Nghề chở cá từ sông lên núi bán mang về thu nhập cả nghìn đô mỗi tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Những người này, hàng chục năm nay vẫn cần mẫn vượt hơn 260km đường rừng qua sông Mã Đà, chở cá về vùng núi bán. Vất vả nhưng kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Vùng núi các xã Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Hưng, huyện Đồng Phú (Bình Phước) do không có ao hồ nào nên quanh năm thiếu đủ các loại cá. Nắm bắt được nhu cầu của người dân nơi đây, nhiều người sinh sống ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), đã vượt 260km đường rừng qua sông Mã Đà sang đây bán cá.

Hơn 13 năm chở cá về núi bán cho người dân tại các xã của huyện Đồng Phú (Bình Phước), ông Sáu Quốc cho biết, để chuẩn bị cho công việc ngày mới, ông và những người đàn ông buôn cá từ Đồng Nai về Bình Phước phải dậy từ 1 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị rổ nhựa, bọc, cân, bịch nước đông đá... ra chợ đầu mối xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) để lấy cá.

Theo ông Sáu Quốc, từ tờ mờ sáng, dân đánh cá đêm trên hồ Trị An sẽ mang cá tập kết tại chợ, nhiều người buôn cá biển từ Vũng Tàu cũng mang cá lên bán.

Thoáng nhìn từng góc chợ, cá hồ giãy "đành đạch" trong những chiếc thùng nhựa loang loáng nước, từng mớ tôm sông búng mình lóng lánh dưới ánh đèn pin... “Chúng tôi chỉ việc cho cá lên rổ, chọn thêm cá biển tươi đặt vào giỏ bán kèm”, ông nói.

Có cá tươi, nhưng chở về núi không dễ. Những người buôn cá phải đi đêm về hôm trong ngày, lại luồn rừng vượt sông Mã Đà rất nguy hiểm và vất vả. Vì vậy, không người phụ nữ nào làm được, chỉ đàn ông mới buôn.

Từ chợ đầu mối Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), ông Sáu Quốc cùng người bạn của mình là ông Tư Nghiêm vượt hơn 260km đường rừng, đến xã Tân Hòa, mặt trời mới ló rạng.

Hai người đàn ông với chiếc xe máy cà tàng, phía sau chở thùng đầy cá to hơn người cùng 2 chiếc bao bên hông xe, tà tà chạy bán đến đúng giờ nấu bữa trưa của người dân thì “vắt chân lên cổ” chạy như con thoi.

Ông Tư Nghiêm đã làm nghề chở cá lên núi bán hơn 13 năm nay.

Ông Tư Nghiêm đã làm nghề chở cá lên núi bán hơn 13 năm nay.

Xe cá dừng lại ở đâu là người dân chỗ đó túm tụm lại mua bởi với họ, cá lòng hồ Trị An là cá tự nhiên, không nuôi lồng bè nên thịt ngọt, chắc và thơm, khi nấu không nát vụn, giá lại rẻ hơn chợ 7.000-10.000 đồng/kg, rẻ hơn xe tải thực phẩm lưu động 15.000 đồng/kg.

“Cá rô phi, cá tra chỉ 36.000 đồng/kg; cá lóc, cá nục, ngừ có giá 45.000 đồng/kg; tôm biển 155-160.000 đồng/kg... Ngoài ra, ngày nào họ cũng sang bán nên chúng tôi được ăn cá tươi”, bà Út Vân, hộ dân xã Tân Hòa thường xuyên mua cá của ông Sáu Quốc, vui vẻ cho biết.

Trung bình mỗi ngày, những người chở cá lên núi bán như ông Sáu Quốc hay ông Tư Nghiêm bán được khoảng gần 1 tạ cá các loại, bao gồm 50kg cá nước ngọt, 25kg cá biển, tôm biển. Bán mãi từ sáng đến 11-12 giờ hết hàng mới hết phải chạy, bắt đầu được nghỉ ăn trưa rồi tính chuyện trở về nhà.

“Mỗi chuyến chở cá lên rừng bán rồi đi về hết khoảng 8 lít xăng, trừ tiền gốc lấy hàng, cơm trưa, phí qua phà, tiền thay dầu máy 10 ngày/lần hay tiền lốp xe mỗi tháng thay một lần... trung bình mỗi ngày chúng tôi lời được khoảng 1 triệu đồng”, ông Tư Nghiêm nói.

Nhờ gắn bó với nghề này, ông Sáu Quốc, ông Tư Nghiêm có thể trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình và tiết kiệm được khoảng 20-25 triệu đồng/tháng.

“Hàng ngày băng qua những con đường ngập màu nắng, màu lá, không khí trong lành, chim muông ríu hót mà tôi cảm thấy khỏe khoắn và yêu đời hơn ... Thế nên, chúng tôi ai cũng làm nghề này 13 -16 năm nay. Và vẫn sẽ sang Bình Phước bán cá đến khi không còn sức mới thôi”, ông Tư Nghiêm vừa nhanh tay xếp lại từng chiếc thùng đã hết hàng vừa tươi cười nói.

Loại trứng “thần dược” vào mùa, nhiều người đi săn kiếm “bộn tiền”

Những quả trứng màu trắng sữa, to như hạt gạo, căng mẩy được người dân coi là “lộc rừng” bởi nếu may mắn, có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN