Nóng tuần qua: Giống lan “tiền tỷ” rớt giá còn vài nghìn đồng, dân buôn chất đống ở chợ Hà Nội
Một số tin tức thị trường đáng chú ý tuần qua.
Lan Trần Mộng bán giá “rẻ như rau” tại Hà Nội
Từng là giống lan tiến vua, “hiếm có khó tìm”, khách muốn mua phải đặt trước hàng tháng và trả cả tiền tỷ để sở hữu, nay lan Trần Mông được bán la liệt trên các vỉa hè, đổ đống tại các chợ hoa đầu mối và trong các kho hàng của tiểu thương. Hiện, giá bán chỉ khoảng 50.000 – 80.000 đồng/10 cành.
Theo chị Trần Thương – chủ một cửa hàng bán lan Trần Mộng ở Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội): “Loại này giờ trở thành một loài hoa mùa vụ bình thường như nhiều loại hoa khác, giá thành rẻ ai cũng có thể mua về cắm chơi được”.
Nguyên nhân của việc “giảm giá không phanh” này được cho là do xuất hiện quá dày đặc trên thị trường. Từ sau năm 2018 – 2019, lan Trần Mộng được trồng phủ kín trên cách cánh rừng ở Sa Pa, Lai Châu. Bà con dân tộc, các nhà vườn đua nhau trồng vì thấy lợi ích kinh tế cao, nhưng nguồn cung càng dồi dào, giá càng giảm mạnh.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá hoa càng giảm mạnh. Thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều hoa tồn đọng cần tiêu thụ để qua vụ.
Lan Trần Mộng có hoa dài, ngồng hoa cao vượt trên lá, hoa to và có sắc; hoa lâu tàn, hương lan xa; ngồng hoa vươn lên uyển chuyển, ngồng hoa có thể cao gấp 2 lần chiều cao của cây. Hoa có hương thơm quyến rũ, màu hoa quý phái, mang ý nghĩa thịnh vượng và may mắn.
Bưởi da xanh rẻ như cho, nông dân ngậm ngùi "bán tháo"
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá bưởi da xanh giảm mạnh, nhiều gia đình trồng bưởi nhận định thời điểm này giá rẻ chưa từng có. Những vườn bưởi mẫu mã đẹp bán được giá 12.000-13.000 đồng/kg, còn bưởi xấu hơn sẽ chỉ bán được với giá vài nghìn đồng/kg.
Dù giá rẻ, thời điểm cận Tết (từ 20/12 Âm lịch đến Tết) thương lái không đến mua, họ chấp nhận bỏ cọc và không đến lấy bưởi. Qua Tết, các thương lái có đến mua nhưng giá rẻ. Không ít gia đình phải chịu lỗ mà bán tháo đi vì bưởi để càng lâu, chất lượng càng giảm và sẽ không bán được.
Ông Lâm – Phó Chủ tịch xã Tà Lài (Tân Phú, Đồng Nai) cho biết giá bưởi da xanh giảm khá mạnh, khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg so với trước Tết. Tại vườn, người dân đang bán với giá dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, hàng không chọn. Còn trước Tết Nguyên đán, giá bưởi rơi vào khoảng 18.000 – trên 20.000 đồng/kg.
Tuy giá rẻ hơn nhiều nhưng thương lái vẫn đến mua, người trồng bưởi vẫn tiêu thụ được, chỉ là không mạnh như trước.
Ngao hai cồi giá chỉ 8.000 đồng/kg vẫn ế ẩm
Giá ngao hai cồi loại nhỏ chỉ 8.000 đồng/kg, loại nhỡ có giá 12.000 đồng/kg, loại to cũng chỉ được 30.000 đồng/kg khiến nhiều hộ dân không thể cầm cự, phải vớt lồng lên bán để bù lỗ.
Theo anh Hội (Vân Đồn, Quảng Ninh), gia đình anh nuôi gần 3 vạn lồng. Chi phí mỗi lồng hết 45.000 đồng, nuôi suốt 12 tháng, nếu đạt thì được chừng 1,5-2,5kg/lồng. Trước đây, giá bán buôn từ 90-120.000 đồng/kg người nuôi còn có lãi nhưng với giá hiện tại thì lỗ nặng.
Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, giá ngao hai cồi luôn ở mức thấp lại khó bán nên có những gia đình vẫn để ngao dưới biển không thu hoạch. Bà con nuôi ngao hầu như phá sản bởi giá bán quá rẻ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số thị trường truyền thống của nông sản Quảng Ninh ngưng trệ, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương trong vùng có dịch.
Do ảnh hưởng của Covid-19 nên giá ngao hai cồi từ đầu năm 2020 đến nay luôn ở mức thấp chưa từng có.
Nghệ An: Giá chạm đáy, hàng trăm hecta hành tăm chịu cảnh "nằm ruộng"
Đang là thời điểm chính vụ thu hoạch hành tăm, nhưng trên các cánh đồng chuyên canh ở Nghệ An thưa thớt người. Giá hành tăm rớt xuống chỉ còn 10.000 - 13.000 đồng/kg nhưng vẫn không thể bán, khiến người dân không muốn thu hoạch.
Theo đó, nhiều năm liên tục giá hành tăm tăng cao, dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá hành tăm rớt thê thảm, đầu vụ giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 10.000 – 13.000 đồng/kg. Giá quá thấp nên người dân không muốn thu hoạch. Bởi nếu thu hoạch, với giá hiện tại, người trồng đã lỗ từ 4 - 5 triệu đồng/sào so với những năm trước.
Không chỉ chuyện lỗ hay lãi mà thực tế đầu ra không có, thương lái không đến mua. Nhiều gia đình phải nhổ về nhà cất giữ, chứ để lâu ngoài ruộng sẽ hư hết.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Nhiều năm qua, trồng hành tăm được xem là hướng đi mới của người dân nơi đây, khi người dân biết sử dụng giống phù hợp, chăm bón, gieo trồng đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến hành tăm năm nay rớt giá. Cũng phải thừa nhận rằng, đây là loại cây khó bảo quản, người dân cũng chưa tự liên kết, kết nối đầu ra cho sản phẩm nên cung cao hơn cầu, sản phẩm không những bị rớt giá mà rất khó tiêu thụ”.
Triệt phá kho hàng nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel trị giá hơn 6 tỉ đồng
Ngày 17/3, lực lượng chức năng vừa triệt phá kho hàng tại Vĩnh Hào (Vũ Bản, Nam Định) chứa hàng chục ngàn sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel; phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới chuyển hết số hàng vi phạm.
Theo đó, các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa. Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Tinh vi hơn, nhóm này còn quảng bá có hàng tại khu vực Hà Nội để giới thiệu sản phẩm, tuy nhiên tại đây không có bất cứ sản phẩm nào, đây là chiêu trò để đánh lạc hướng.
Kho hàng này rộng hơn 500 m2, có tới 20.000 - 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây, chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỉ đồng. Theo Tổng cục QLTT, toàn bộ hàng hóa này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong tuần qua, một số mặt hàng giá rẻ bất ngờ vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19.