Nhiều công ty Trung Quốc hủy đơn hàng mua thanh long hoặc ép giá còn 5.000 đồng/kg
Sản lượng thanh long chưa tiêu thụ được trên địa bàn tỉnh Long An tính đến cuối tháng 2 có thể lên đến 90.000 tấn.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết như vậy tại Hội nghị sở công thương các tỉnh và TP HCM tìm giải pháp tiêu thụ thanh long do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 5-2
Thông tin tại hội nghị, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho hay toàn tỉnh hiện có 9.587 ha trồng thanh long đang cho trái, sản lượng 320.000 tấn.
Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, số liệu thống kê cho thấy Long An còn trên 30.000 tấn thanh long chưa tiêu thụ được. Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể lên đến 90.000 tấn. Trong đó, tồn kho khoảng 2.000 tấn (thời gian bảo quản kho lạnh không quá 30 ngày), số còn lại chưa thu hoạch.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long Long An chủ yếu, chiếm đến 70%-80% tổng sản lượng, phần lớn xuất theo đường tiểu ngạch. Sản lượng còn lại bán cho Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, Newzealand, Ấn Độ, Úc... và tiêu thụ trong nước.
"Đến nay, thanh long xuất khẩu cho các thị trường khác Trung Quốc, có truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn đang bán được 40.000 – 50.000 đồng/kg nhưng thanh long trồng bán cho Trung Quốc chỉ còn 5.000 – 10.000 đồng/kg" – ông Đức thông tin.
Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, quy trình tiêu thụ thanh long trên địa bàn lâu nay là khách Trung Quốc/kho có người Trung Quốc điều hành phát giá, đặt hàng đến kho tại Việt Nam (qua điện thoại, Vchat). Rồi từ kho phát giá đến thương lái (cũng qua điện thoại, Vchat). Sau đó, thương lái đặt cọc cho nhà vườn mà hoàn toàn không có hợp đồng đặt cọc, thu mua nên rủi ro trong thanh toán rất lớn.
UBND tỉnh Long An cùng các tỉnh, thành phía Nam tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thanh long trong điều kiện doanh nghiệp Trung Quốc hủy đơn hàng do ảnh hưởng dịch bệnh
Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp bởi virus corona chủng mới (nCoV) diễn biến phức tạp, Trung Quốc tiếp tục tạm ngừng giao dịch từ ngày 31-1 đến 8-2, hàng trăm xe container thanh long, dưa hấu Việt Nam đang xếp hàng ở cửa khẩu Lào Cai cả tuần nay.
"Tình hình tiêu thụ thanh long hiện đặc biệt khó khăn. Với lý do dịch bệnh không bán được hàng, khách hàng lớn ở Trung Quốc là Công ty Hồng Thái Dương (mua khoảng 30%-40% sản lượng thanh long ở Long An) đã hủy khoảng 300 container (khoảng 15 tấn/container, giá đặt mua 40.000-50.000 đồng/kg) giao hàng từ 27-1 đến 29-2. Thay vào đó, công ty này chỉ hỗ trợ 4.000 đồng/kg cho nông dân nhưng không nhận hàng. Các DN Việt Nam phải chấp nhận hủy đơn hàng vì phía khách hàng Trung Quốc còn nợ trên 100 tỉ đồng và họ gây áp lực, nếu không chấp nhận họ sẽ không qua mua nữa. Công ty Phú Quý cũng của Trung Quốc đã hủy đơn hàng cũ khoảng 200 container, rồi ép giá mua mới tại kho xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg" - ông Đức lo ngại.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, cho hay với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg hiện nay, bà con trồng thanh long đang lỗ nặng bởi giá thành 1 kg thanh long trong mùa nghịch này lên đến 12.000 – 15.000 đồng/kg. Hiệp hội kiến nghị chính quyền có giải pháp hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường mới để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở mua, chế biến về vốn vay, gia hạn nợ vay, giảm lãi vay, giảm thuế... để tiếp tục kinh doanh; hỗ trợ các cơ sở trong thương mại quốc tế.
"Các HTX cũng mong muốn tìm hướng đi khác cho trái thanh long để thoát phụ thuộc thị trường Trung Quốc. HTX đồng ý làm theo hướng thanh long sạch, lấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP nhưng chi phí cho mỗi chứng nhận khoảng 100-500 triệu đồng, thời hạn chứng nhận chỉ 1-2 năm. Số tiền đầu tư không nhỏ, trong khi đầu ra chưa bảo đảm, không chắc chắn sẽ tiêu thụ được sản phẩm tốt hơn, giá cao hơn. Vì vậy, kiến nghị chính quyền hỗ trợ nông dân lấy các chứng nhận này để cải thiện sản xuất" – ông Trịnh nói.
Người đứng đầu ngành công thương tỉnh Long An cho rằng hướng sắp tới phải làm sao tăng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; có hợp đồng thu mua, giá ổn định. Đối với thị trường chính là Trung Quốc, kiến nghị Chính phủ xây dựng trung tâm phân phối thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc để làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro cho nông dân lẫn DN xuất khẩu Việt Nam và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam phân phối ổn định tại thị trường Trung Quốc. Riêng tại thị trường nội địa, rất cần chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước
Theo Hiệp hội thanh long Long An, tỉnh có khoảng 15 cơ sở có bán thanh long trực tiếp sang Trung Quốc; còn lại gia công đóng gói cho các kho có người Trung Quốc điều hành (khoảng 20 kho có người Trung Quốc điều hành nhưng pháp lý là người Việt).
Hiện nay, lá này không chỉ được dùng trong nước mà còn "xuất ngoại" mang về nhiều tiền.
Nguồn: [Link nguồn]