Người dùng nhiều điện chưa chắc đã giàu, dùng ít điện không hẳn là nghèo
Nhấn mạnh không phải tất cả những hộ sử dụng nhiều điện là "không tiết kiệm điện", hay thuộc diện "người giàu", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị mục tiêu "an sinh xã hội" trong việc xây dựng biểu giá điện cần phải xem xét lại để khách quan, minh bạch hơn; ngành điện chỉ nên tập trung vào việc sản xuất điện, bảo đảm chất lượng, môi trường và kinh doanh hiệu quả.
Ngày 20-8, tại tọa đàm "Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế đã nêu nhiều quan điểm về việc duy trì biểu giá điện bậc thang hay sử dụng điện một giá. Đây là vấn đề được các chuyên gia, người dân quan tâm sau khi Bộ Công Thương công bố dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến.
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), cho rằng với biểu giá điện bậc thang đang áp dụng hiện nay, khi xây dựng, cơ quan quản lý đã hướng đến nguyên tắc khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, đây là nhóm đối tượng vốn được mặc định là dùng ít điện. Bên cạnh đó, càng dùng nhiều phải dùng giá càng cao.
"Tuy nhiên, trên thực tế thì không hẳn như vậy. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp song họ có thu nhập cao. Như vậy, người dùng nhiều điện chưa chắc đã giàu, người dùng ít điện không hẳn là nghèo. Do đó, quan điểm về điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế" - ông Duệ nêu quan điểm.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng có gia đình đông người, dùng điện nhiều, không thế nói là họ sử dụng không tiết kiệm, lãng phí được
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cũng nhấn mạnh không phải tất cả những hộ sử dụng nhiều điện là "không tiết kiệm điện", hay thuộc diện "người giàu". Bởi theo ông Thịnh, có những gia đình 3-4 thế hệ ở cùng nhau, đông người, nên lượng điện tiêu thụ lớn, nếu chia ra đầu người thì không phải họ sử dụng lãng phí.
Chính vì vậy, ông Thịnh cũng kiến nghị mục tiêu "an sinh xã hội" trong việc xây dựng biểu giá điện cần phải xem xét lại để khách quan, công bằng, minh bạch hơn.
"Đối với các hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có các khoản hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Theo quy định hiện hành, các hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng. Việc hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ sử dụng tối thiểu của người dân và khả năng có thể đáp ứng của ngân sách Nhà nước, được chuyển thẳng tới người thụ hưởng. Ngành điện chỉ nên tập trung vào công việc của mình là sản xuất điện, bảo đảm các chỉ tiêu về chất lượng, về đảm bảo môi trường và kinh doanh hiệu quả" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Ông Nguyễn Minh Duệ cũng cho rằng trong xây dựng cơ cấu biểu giá điện, phải rất rõ ràng về mục tiêu an sinh xã hội, cần phân biệt như thế nào là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, không thể dựa hoàn toàn vào số điện sử dụng, bởi không phản ánh đúng thực tế.
Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xin rút phương án 2A và 2B có lựa chọn phương án điện 1 giá, dự thảo cơ...
Nguồn: [Link nguồn]