà người được ra ngoài lại không có nhu cầu".
Nhiều người thuê trọ vẫn trả tiền điện với giá 4.000 đồng/kWh
Mất việc làm, thu nhập bằng 0, những hộ gia đình đi thuê trọ tại các thành phố lớn đang gặp không ít khó khăn khi ngoài tiền thuê nhà, nhiều người còn đang phải trả tiền điện với giá cao, lên đến 4.000-5.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, khi thắc mắc, người đi thuê được chủ nhà trọ thông tin, đây là giá chung của tất cả các nhà cho thuê trọ.
Mặc dù theo Bộ Công thương, nếu chủ nhà trọ không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì người thuê trọ được ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200 kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Giá bán điện bậc 3 hiện được quy định là 2.014 đồng/kWh.
Ngày 15/7, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết nếu chủ nhà trọ mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, nhưng thu tiền cao hơn so với quy định trên thì sẽ bị xử phạt hành chính. Mức tiền phạt dao động khoảng 7-10 triệu đồng, theo điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ.
Nếu phát hiện vi phạm về việc không áp dụng đúng quy định về giá bán điện cho người thuê trọ trên địa bàn, khách hàng liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 19001288 để ngành điện kiểm tra và xử lý.
Nguồn: [Link nguồn]
Lần đầu tiên, người mua ô tô được tặng thêm một chiếc xe nữa.