Nhà hàng, quán ăn chịu cảnh đìu hiu do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến việc kinh doanh của các nhà hàng, quán ăn chịu ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các địa điểm phục vụ ăn uống dù vẫn cố duy trì nhưng đều chịu cảnh vắng vẻ, thưa thớt khách ra vào.
Thông tin có ca nhiễm có trong cộng đồng khiến người dân không khỏi lo sợ trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp. Những ngày gần đây, tình hình kinh doanh của các nhà hàng, quán ăn trực tiếp bị ảnh hưởng. Các nhà hàng vẫn mở cửa đón khách và chấp hành quy định phòng chống dịch nhưng doanh thu không mấy khả quan.
Cả nhà hàng vắng vẻ đìu hiu trong những diễn biến phức tạp của COVID-19.
Ghi nhận của PV Báo Gia đình và Xã hội trong những ngày gần đây, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các con phố của thủ đô như Hồ Tùng Mậu, Nghĩa Tân, Nguyễn Khánh Toàn... vốn nhộn nhịp nay đều rơi vào cảnh vắng khách. Nhiều chủ kinh doanh cho biết doanh thu không đủ tiền vốn nhân viên và chi phí điện nước bỏ ra.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do người dân lựa chọn ăn tại nhà để đảm bảo an toàn y tế và tránh tiếp xúc nhiều người. Các quán đồ ăn vặt cũng thưa thớt khách vì học sinh, sinh viên đang thực hiện học trực tuyến tại nhà, không thường xuyên tụ tập như thường ngày.
Theo thống kê của quản lí nhiều nhà hàng, tổng số khách hàng đến ăn tại các nhà hàng, quán ăn giảm khoảng 50% đến 70% so với thời điểm bình thường, thậm chí có những quán ăn cả ngày không có một bóng khách. Dù đã tăng cường hoạt động quảng cáo trên các fanpage, nhân viên cũng đứng ở trước cửa để mời chào khách hàng nhưng các nhà hàng vẫn không “vớt vát” được tình hình.
Không chỉ ban ngày mà ngay cả buổi tối các quán ăn đều rơi vào cảnh đìu hiu.
Chị Nguyễn Hà Thu, chủ quán ăn Hàn Quốc Simisi (tại số 18 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Như các đợt dịch trước, việc dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của quán chúng tôi. Khi công bố có ca nhiễm trong cộng đồng thì khách đến quán đã vắng đi một chút. Quán kinh doanh đồ ăn Hàn Quốc nên phần lớn khách hàng đều là các bạn sinh viên. Mấy ngày trước còn đúng dịp lễ, sinh viên đều về quê và được thông báo học trực tuyến ngay sau đó nên quán chúng tôi giảm mất 1/3 doanh số bán hàng. Ban ngày, chúng tôi thường không có khách, đến tối mới có một vài người đến ăn”.
Hiểu được tâm lý ngại đến nơi công cộng của khách hàng, nhiều quán ăn đã đẩy mạnh các chương trình ưu đãi đối với hình thức đặt hàng qua mạng để thu hút nhiều khách hàng và bù lại doanh thu.
Chị Vương Hải Yến (SN 1995, nhân viên phục vụ tại quán Bánh tráng trộn Quang Đăng tại phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Đang mùa dịch nên ai cũng ngại đến những chỗ đông người. Hầu hết các quán ăn trong khu vực đều gặp tình trạng như chúng tôi. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể đặt hàng trên mạng và chúng tôi sẽ giao tới tận nơi. Quán chúng tôi phục vụ cho những khách hàng có nhu cầu đặt hàng online qua Foody, Now, Baemin hoặc qua fanpage của quán.
Khung cảnh tương tự ở một nhà hàng bán đồ ăn vặt cho sinh viên.
Bên cạnh đó, trên các phần mềm đặt hàng cũng có nhiều mã giảm giá, ưu đãi cho khách hàng do tối giảm được chi phí nhân viên phục vụ trực tiếp tại quán. Lượng khách hàng đặt hàng qua mạng vẫn ổn định nên doanh thu của chúng tôi được bù lại phần nào”.
Tình trạng vắng khách không ngoại lệ đối với bất cứ quán ăn nào tại Hà Nội. Các nhà hàng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch và đảm bảo an toàn cho khách hàng. Nhân viên được nhắc nhở phải luôn đeo khẩu trang trong giờ làm việc, hạn chế tiếp xúc quá gần với khách hàng, nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở phải lập tức báo cho quản lý. Các quán ăn trang bị dung dịch sát khuẩn, thực hiện kê bàn ghế theo đúng quy định.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết đang căng mình theo dõi tình hình dịch Covid-19 để lên phương án ứng phó khi khách tính...
Nguồn: [Link nguồn]