Nhãn, thanh long và loạt nông sản rớt giá thảm: Nhiều nhà vườn nguy cơ trắng tay
Do các tỉnh, thành thực hiện chỉ thị 16, đi lại khó khăn khiến hàng loạt trái cây là nông sản, đặc sản đang vào mùa thu hoạch rớt giá thảm. Không tìm được đầu ra, nhiều nhà vườn nguy cơ trắng tay.
Thanh Long 2.000 đồng/kg cũng không bán nổi – chủ vườn nguy cơ trắng tay
Anh Ngô Hoài Công, nông dân ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cũng như nhiều hộ trồng cây thanh long ở địa phương này đang lo âu vì vườn cây đang chín đỏ nhưng thương lái từ chối thu mua. Anh Công cho biết, nếu tuần sau bán không được trái thanh long sẽ phải cắt bỏ để bảo vệ vườn cây.
“Khi cây mới có nụ thì thương lái vô nói mua, bây giờ lái mới điện thoại nói là kho đóng cửa nên không mua được. Thanh long của tôi chín rồi, chắc 3-4 ngày nữa cắt được, còn ở xóm này nhiều lắm. Nếu 1 tuần nữa mà thương lái không mua thì cắt bỏ, lỗ trắng tay” - anh Công nói.
Tại Tiền Giang, thanh long chín đỏ ối vườn nhưng không có thương lái thu mua
Ông Nguyễn Văn Tư Em, chủ cơ sở thu mua trái thanh long tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết, đã đóng cửa kho thanh long 10 ngày nay vì sợ lây lan dịch bệnh Covid-19. Vườn cây thanh long của gia đình ông cũng đang bị bế tắc đầu ra.
“Bây giờ xe đi khó khăn, vất vả, tài xế cũng không dám đi nữa. Người trồng bây giờ bán không được thì lỗ. Giá thanh long đỏ, trắng nay thấp lắm, còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Số lượng người mua ít quá đi nên tiêu thụ không hết, bị đọng hàng” - ông Tư Em chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua trái thanh long tạm ngưng đóng cửa, nên đầu ra trái cây này gặp khó khăn. Nhiều hộ dân trồng cây thanh long ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước của tỉnh Tiền Giang đang gặp khó khăn do phải loay hoay tìm kiếm đầu ra.
Nhãn rớt giá quá nửa
Mấy ngày gần đây, tại tỉnh Bến Tre, trái nhãn xuồng bị giảm giá quá nửa và thị trường tiêu thụ chậm. Trước đây, thương lái đến tận vườn mua nhãn, giá trên 20.000 đồng/kg, nay giá chỉ còn hơn 9.000 đồng/kg và rất ít người mua.
Chỉ tính riêng tại cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại có khoảng 200 ha nhãn xuồng trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP đã vào mùa thu hoạch nhưng đầu ra cũng rất chậm. Hàng chục tấn nhãn chín đang cần đầu ra.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: “Giá nhãn thì 9.000 -10.000 đồng/kg, lúc này ế lắm. Nói chung, hợp tác xã, đoàn thể và cán bộ đi kêu gọi, các lái truyền thống giải cứu dùm. Nhãn này đâu có để lâu được, có mưa đêm là rụng, thối hết”.
Nhiều hộ trồng nhãn cũng gặp khó vì giá giảm mỗi ngày
Không chỉ nhãn miền Nam, nhãn tại một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Hà Nam, Sơn La hiện cũng đang chín rộ, tuy nhiên các nhà vườn cho biết do khó khăn trong đầu ra nên giá bán mỗi ngày một giảm.
“Đầu vụ thương lái thu mua tại vườn giá 25.000 đồng/kg, giữa vụ còn 18-20.000 đồng/kg, nhưng khi Hà Nội thực hiện chỉ thị 16 thì giá nhãn còn 5 – 7.000 đồng/kg tùy loại. Nhiều hộ nhãn chín rất nhiều nhưng không biết bán cho ai” – ông Ngô Văn Chín, Lý Nhân, Hà Nam cho hay.
Chanh thương phẩm chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg
Tại Tiền Giang, những hộ gia đình trồng chanh như ông Nguyễn Văn Rô ở ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đều chung tâm trạng buồn lo vì vườn chanh đã chín rộ nhưng không có thương lái đến thu mua. Nhiều cây chanh trái chín vàng, rụng xuống mặt đất.
“Chanh đang dịp chín rộ và trùng thời điểm thu hoạch nhưng ít có thương lái hỏi mua và trả giá rất thấp. Không có mối bán khiến nhiều nhà vườn gặp khó vì vẫn phải thu hoạch lại tốn thêm chi phí. Với giá bán hiện nay, các nhà vườn sẽ không có vốn liếng để đầu tư lại. Mọi người chỉ mong giải thoát trái chanh để bù công hái, vận chuyển vì tính đến giờ là không có lãi, nếu để chanh chín rụng sẽ làm suy cây”, ông Nguyễn Văn Rô xót xa.
Trên địa phương hiện chỉ một vài nhà vườn bán được chanh do các nhà hảo tâm, mạnh thường quân mua tặng cho người dân vùng dịch, nhưng giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (bao gồm cả chi phí thu hoạch và vận chuyển lên xe). Mức giá này thì chỉ đủ chi phí thu hoạch chanh. Theo nông dân, giá chanh phải được trên 5.000 đồng/kg thì mới có lãi.
Được biết, từ khi TP.HCM và các địa phương lân cận thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, việc tiêu thụ trái chanh ở tỉnh Tiền Giang chậm lại. Nhiều thương lái ngoài tỉnh gặp khó khăn khi đưa phương tiện đến vùng nguyên liệu thu mua chanh. Một số doanh nghiệp chế biến mặt hàng trái chanh cũng ngưng hoạt động.
Ớt chín còn 3 – 4.000 đồng/kg
Trước đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, giá ớt cũng rớt mạnh, từ 23.000-27.000 đồng/kg còn khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, khiến nhiều người dân ở các huyện trồng ớt trên địa bàn tỉnh lao đao.
Do giá ớt quá rẻ, người dân để ớt chín rụng ngoài đồng
"Tiền công hái ớt còn cao hơn tiền bán ớt. Không có người mua nên người dân đành để ớt chín rụng ngoài đồng" - ông Nghiêm nói.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang tồn đọng nhiều loại nông sản với số lượng lớn. Đơn cử như khoai lang tím nhật đang tồn đọng với sản lượng 8.494 tấn do chủ yếu thương lái không thu mua hoặc thu mua rất ít.
Tập đoàn Vina T&T Group – một trong những công ty chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ, cũng đối mặt với nhiều trở ngại về thu hoạch, vận chuyển khiến sản lượng xuất khẩu giảm tới 50%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T Group, thông tin thêm hiện nay nhiều loại trái cây đang vào vụ thu hoạch nhưng các doanh nghiệp khó giữ được việc thu mua xuất khẩu như bình thường. Vì hiện nay hầu hết các tỉnh, thành ĐBCSL đã giãn cách theo Chỉ thị 16 và hạn chế ra đường sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, nên khâu thu hoạch nông sản thực sự rất khó khăn. Đối với mặt hàng trái cây, nguồn cung đang vượt cầu trong khi lại thiếu nhân công thu hoạch nên ùn ứ, rớt giá.
“Hiện nhân công đi thu hoạch trái cây thiếu vì vừa lo dịch vừa sợ bị phạt. Theo tôi, lúc này các địa phương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thu hoạch, thu mua, vận chuyển các mặt hàng… để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đúng và không bị phạt” - ông Tùng đề xuất.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay đã có đề xuất huy động quân đội vào thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, vấn đề này cũng khó khăn vì việc thu hoạch phải có tay nghề để đảm bảo các sản phẩm như trái cây không bị xước, dập, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thứ trưởng Nam cũng yêu cầu các sở NN&PTNT triển khai tập hợp danh sách công nhân, nông dân cần ra đồng tiếp tục sản xuất, thu hoạch sản phẩm để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, Sở NN&PTNT địa phương cần có đường dây nóng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp; tạo điều kiện tiêm vaccine cho những đối tượng này.
Nhìn chúng hệt những con sâu nhưng lại được nuôi để làm thức ăn hàng ngày với giá đắt hơn thịt lợn. Bởi nhiều người...
Nguồn: [Link nguồn]