Người dân "đổ xô" mua thực phẩm tích trữ, ngành hàng tiêu dùng doanh thu tăng đột biến
Với việc người dân liên tục “đổ xô” mua thực phẩm tích trữ phòng dịch Covid-19 đã giúp cho ngành hàng tiêu dùng nhanh hưởng lợi lớn trong 3 tháng đầu năm 2020.
Trong tháng 3/2020, người dân cả nước có tới hai thời điểm “đổ xô” đi mua lương thực và thực phẩm tích trữ. Lần đầu tiên là khi Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 vào tối ngày 6/3. Lần thứ hai vào ngày 31/3 trước khi cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện lệnh cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Chị Trâm, chủ một siêu thị mini tại Quận Hoàng Mai – Hà Nội, cho biết trong hai thời điểm này cửa hàng nhà chị đông nghẹt người tới mua sắm hàng hóa tích trữ. Những mặt hàng tiêu dùng nhanh như mì tôm, phở gói, thực phẩm đóng hộp, xúc xích, đồ ăn nhẹ,... được người dân khuân sạch. Chị tiết lộ, có những gia đình đã mua tích trữ cả chục thùng mì, phở gói các loại, đơn hàng lên tới vài triệu đồng.
Người dân Hà Nội đã “đổ xô” đi mua thực phẩm tích trữ trước thời điểm thực hiện lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Tương tự, chị Loan (ở Thanh Trì – Hà Nội) cũng cho biết doanh thu từ các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại cửa hàng tạp hóa nhà chị cũng tăng từ 200-300% so với ngày thường trong hai thời điểm trên.
Tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng hàng nghìn người tới mua sắm và tích trữ hàng hóa. Nhân viên các siêu thị phải hoạt động hết công suất để vận chuyển hàng mới lên kệ, hỗ trợ người dân mua hàng. Nhiều khách hàng cho biết họ phải chờ đợi rất lâu để đến lượt thanh toán.
Cả chị Trâm và chị Loan cũng cho biết trong thời gian từ đầu tháng 4/2020, thực hiện lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sức mua của người dân trong khu vực có giảm. Tuy nhiên, những ngày gần đây nhiều mạnh thường quân và tổ chức thực hiện những chương trình từ thiện, cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm tới những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nên một lần nữa những mặt hàng tiêu dùng nhanh gồm mì gói, thực phẩm đóng hộp, xúc xích,... lại được tiêu thụ nhiều hơn.
Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi trong việc mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam cũng như những yêu cầu mới của thị trường.
Theo đó, nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn như đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn; các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em có chiều hướng tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như: mì và các sản phẩm ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ, nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, những mặt hàng chăm sóc cá nhân cũng được người tiêu dùng tích trữ nhiều trong 3 tháng đầu năm 2020
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt cũng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như mì ăn liền (tăng 67%), thực phẩm đông lạnh (+40%) và xúc xích tiệt trùng (+19%).
Bên cạnh đó, ngành chăm sóc vệ sinh cá nhân tăng 78%, sản phẩm chăm sóc cơ thể tăng 45% và khăn giấy tăng 35%. Cùng với đó, các mặt hàng ngành chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn.
Trong thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội, tần suất đi mua sắm giảm đi, thay vào người dân có xu hướng mua sắm nhiều hơn mỗi khi mua hàng. Người dân cũng hạn chế mua sắm tại kênh bán lẻ truyền thống. Những hệ thống bán lẻ hiện đại được lựa chọn nhiều hơn do có thể cung cấp đa dạng sản phẩm và rất nhiều chương trình hỗ trợ phòng chống dịch bệnh như giao hàng tận nhà, giá ổn định.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Trong đó, riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước khi hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Với mong muốn sớm tìm được người mới thế chân hợp đồng thuê mặt bằng đã ký cùng chủ nhà, nhiều chủ cửa hàng...
Nguồn: [Link nguồn]