Nóng tuần qua: Giá ô tô tiếp tục giảm sâu, có xe giảm đến 160 triệu đồng
Các hãng ô tô lại tiếp tục tung ra các chương trình khuyến mại và giảm giá sâu để kích cầu người tiêu dùng.
Ô tô giảm giá tới 160 triệu/xe
Trong cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam từ đầu năm đến nay các hãng và đại lý phân phối xe ô tô liên tục đưa ra những chương trình ưu đãi, giảm giá lớn.
Trong đó phải kể đếm Mazda - một trong những hãng xe giảm giá mạnh nhất trong tháng 5, có xe tổng cả ưu đãi giảm đến 160 triệu đồng. Nhờ nhưng chính sách kích cầu lớn, hãng xe này luôn nằm trong nhóm có kết quả kinh doanh ấn tượng kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Các hãng xe khác cũng giảm giá từ 10 đến 140 triệu đồng, tùy từng loại xe.
Sau 4 tháng đầu năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 101.309 xe các loại. Trong đó, có 71.524 xe du lịch, tăng 55%; 27.914 xe thương mại, tăng 66%; và 1.871 xe chuyên dụng, tăng 51% so với cùng kì năm ngoái.
Mẫu Mazda CX-8 Deluxe đang có tổng ưu đãi lên tới 160 triệu đồng.
Vải thiều đầu mùa: Hà Nội rớt giá, Sài Gòn "cao vút"
Năm nay sức mua giảm mạnh khiến giá vải đầu mùa tại Hà Nội giảm một nửa so với năm ngoái, ngược lại, giá vải thiều ở TP.HCM lại khá chát.
Tại Hà Nội, giá vải thấp nhất chỉ 25.000 đồng/kg, tại chợ đầu mối hoa quả. Còn tại siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch giá dao động từ 52-60.000 đồng/kg, tùy loại.
Còn ở TP.HCM, tại một số chợ, quầy hàng hoa quả, vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đầu mùa đã được bày bán với giá khá cao dao động khoảng 60.000-80.000 đồng/kg.
Thực tế cho thấy, mùa thu hoạch vải thiều dự kiến từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, trong khi dịch COVID-19 đang bùng phát, vấn đề thị trường tiêu thụ mặt hàng này đang được ngành công thương quan tâm giải quyết.
Giá thép liên tục lập đỉnh mới
Giá thép tăng phi mã trên phạm vi toàn cầu trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân từ phía Trung Quốc được cho là lớn nhất.
Trung Quốc, thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu đã có những chính sách tác động đến giá thép. Nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; nhu cầu tiêu thụ thép nội địa của nước này tăng cao do kinh tế phục hồi và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025.
Trung Quốc còn có chính sách giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép.
Ngày 20/5, giá thép đã giảm xuống mức 5.111 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Tại Trung Quốc, giá các mặt hàng thép có xu hướng đi xuống do hoạt động xây dựng dự kiến sẽ chậm lại trong mùa mưa sắp tới.
Trung Quốc đang có những động thái để hạ nhiệt.
Râu bạch tuộc "Nhật Bản" giá siêu rẻ
Râu bạch tuộc khổng lồ “Nhật Bản” đang được rao bán trên chợ mạng với giá chỉ từ 80-120.000 đồng/kg. Giá rẻ kèm những lời quảng cáo có cánh đã thu hút sự quan tâm đặt hàng của đông đảo chị em.
Theo quan sát, mỗi kg được đóng trong túi màu trắng, có từ 5-6 chiếc râu bạch tuộc. Người bán quảng cáo là râu bạch tuộc của Nhật Bản nhưng khi nhận hàng, người mua lại thấy trên bao bì ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Khi hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì người bán hàng không đưa ra được.
Hơn nữa, khi xào hay hấp, loại râu bạch tuộc này rất nhạt, tanh và dai chứ không giòn và thơm ngon như quảng cáo.
Là đơn vị nhập khẩu và phân phối bạch tuộc Nhật Bản tại thị trường Việt Nam, chị Phan Thị Phương, trú tại Quận Tân Bình (TP HCM) cho biết, bạch tuộc Nhật hiện nay được bán khá phổ biến nhưng hàng đảm bảo thì không nhiều.
“Giá râu bạch tuộc Nhật về đến Việt Nam dao động ở mức từ 900-1,1 triệu đồng/kg bởi được sơ chế và bảo quản với tiêu chuẩn nghiêm ngặt để vẫn giữ được hương vị tươi ngon, giòn ngọt mà rất ít loại bạch tuộc khác trên thị trường có được”, chị Phương nói.
Nông dân Đà Nẵng "cay mắt" dù đón một vụ ớt được mùa
Đón một vụ ớt được mùa, cây trĩu trái nhưng những hộ nông dân ở thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại "khóc dở" vì ngại dịch COVID - 19, sức mua giảm nên thương lái không mặn mà thu mua.
Những ngày qua, Hội Nông dân xã Hòa Phong phối hợp với Hội Nông dân TP Đà Nẵng hỗ trợ nông dân “giải cứu” ớt thông qua mạng xã hội zalo. Trước mắt, 1,5 tấn ớt ùn ứ từ đầu mùa dịch đã được Hội Nông dân các quận, các phường cùng một số đơn vị hỗ trợ giải quyết.
Ông Bùi Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, khi có đơn hàng đặt mua, Hội sẽ cùng với Tổ hợp tác phân phối cho các gia đình hái ớt, mỗi gia đình từ vài đến vài chục kg để đảm bảo hộ nào cũng bán được ớt. Trước mắt, lượng ớt ùn ứ thời gian qua đã cơ bản được bán hết.
Tuy nhiên, khác với các nông sản khác, ớt xanh ngày nào cũng phải thu hoạch. Hiện, trung bình mỗi ngày, các hộ ở vùng trồng ớt Bồ Bản thu hoạch khoảng 300kg ớt. Việc hỗ trợ tiêu thụ cũng khó hơn các nông sản khác vì chỉ cần mua 1 – 2kg ớt là một gia đình có thể để ăn cả tháng.
Cua đồng xay sẵn 60.000 đồng/kg liệu có an toàn?
Mỗi kg cua đồng sau khi bỏ yếm, bỏ mai và xay nhuyễn chỉ có giá chỉ từ 60-80.000 đồng/kg đang trở thành loại thực phẩm đắt khách ngày nóng. Tuy nhiên, nhiều người cũng đang lo ngại về chất lượng loại cua này.
Ông Nguyễn Văn Khanh, đại diện đơn vị sản xuất cua đồng xay sẵn ở Đồng Tháp, cho biết mỗi tháng mùa hè, đơn vị này cung cấp ra thị trường từ 20-30 tấn cua đồng xay sẵn và 100% đều là cua đồng tự nhiên.
Ông Khanh cho hay, trước đây, cua ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều và giá chỉ vài nghìn đồng/kg. Thấy nguồn cua dồi dào và rẻ, ông Khanh bắt tay vào xây dựng nhà máy, đầu tư máy móc để sản xuất cua xay sẵn, cung cấp cho thị trường cả nước vào năm 2009.
“Hiện nay, mỗi tháng bên tôi cung cấp ra thị trường từ 20-30 tấn cua xay sẵn. Hầu hết các cửa hàng thực phẩm hay siêu thị cũng đều bày bán mặt hàng này nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm có đầy đủ thông tin, nguồn gốc xuất xứ trên bao bì”, ông Khanh thông tin.
Có những mẫu giảm giá lên đến cả trăm triệu đồng, nhiều người kéo nhau đi mua khiến doanh số bán hàng tăng mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]