Mua điện thoại trước hay sau Tết có lợi nhất?
“Thời điểm trước hay sau Tết sẽ thích hợp nhất để mua điện thoại?” là câu hỏi khiến khá nhiều người thắc mắc. Vậy người dùng nên mua lúc nào?
Nói về vấn đề này, mỗi người lại đưa ra một quan điểm khác nhau. Không ít người cho rằng điện thoại phải mua trước Tết để còn đi khoe với bạn bè, họ hàng chứ sau Tết mới mua sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
“Cuối năm, tiền lương, thưởng và hàng loạt các chương trình khuyến mãi của các nhà bán lẻ, tôi nghĩ mua là hợp lý vì vừa có tiền trong tay lại có các phần quà hấp dẫn khi mua điện thoại,” anh Hải Long (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay.
Theo anh, việc mua điện thoại trước Tết sẽ giúp mọi người có thể lưu trữ được các khoảnh khắc với gia đình, bạn bè... Điều này sẽ khó có gì đổi lại được. Không chỉ thế, khi sở hữu chiếc điện thoại mới đi chơi Tết, bản thân cho mọi người thấy được thành quả sau thời gian phấn đấu, tích góp trong quá trình đi làm.
Anh Trần Hiệp (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng nên mua điện thoại trước Tết để có thứ khoe với mọi người. “Có nhu cầu và thích điện thoại nào thì mua luôn, không nên chờ đợi làm gì. Sau Tết, nó giảm thì cũng là giảm theo thời gian, theo xu thế thị trường... Sau Tết, nó có giảm được mấy trăm hay cả triệu đồng chẳng đáng kể mà bản thân mất đi bao nhiêu sự hứng khởi”, anh nói.
Điện thoại nên mua thời điểm nào sẽ có giá tốt nhất? Ảnh minh họa.
Mặt khác, một số người lại cho rằng nên mua điện thoại sau Tết để có được giá tốt nhất. Theo anh Đặng Huy (Thái Nguyên), điện thoại trước Tết bao giờ cũng có giá cao hơn. Vì những người đi làm có tiền thưởng, tiền tích lũy sau một năm làm việc đều muốn sở hữu cho mình những đồ vật mới để chào đón năm mới nên nhu cầu mua sắm cao. Trong khi đó, nguồn cung tại các cửa hàng chỉ có một giới hạn nhất định.
Sau vài năm để ý đến giá cả điện thoại, anh nhận thấy các dòng smartphone giảm giá trước Tết không nhiều mà chủ yếu đều là sản phẩm không bán được. Còn những mặt hàng “hot” thì giữ nguyên giá, thậm chí là tăng lên.
“Còn sau Tết, nguồn cung dồi dào hơn nhưng nhu cầu người dùng không quá nhiều. Thị trường bán lẻ điện thoại lúc này không còn sôi động, nhộn nhịp như trước Tết nữa. Vì thế, hầu hết cửa hàng đều giảm giá để kích cầu”, anh cho hay.
Cùng quan điểm, anh Dương (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho rằng sau Tết sẽ có “cơn mưa” sản phẩm mới với hiệu năng, mẫu mã tốt hơn. Kéo theo đó, giá những sản phẩm cũ cũng sẽ giảm đi. Người mua điện thoại lúc này sẽ hưởng được mức giá tốt nhất.
Anh cho biết thêm thông thường khi các dòng điện thoại ra sau sẽ đẩy giá của các dòng trước xuống nên nếu cùng tầm tiền mà mua sau thì sẽ được máy cấu hình cao hơn.
Khi được hỏi về vấn đề này, anh Đức – chủ một cửa hàng bán lẻ điện thoại ở Bắc Ninh, cho biết smartphone trượt giá rất nhanh, chỉ từ 1-3 tháng khi các sản phẩm lên kệ tại thị trường Việt Nam. Khi đó cũng là lúc hàng loạt sản phẩm có tính năng mới ra đời, các hãng sẽ giảm giá dòng sản phẩm cũ để thanh lý hàng.
Anh nhận định sau Tết thường giá thấp hơn so với trước Tết vì nhu cầu người tiêu dùng không còn nhiều. Các cửa hàng thường phải tung ra các chương trình, chính sách để kích cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc giảm giá cũng không đáng kể. “Nếu mua điện thoại mà đợi giảm giá thì không biết bao giờ mới mua được. Quan điểm của tôi là cứ có nhu cầu, đủ tài chính là mua, còn không thì đợi 3-4 tháng sau khi sản phẩm đó lên kệ ở thị trường Việt Nam để có giá ưu đãi nhất”, anh cho hay.
Anh cũng đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng là không nên mua trả góp điện thoại. Điều kiện tài chính đến đâu nên tìm hiểu và mua dòng sản phẩm phù hợp, không nên tiêu hết hoặc nhiều hơn số tiền có trong tay, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Không chỉ smartphone, nhiều mặt hàng điện gia dụng khác cũng nhảy vào cuộc đua giảm giá nhằm hút khách sau Tết.
Nguồn: [Link nguồn]