Người dân “méo mặt” vì giá thực phẩm thiết yếu tăng vù vù

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá thành các mặt hàng thực phẩm từ chợ dân sinh đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có xu hướng tăng trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở ngưỡng cao kỷ lục. Trong đó, các mặt hàng tươi sống và đông lạnh nhập khẩu có xu hướng tăng mạnh nhất.

Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao đạt ngưỡng kỷ lục, phần lớn các ngành nghề liên quan đều chịu ảnh hưởng. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp vận tải khách, vận tải hàng hóa liên tục đưa ra thông báo thay đổi giá cước, tăng từ 10 – 20% so với trước đây.

Theo đó, giá hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cũng có xu hướng tăng từ 5-10%. Trong thông báo mới đây, đại diện AEON Việt Nam, ông Bùi Trung Chính – Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng Thực phẩm – cho biết doanh nghiệp này đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp khi giá xăng liên tục điều chỉnh. Cụ thể đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn, ..), khoảng 5% nhà cung cấp đề nghị tăng giá với mức tăng trung bình từ 5-10%.

Riêng đối với các mặt hàng tươi sống và đông lạnh, đề xuất tăng giá đa phần cho các mặt hàng nhập khẩu do ảnh hưởng của sự thiếu hụt nhân công toàn thế giới, chi phí vận chuyển qua đường hàng không và đường biển cũng tăng cao tác động đến giá cả hàng hóa trong dài hạn. AEON Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm thêm các sản phẩm hàng nội địa chất lượng với mức giá cả hợp lý có thể thay thế cho các mặt hàng này.

Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết, thời gian gần đây liên tục nhận được đề suất tăng giá từ nhiều đối tác cung cấp hàng hoá khi giá xăng liên tục tăng cao.

Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết, thời gian gần đây liên tục nhận được đề suất tăng giá từ nhiều đối tác cung cấp hàng hoá khi giá xăng liên tục tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail cho biết: “Xăng dầu liên tục tăng giá trong thời gian sau Tết Nguyên đán đã ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hàng cho siêu thị, nhất là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. Ở góc độ nhà bán lẻ, chúng tôi rất khó đoán định mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, bà Vân cũng cho biết thêm, với tư cách là nhà bán lẻ có trách nhiệm với xã hội, đại diện Central Retail đã và đang có nhiều nỗ lực thương lượng giá hàng ngày với các đối tác, để cùng nhau đề xuất mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. 

Không chỉ các mặt hàng trong siêu thị, cửa hàng lớn, thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh cũng có xu hướng tăng chóng mặt. Theo khảo sát của phóng viên tại chợ Cầu Giấy, chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội); chợ Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội); chợ Ngô Sỹ Liên (Đống Đa, Hà Nội)… nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt lợn, thịt bò, gà, đồ khô… hàng hóa vẫn rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh so với trước.

Cụ thể, giá các loại rau xanh đều tăng mạnh, có loại tăng lên gấp 2-3 lần như: súp lơ từ 15.000 đồng/cây lên 20.000 đồng/cây; bắp cải từ 10.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, xà lách 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau cần 6.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, bí xanh 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, su hào từ 5.000 đồng/củ lên 9.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ, cà chua giá từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg…

Các mặt hàng thịt và hải sản cũng tăng giá. Cụ thể: thịt nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn từ 100.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy kích cỡ); tôm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại (tăng 30.000 đồng/kg). Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 240.000 - 350.000 đồng/kg; thịt gà 130.000 đồng-150.000 đồng/kg…

Theo lý giải của tiểu thương tại các chợ truyền thống, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển cũng đội lên dẫn đến các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu tăng theo. 

Nhiều người tiêu dùng cho biết, thời điểm hiện tại nếu cầm 200.000 đồng đi chợ có khi không đủ tiền mua đủ thực phẩm cho một bữa ăn.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, thời điểm hiện tại nếu cầm 200.000 đồng đi chợ có khi không đủ tiền mua đủ thực phẩm cho một bữa ăn.

Chị Mai Trang, một tiểu thương tại chợ Dịch Vọng cho biết: sau khi tăng giá, lượng hàng bán ra đã giảm đi khoảng 30-40% so với trước. Thay vì bình thường khách hàng đi chợ sẽ mua 1 kg thịt, nhưng do giá tăng nên người nội trợ chỉ mua 6-7 lạng để giảm chi tiêu.

Thực tế cho thấy, việc xăng dầu tăng giá cũng thay đổi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng: chú trọng các sản phẩm nhu yếu phẩm và hạn chế đối với nhiều mặt hàng không thiết yếu. 

Để hỗ trợ người tiêu dùng trong thực trạng giá cả leo thang, các Trung tâm Bách hóa tổng hợp, hệ thống siêu thị lớn như GO!, Big C… trên toàn quốc đã triển khai thêm nhiều chương trình giảm giá hỗ trợ khách hàng, áp dụng “Siêu tiết kiệm”, giảm giá đến 50% đối với 390 sản phẩm: thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang… 

Trước đó, nhiều bên vận tải cũng đã tăng giá cước sau thời gian theo dõi tình hình. Hiện, chi phí cho xăng dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Grab đã thông báo tăng cước tất cả các dịch vụ từ 10/3. Họ sẽ tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với biểu giá cũ. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng.

Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó. Vài ngày sau, GoJek cũng tuyên bố sẽ tăng giá các dịch vụ của mình từ 14/3. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thúy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN