Nghịch lý: Xăng giảm hơn 10.000 đồng/lít, người tiêu dùng vẫn “méo mặt”
“Khi xăng tăng, những người có mức thu nhập thấp như chúng tôi đều thấy lo lắng bởi giá cả hàng hoá, dịch vụ đều tăng cao. Nhưng khi giá xăng giảm, chúng tôi có khi còn thấy “mệt” hơn”, cô Vũ Thị Miên (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự.
Ở kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng E5 RON 92 cao nhất mọi thời đại ở mức 31.300 đồng/lít; xăng RON 95-III là 32.870 đồng/lít; dầu diesel lên mức 30.010 đồng; dầu hoả là 28.780 đồng một lít và dầu mazút là 20.730 đồng một kg.
Sau khi lập kỷ lục về mức giá bán lẻ, giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm trong quãng thời gian hơn 3 tháng qua. Tại kỳ điều chỉnh giá chiều ngày 11/10, giá Xăng E5RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 22.007 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S không cao hơn 24.187 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít và Dầu mazut không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Tương đương, trong quãng thời gian hơn 3 tháng qua, giá xăng giảm hơn 30% vào khoảng hơn 10.000 đồng/lít. Dầu diesel cũng đã giảm 5.832đ/l, tương đương mức giảm 19,4%.
Xăng dầu giảm, tưởng rằng cuộc sống người dân sẽ bớt lo toan hơn. Nhưng không ngờ, người tiêu dùng lại rơi vào tình cảnh “éo le” hơn khi phải xếp hàng dài chờ đổ xăng, ra chợ hay siêu thị thì hoảng hồn với giá cả hàng hóa không chịu giảm sau khi tăng mạnh trước đó.
“Chờ dài cổ” mới đổ được xăng
Bộ Công thương cho biết trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Tính đến tối 11/10, có khoảng 137 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Gần 22h ngày 11/10, chị Vũ Ngọc Dung vẫn đang xếp hàng đứng đợi đổ xăng tại một cây xăng trên đường Láng (Hà Nội). Chị cho biết đây là cây xăng thứ 3 chị đi tới, do 2 cây trước quá đông, đợi lâu quá đành bỏ cuộc tìm cây khác để đổ.
Khi tan làm, kim xăng đã chạm vạch đỏ nhưng dọc đường về, cây xăng nào cũng kín mít người. Do có chút việc cá nhân, chị không thể xếp hàng chờ đợi nên quay về ăn cơm và giải quyết công việc của mình.
Xong xuôi mọi việc, chị bắt đầu dắt xe để đổ xăng vì không muốn sáng hôm sau gặp tình trạng xếp hàng dài đổ xăng và có thể đi làm muộn. Nhưng đi nhiều cây quanh khu vực gần nhà, chị thấy chỗ nào cũng kín xe máy chờ.
Tình trạng xếp hàng chờ đổ xăng không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn rất nhiều tỉnh thành khác thuộc khu vực phía Nam nước ta trong những ngày gần đây, đặc biệt là trước kỳ điều chỉnh giá xăng chiều ngày 11/10 vừa qua.
Có những người phải chờ cả tiếng đồng hồ để được đổ xăng
Dù giá đắt và rất bức xúc, có người vẫn chấp nhận mua với giá “cắt cổ” vì xe hết xăng, dắt bộ đi tìm cây xăng cũng chưa biết bao giờ mới đổ được và tốn nhiều thời gian. “Xe hết xăng thì phải đổ. Dù đắt đến mấy cũng phải đổ, chứ dắt bộ đi tìm cây xăng thì rất vất vả và tốn thời gian" bà Hạnh (quận Cầu Giấy) cho biết sau khi phải móc 50.000 đồng để đổ 1 lít xăng tại một điểm bán ven đường.
Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 3, sản lượng nhập khẩu xăng dầu giảm 40% đối với xăng và 35% đối với dầu DO so với quý 2, trong đó chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nhập khẩu.
Bộ Công thương khẳng định, hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Xăng giảm, giá hàng hóa thực phẩm vẫn neo cao
Trong hơn 3 tháng qua, giá xăng liên tục giảm và đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu hầu như chưa có động tĩnh điều chỉnh giá…
“Xăng thì giảm mà các mặt hàng dường như vẫn đứng im, hoặc giảm chỉ một chút. Đầu năm học mới, tôi phải chi tiêu nhiều khoản cho 2 đứa con. Với mức lương nhân viên văn phòng, 2 vợ chồng tôi sẽ rất khó khăn nếu giá hàng hoá, dịch vụ vẫn cứ tăng”, chị Nguyễn Thị Huế (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự.
Chị Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cũng than phiền vì lương đi làm thì vẫn vậy, không được tăng mà giá cả hàng hoá, dịch vụ đua nhau tăng. “Giờ giá xăng đã giảm đến 30% mà rau các loại vẫn dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/mớ, trứng gà, trứng vịt thì tăng lên đến 4.000 đồng/quả, chai dầu ăn trước đây có giá chỉ từ 45.000 đến 50.000 đồng/lít nay cũng tăng mạnh lên 60.000 đến 70.000 đồng/lít…”, chị nói. Để đảm bảo cuộc sống, chị đã phải nhận việc làm thêm tại nhà để tăng thu nhập.
Giá các mặt hàng rau tăng mạnh thời gian gần đây
“Tôi mong muốn giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, các dịch vụ thiết yếu sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm nhiều hơn nữa để giảm tải áp lực chi phí cho các gia đình có mức thu nhập trung bình và thấp như nhà tôi'', chị Hiền cho hay.
Báo cáo cập nhật tình hình giá tháng 9-2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 9-2022 tăng 0,18% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm, trong đó lương thực giảm nhẹ 0,08% còn thực phẩm lại tăng 0,16%; ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,32%.
Trong khi đó, chị Loan - chủ một chủ cửa hàng tạp hóa tại Thanh Trì – Hà Nội, thông tin, nước tương Maggi đầu tháng 10 đã tăng giá 1.000 đồng, giá trước đây là 11.000 đồng/chai 200ml thì nay lên 12.000 đồng/chai, chai lớn trước 25.000 đồng/chai thì nay 27.000 đồng/chai; mỳ Hảo Hảo trước có giá 97.000 đồng/thùng thì nay lên 108.000 đồng/thùng, mỳ Vifon lẩu Thái cũng tăng giá 5.000-10.000 đồng/thùng.
Dù giá cả nhiều mặt hàng đã tăng mạnh thời gian qua nhưng chị Loan cũng cho biết thêm các nhà cung cấp vừa thông báo nhiều mặt hàng sắp tới sẽ tiếp tục tăng giá thêm 10 đến 15%: “Bán tạp hóa là bỏ tiền cục để thu tiền lẻ. Tuy nhiên với giá cả liên tục tăng như hiện nay thì những người kinh doanh như chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì khi sức mua của người dân ngày càng ít, cửa hàng không dám nhập nhiều hàng bởi sợ chôn vốn”, chị Loan than thở.
Người dân phải tính toán chi li hơn mỗi khi đi chợ mua thực phẩm
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chịu giảm giá hoặc giảm giá nhỏ giọt, thời gian qua các dịch vụ ăn uống, chế biến sẵn vẫn giữ nguyên giá bán sau khi từng “xin khách hàng” để tăng giá bán thêm 5.000-10.000 đồng/món khi giá xăng dầu lập đỉnh.
Chị Nguyễn Nhung cho biết dù xăng dầu đã giảm mạnh thời gian qua nhưng tô bún cạnh văn phòng của mình vẫn đang niêm yết giá 40.000 đồng/bát sau khi cửa hàng tăng giá thêm 5.000đ/bát khi giá xăng lập đỉnh.
Tương tự, anh Lăng nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy cũng chia sẻ suất cơm văn phòng khu vực mình làm việc sau khi tăng giá lên 40.000 đồng/suất từ tháng 7 đến nay cũng vẫn giữ nguyên giá bán. “Lúc xăng tăng thì cửa hàng xin tăng giá bán, nhưng lúc xăng giảm thì rất ít ông bà chủ cửa hàng giảm giá bán suất cơm, tô bún của mình, chỉ thiệt người tiêu dùng”, chị Nhung cảm thán.
Theo khảo sát, một tô bún/phở hiện vẫn được bán với mức giá phổ biến dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/bát; cơm bình dân văn phòng có giá phổ biến dao động từ 35.000 đồng - 45.000 đồng/suất (ghi nhận mức tăng thêm 5.000 đồng – 10.000đ/suất so với trước khi giá xăng lập đỉnh ngày 21/6). Trong khi đó, với những cửa hàng nào giữ nguyên giá bán so với trước khi giá xăng tăng mạnh hồi tháng 6 thì khi quan sát kỹ thì suất ăn cũng ít hơn trước rất nhiều.
Cơ quan chức năng vào cuộc nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông
"Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận" - ông Trần Duy Đông chỉ rõ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. Hiện, nguồn trong nước đang chiếm 70 - 80 %, tức là phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Ngày 14/10, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 396 thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra tại 17 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước và 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn. Đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong thời kỳ từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022. Ngoài ra, khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Bàn về giải pháp đảm bảo nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, từ phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Cùng với biến động của giá xăng dầu, theo dự báo của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, những tháng cuối năm, giá hàng hóa có thể còn biến động mạnh bởi không chỉ thiếu nguồn cung trong nước mà cả nguồn nguyên liệu nhập khẩu trên thế giới.
Dự báo của Tổng cục Thống kê cho biết, các tháng cuối năm, giá cả nhóm hàng thực phẩm có thể tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao và giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi chưa có xu hướng giảm. Theo đó, áp lực chi tiêu vẫn nặng gánh với người tiêu dùng.
Để giữ ổn định thị trường, các chuyên gia cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn để giảm tác động.