Nghịch lý: Giá xăng nhảy múa, xe khách vẫn ngại tăng giá

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

"Xăng tăng thì giá xe tăng, nói thì là vậy nhưng có phải thế đâu. Bây giờ mà tăng vé xe thì có khi còn chẳng có khách mà chạy ấy chứ", tài xế xe liên tỉnh chia sẻ.

Chiều 18/3, anh Hoàng Xuân Vỹ (tài xế xe chạy tuyến Hà Nội – Yên Bái) ngồi trầm ngâm trên ghế lái, mắt dán vào chiếc điện thoại trên tay lướt mạng xã hội để giết thời gian. Khi được hỏi về tình hình giá vé xe khách, nam tài xế này còn không buồn ngước mặt lên nhìn, buông một câu với giọng chán nản: “Giá vé ấy hả? Vẫn vậy thôi”.

Thắc mắc tại sao giá xăng dầu tăng “vù vù” mà giá xe khách vẫn chưa tăng, anh Vỹ giải thích: “Xăng tăng thì giá xe tăng, nói thì là vậy nhưng có phải thế đâu. Bây giờ mà tăng vé xe thì có khi còn chẳng có khách mà chạy ấy chứ. Mà biết thế nào mà tăng, thôi mong nay mai xăng giảm cho chúng tôi được nhờ, chứ khó khăn lắm.”

Không chỉ riêng xe anh Vỹ, bên cạnh những doanh nghiệp mạnh tay tăng giá cước theo xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải đang ngần ngại khi muốn tăng giá cước bởi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, tăng giá cước cũng khó mà không tăng giá... cũng khó.

Theo Sở GTVT Hà Nội, đến hết ngày 17/3, trong số 12/15 doanh nghiệp taxi trên địa bàn đăng ký lại giá có 5 doanh nghiệp đăng ký lại giá cũ, không tăng giá; 1 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cho 2 loại xe i10 và Kia Morning khi gọi xe ứng dụng công nghệ từ 10-15%. Chỉ có 6 doanh nghiệp taxi khác tăng giá từ 5-12%.

Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định cũng chỉ có 4/13 doanh nghiệp đăng ký lại giá, tăng từ 11-22%.

Trong vận tải ô tô, nhiên liệu luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất với 35 - 40% trong giá thành vận tải. (Ảnh: Trọng Tùng)

Trong vận tải ô tô, nhiên liệu luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất với 35 - 40% trong giá thành vận tải. (Ảnh: Trọng Tùng)

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát xác nhận đến nay Ban quản lý bến xe này chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải xe khách liên tỉnh có văn bản thông báo điều chỉnh tăng giá vé.

Đại diện Bến xe Mỹ đình - bến xe khách nổi tiếng có quy mô lớn và hiện đại nhất tại thủ đô Hà Nội cũng chia sẻ tình trạng trên.

“Giá xăng dầu tăng cao chắc chắn đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải, khiến chi phí đầu vào tăng lên rất nhiều. Nhiều đơn vị vận tải hành khách tại bến xe Mỹ Đình cũng đang tính toán lại các chi phí và có lẽ cũng có hướng điều chỉnh tăng giá vé xe khách để bù lỗ. Tuy nhiên, đến hiện tại chúng tôi chưa nhận được văn bản thông báo điều chỉnh tăng giá vé của doanh nghiệp nào cả,” ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình chia sẻ.

Ngại tăng giá vì... ít khách

Một trong những lý do tạo nên “thế khó” của các doanh nghiệp vận tải chính là do sự sụt giảm nghiêm trọng của lượng hành khách.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) mặc dù đến nay, hoạt động vận tải đã cơ bản trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, do tâm lý phòng chống dịch, nên lượng hành khách chưa hồi phục hoàn toàn.

Theo đó, số tuyến vận tải đường bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi rất ít hành khách đi lại, dẫn đến một số tuyến các doanh nghiệp vận tải hành khách không thể tổ chức hoạt động bình thường.

“Lượng hành khách thực sự rất vắng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhà xe “chần chừ” trong việc tăng giá cước bởi tăng giá thì xác định khách đã vắng lại càng vắng hơn và giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trên cùng một tuyến, các nhà xe thường trông vào nhau mà quyết định có tăng giá hay không.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tần suất khai thác xe khách tại bến chỉ đạt chưa đến 50% và lượng hành khách trung bình cũng chỉ đạt mức 3,5 khách/ 1 xe. Doanh nghiệp vận tải đang thực sự vất vả”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát thông tin.

Tại Bến xe Giáp Bát, số xe khách duy trì hoạt động chưa đến 50% với lượng khách trên mỗi xe rất thấp. (Ảnh: Trọng Tùng)

Tại Bến xe Giáp Bát, số xe khách duy trì hoạt động chưa đến 50% với lượng khách trên mỗi xe rất thấp. (Ảnh: Trọng Tùng)

Không giấu nổi sự lo lắng, ông Lê Xuân Long, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Thanh Hóa cho biết hiện nay do đang trong giai đoạn phục hồi hoạt động vận tải nên lượng khách rất hạn chế đặc biệt kể từ sau Tết Nguyên đán với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương miền Bắc nên lượng khách càng suy giảm mạnh. Người dân hạn chế nhu cầu đi lại và cũng ưu tiên sử dụng các phương tiện cá nhân nhiều hơn thay vì sử dụng các phương tiện vận tải lớn.

“Nhiều nhà xe xác định nằm chờ vì hoạt động không hiệu quả, những đơn vị còn hoạt động cũng chỉ duy trì được 20-30% công suất bình thường. Chúng tôi cũng đã tính đến việc tăng giá cước nhưng tăng giá cước thì lượng khách đi sẽ càng giảm nữa như vậy khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Hơn nữa giá cước hiện tại cũng không phải là thấp. Mà thực tế nếu có tăng giá cước cũng không thể bù lại nổi chi phí vì ngoài giá xăng dầu thì các chi phí khác của doanh nghiệp cũng đang tăng theo”, ông Lê Xuân Long nói với Người Đưa Tin.

Theo ông Long, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xe khách đang rất khốc liệt nên dù có muốn tăng giá thì doanh nghiệp cũng không thể “một mình một đường” được bởi sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường.

Có muốn cũng cần thận trọng

Giải thích về thế lưỡng nan của doanh nghiệp, ông Nguyễn Lương Sơn Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Sơn La cho biết ngày từ cuối năm 2021 doanh nghiệp cũng đã phải tăng cước vận tải để bù vào chi phí.

 “Hiện nay chúng tôi vẫn đang rất thận trọng khi tìm hiểu thị trường, trước mắt là ngày 21/3 (PV: chu kỳ điều hành giá xăng dầu) sắp tới để xem tình hình giá xăng dầu thế nào. Nếu giá xăng dầu không giảm thì buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá cước. Bởi vì không tăng thì không thể tồn tại được, chúng tôi không có khả năng bù đắp nổi chi phí”, ông Sơn chia sẻ.

Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Sơn La cũng cho biết “không dám tăng bởi vì việc tăng giá cước cũng liên quan đến rất nhiều chi phí khác. Đơn cử như cước tăng thì đương nhiên là kê khai thuế phải tăng. Do đó càng phải thận trọng khi xem xét. Nói chung là tăng giá cước cũng không hết khó được đâu”.

Một trong những lý do khiến doanh nghiệp “ngại” điều chỉnh giá cước bởi quy định khi điều chỉnh giá cước, các doanh nghiệp phải có văn bản có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản gửi Sở Tài chính, Sở GTVT và chỉ được áp dụng mức giá niêm yết mới sau 7 ngày.

“7 ngày so với chu kỳ điều hành giá xăng 10 ngày thì không ít hơn là bao nhiêu. Do đó, lo lắng nhất là khi vừa điều chỉnh tăng giá cước thì giá xăng lại giảm. Đến khi đó, lại phải loay hoay xin giảm, như vậy cũng rất phiền”, Trần Minh Thành Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An

Ông Thành cũng cho rằng đây là một trong những bất cập cần sửa đổi nhưng hiện đây là quy định nên các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, tuy giá xăng tăng mạnh nhưng lộ trình điều chỉnh cước phí vận tải phải cân nhắc kỹ càng, đặc biệt trong giai đoạn này lượng hàng hóa rất ít. Việc điều chỉnh giá cước chỉ là vấn đề thời gian để giảm lỗ, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để giữ sự ổn định, duy trì được sự cạnh tranh là bài toán khó.

Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn gặp khó khăn ngay cả khi tăng giá cước. (Ảnh: Trọng Tùng)

Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn gặp khó khăn ngay cả khi tăng giá cước. (Ảnh: Trọng Tùng)

11 lời khuyên SAI về tiền bạc mà ai nấy đều đinh ninh là ĐÚNG

Có những quan điểm tài chính nghe có vẻ đúng lắm, truyền miệng từ người này qua người khác như một "quy luật bất thành văn" ai cũng làm theo hóa ra lại là sai lầm nặng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Mạnh Quốc ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN