Người đàn ông thu hàng trăm triệu/năm từ con vật đặc sản quê hương
Từ con vật đặc sản của quê hương, người đàn ông đã nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm và đem về cho anh thu nhập đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi cua Cà Mau, anh Nguyễn Việt Bắc (38 tuổi, trú tại xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) từ nhỏ đã gắn bó với loài đặc sản quê hương. Từ khi còn là học sinh, anh đã nuôi dưỡng ước mơ học ngành thủy sản để phát triển mô hình nuôi cua của quê nhà.
Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Bắc theo học ngành nuôi trồng thủy sản tại Đại học Cần Thơ và tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành này. "Học xong thạc sĩ, tôi dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu và sản xuất cua giống. Tôi cũng tìm rất nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ấu trùng khiến cua chết sớm nhưng đều không thành công. Tôi đã học tiến sĩ để nâng cao kiến thức và tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên", anh Bắc chia sẻ.
Hoàn thành chương trình tiến sĩ, anh Bắc trở về Cà Mau và tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi cua. Hiện tại, anh đang công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau và đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu nhằm cải thiện mô hình nuôi cua biển. Một trong những đề tài đầu tiên của anh là nuôi vỗ béo cua biển bằng hệ thống tuần hoàn nước, bao gồm các bước xử lý nước đầu vào bằng đèn UV, xử lý nước nuôi bằng vi sinh và xử lý nước thải ra ngoài bằng thực vật.
Anh Bắc giải thích, mô hình nuôi cua biển vỗ béo gồm ba giai đoạn chính: làm sạch cua, vỗ béo tích cực và nâng cao chất lượng thịt cua. Cua trong quá trình nuôi được cho ăn các loại nhuyễn thể, giáp xác, cá tạp và thực vật như nấm bào ngư xám hoặc mầm lúa, từ đó tạo ra sản phẩm cua có giá trị dinh dưỡng cao.
Anh Bắc đem các sản phẩm của mình giới thiệu cho khách hàng.
Không dừng lại ở đó, sau thành công của dự án vỗ béo cua biển, anh Bắc tiếp tục triển khai các dự án nuôi thâm canh nhiều loại cua như: cua cốm, cua lột, cua gạch và cua thịt. Sau đó, anh cùng nhóm nghiên cứu nuôi thâm canh các loại cua với hình thức tập trung ứng dụng công nghệ.
Đầu năm 2023, anh Bắc cùng nhóm nghiên cứu cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới như cua cốm, cua lột, cua gạch soi đèn và các sản phẩm chế biến từ cua như chả cua và thịt cua chà bông. Các sản phẩm này không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn giúp tiêu thụ gần 1 tấn cua trong vòng 6 tháng đầu năm.
Anh Bắc tâm sự: “Những con cua yếu hay gãy càng... nếu cứ thế đem bán thì giá rẻ lắm nên tôi đã nghĩ ra cách gỡ lấy phần thịt cua để làm chả cua và thịt cua chà bông để nâng giá trị của chúng lên. Món chả cua có giá 340.000 đồng/kg (30% thịt cua), chà bông cua 3 triệu đồng/kg”.
Trong tương lai, anh Bắc dự định tập trung vào việc sản xuất cua cốm cỡ nhỏ, trọng lượng từ 100 - 120 gram mỗi con, để bán ra thị trường với giá chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Mục tiêu của anh là giúp nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, cũng có cơ hội thưởng thức đặc sản cua biển.
Ngoài ra, anh còn liên kết với hơn 200 hộ nuôi cua tại xã Tân Tiến, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống chất lượng và cam kết bao tiêu sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tâm, một hộ nuôi cua tại xã Tân Tiến, nhận xét: “Theo tôi tìm hiểu, mô hình nuôi cua của anh Bắc hay và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi cũng đã áp dụng và thấy khá hiệu quả. Khi giá cua biển tăng, người dân bắt cua mềm hoặc yếu gạch để nuôi vỗ béo cho đến thời điểm thích hợp mới bán".
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, cũng đánh giá cao mô hình của anh Bắc. Ông cho rằng đây là mô hình sáng tạo, có tiềm năng nhân rộng để phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại quả rừng này hiện đang vào mùa, mấy năm nay được người thành phố "săn lùng".