Nóng tuần qua: Hàng điện máy tràn ngập hàng tồn, các siêu thị đua nhau giảm giá "sốc"
Thị trường trong nước tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.
Điện máy ngập hàng tồn, giảm giá sâu
Sau thời gian thiếu hụt sản phẩm do không đủ nguồn cung linh kiện toàn cầu, mặt hàng điện máy đã tăng tồn kho trở lại với mức gấp 3-4 lần bình thường
Từ đầu tháng 10, các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy tại TP.HCM được mở cửa trở lại nhưng lượng khách tìm đến để tham quan, mua sắm vẫn rất ít. Với nguồn cung khá dồi dào, chủ yếu là hàng tồn kho, các nhà bán lẻ và hãng điện máy đồng loạt triển khai chương trình ưu đãi, giảm giá đến 60% để kéo khách.
Không riêng hệ thống bán lẻ, các hãng điện máy cũng tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi để kích cầu, giải phóng hàng tồn.
Một trong những lý do khiến các hãng và hệ thống bán lẻ chấp nhận tung sản phẩm với giá giảm sâu ra thị trường sau một thời gian khá dài không có doanh thu là bởi chỉ ít tháng nữa, các mẫu sản phẩm mới sẽ ra mắt. Theo ông Trương Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Phân phối điện máy điện tử Hoàng Thông, nếu không giảm giá mạnh để giải phóng hàng tồn, khi mẫu mới ra mắt vào cuối năm nay, nhà bán lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn cung máy tính xách tay (laptop) chỉ dồi dào ở phân khúc giá cao từ 20 triệu đồng đến trên 30 triệu đồng/máy; còn phân khúc dưới 10 triệu đồng/máy đang khan hiếm trầm trọng. Do tồn kho rơi vào phân khúc kén khách nên thị trường laptop hiện cũng khá trầm lắng, buộc các hệ thống bán lẻ phải giảm giá để kích cầu.
Tại các trung tâm, siêu thị điện máy ở TP HCM vẫn thưa thớt khách đến mua sắm.
Giá vé máy bay cao và khan hiếm
Nhu cầu đặt vé máy bay của người dân ở mức cao, trong khi lượng chuyến bay trong giai đoạn thí điểm giới hạn, mỗi chuyến chỉ chở tối đa 50% lượng ghế, đã khiến giá vé một số chặng bay tăng cao.
Tìm hiểu được biết, trong suốt giai đoạn từ 10/10 đến 22/10, toàn bộ các chuyến bay chiều từ Hà Nội đi TP.HCM và chiều TP.HCM đi Hà Nội đều đang có giá vé kịch trần gần 3,6 triệu đồng đã bao gồm thuế phí.
Nhưng đến cuối tháng 10, giá vé tăng lên mức 5,2 đến 6,7 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí, thậm chí có ngày lên tới 8,6 triệu đồng cho vé khứ hồi. Do hết vé, một số hành khách sẽ phải mua vé hạng thương gia, hiện ở mức 7,6 triệu đồng một chiều đã bao gồm thuế phí.
Dù giá vé cao, nhiều hãng bay nhận định các chuyến bay trong giai đoạn thí điểm đầu tiên này sẽ không thể có lãi.
Để giảm áp lực chi phí/ghế và giá vé đối với hành khách, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị bỏ giãn cách trên máy bay do hành khách đã được xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Người dân đổ xô mua ô tô mới trở lại
Nhu cầu mua xe ô tô mới của người dân đã tăng vọt sau khi suy giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 8/2021.
Ghi nhận từ Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và hai hãng xe lớn là VinFast và TC Motor cho thấy trong tháng 9/2021 nhu cầu mua xe mới của người dân đã tăng mạnh so với mức thấp kỷ lục thiết lập trong tháng 8 vừa qua.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 9/2021 tăng 5% so với 2020 khi đạt 188.937 xe.
Trong đó, hãng xe Việt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bán ra tổng cộng 3.497 xe, tăng 51,4% so với tháng 8. Trong số này, doanh số của Fadil là 2.565 xe, tăng hơn 500 chiếc so với tháng trước. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp mẫu xe này đạt doanh số trên 2.000 xe/tháng.
Theo các hãng xe và đơn vị phân phối, do tình hình giãn cách tại nhiều địa phương được nới lỏng, khiến việc đi lại, mua bán xe đã trở nên dễ dàng hơn.
Doanh số bán hàng của VinFast đã tăng mạnh tới 51,4% so với tháng 8.
Giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh
Vẫn duy trì xu hướng giảm, giá lợn hơi về mức thấp, giá chỉ dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Trong khi giá lợn hơi liên tục giảm, tình hình dịch bệnh cũng vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.834 ổ bệnh Dịch tả heo châu Phi tại 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số heo tiêu hủy là 112.092 con (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020). Tổng trọng lượng tiêu hủy ước tính hơn 5.500 tấn. Hiện nay, cả nước còn 497 ổ dịch tại 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Trước tình hình này, người chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi không muốn tái đàn.
Ngày “toàn dân” kéo nhau đi ăn phở
Ngày 13/10, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn thành phố, cho phép mở cửa trở lại nhà hàng, quán cà phê từ 6 giờ ngày 14/10 nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch.
Theo ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm, các quán phở đã đông nghịt khách, khác hẳn cảnh “cửa đóng then cài” như hơn 2 tháng trước đây.
Anh Toản, chủ cửa hàng phở ở Tô Hiệu (Cầu Giấy) cho biết, khi nhận được thông báo được mở cửa trở lại, ngay trong đêm anh đã cùng nhân viên dọn dẹp lại cửa hàng và dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho buổi bán hàng ngày hôm nay.
Khoảng 7 giờ sáng, khu vực để xe bên ngoài đã gần như không còn chỗ trống. Theo anh Toản, khi chưa có dịch, quán phở nhà anh có thể phục vụ cùng lúc tối đa từ 50-60 khách nhưng hôm nay chỉ dám nhận từ 20-25 khách/lượt để đảm bảo các biện pháp phòng dịch.
Do quá nhiều người đến ăn phở nhưng quán chỉ phục vụ tối đa 50% công suất nên hiều người đến quán đã hết chỗ phải mua mang về.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trường trong nước tuần qua có một số tin tức đáng chú ý sau.