Mất hàng chục triệu, thậm chí lỡ kỳ nghỉ Tết vì mua phải vé máy bay giả

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lợi dụng nhu cầu mua vé du lịch, về quê dịp Tết tăng cao, nhiều kẻ gian dùng loạt chiêu trò tinh vi, như rao bán vé máy bay giá rẻ, tạo dựng các trang web bán vé giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ngày này, nhu cầu về vé máy bay tăng cao, do đó giá vé máy bay cũng tăng cao đột biến tới 2 – 3 lần, thậm chí nhiều chặng bay nội địa dù giá vé đắt đỏ nhưng đã hết chỗ.

Lợi dụng mùa cao điểm, các đối tượng lừa đảo dùng loạt chiêu trò tinh vi như: rao bán vé máy bay giá rẻ, tạo dựng các trang web bán vé giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Nhiều người dễ dàng bị lừa mất tiền khi mua vé qua các trang mạng 

Nhiều người dễ dàng bị lừa mất tiền khi mua vé qua các trang mạng 

Chị Hằng và chồng (TP HCM) có ý định về quê chồng tại Hải Dương ăn Tết, tham khảo từ một số hội nhóm, chị Hằng liên hệ Đại lý vé máy bay giá rẻ tên Minh Đ. để đặt vé. Tại đây, chị Hằng được nhân viên đại lý gửi cho mã đặt chỗ nhằm lấy lòng tin. Sau đó, chị Hằng đã chuyển khoản hơn 7 triệu đồng đặt cọc tiền vé máy bay, tuy nhiên nhân viên đại lý thông báo vé lỗi và yêu cầu chị chuyển khoản lần 2 để đặt vé mới.

“Họ giải thích với tôi rằng vé bị lỗi, cần chuyển khoản lần 2 để đại lý xuất vé mới thì vé cũ mới được hủy và được hoàn tiền” – chị Hằng kể lại. Do không tin tưởng, chị Hằng gọi lên số tổng đài của hãng bay, nhân viên trực tổng đài cho biết, hệ thống không bị lỗi và hãng cũng không có quy định vé lỗi phải mua lại vé mới thì mới được xử lý hoàn tiền.

Liên hệ lại với nhân viên đại lý, chị Hằng bất ngờ vì số điện thoại trước đó không thể liên lạc.

“Tôi thực sự hoang mang, lường trước chuyện này nên tôi đã dành thời gian tham khảo kỹ rồi. Vậy mà vẫn bị dính lừa dễ dàng” chị Hằng nói.

Thậm chí, tinh vi hơn, thông qua facebook, các đối tượng lừa đảo biết được nhu cầu mua vé máy bay của nhiều người nên tìm mọi cách kết nối để “mua hộ” với giá rẻ. Sau khi đặt vé, khách hàng kiểm tra đúng code và chờ khi nhận đủ tiền của khách, đối tượng chủ động hủy vé rồi ôm tiền biến mất không một dấu tích khiến khách hàng tóa hỏa khi biết mình bị lừa.

Rất nhiều người mất tới vài chục triệu, thậm chí cả gia đình lỡ kế hoạch về quê vì mua phải vé giả.

Khá nhiều thông tin rao bán vé tết giá rẻ trên các trang mạng xã hội

Khá nhiều thông tin rao bán vé tết giá rẻ trên các trang mạng xã hội

Mới đây nhất, thông tin từ một số đại lý bán vé máy bay cho hay, đại diện một đại lý vé máy bay (tại miền Trung) tuyên bố vỡ nợ hơn 20 tỷ sau khi “ôm” số lượng lớn tiền đặt cọc vé máy bay Tết từ các khách hàng và các đơn vị đối tác.

Thực tế, ghi nhận từ các trang diễn đàn, các hội bán vé máy bay tết, dễ dàng tìm kiếm hàng chục thông tin rao bán vé máy bay Tết giá rẻ, vé máy bay Tết khứ hồi giá rẻ, nhượng lại vé máy bay giá rẻ,...

Theo cảnh báo từ các cơ quan chức năng, dù là chiêu trò quen thuộc diễn ra trong nhiều năm nhưng kẻ gian vẫn có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm thao túng tâm lý khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Cụ thể, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mà các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng tạo lập các fanpage giả mạo trên mạng xã hội, đăng bài quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Để tạo lòng tin, các đồng phạm khác còn đóng vai khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết và cắt liên lạc.

Thậm chí, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng hàng không nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn.

Trước thực trạng đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dân cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực không, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Khảo sát các trang web đặt vé trực tuyến của các hãng hàng không, trong khoảng thời gian cao điểm từ 3/2 - 15/2/2024 (24 tháng Chạp tới mùng 6 Tết), giá vé máy bay hạng phổ thông chặng bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội dao động từ 6,7 - 8,3 triệu đồng/vé khứ hồi của Vietnam Airlines, Vietjet Air có giá 6,2 – 6,5 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietravel Airlines có giá 6,3 - 7,2 triệu đồng... một số chặng bay đã hết vé.

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thông tin, tổng số chuyến bay trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (24/1 - 25/2/2024) dự kiến đạt 33.800 chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ. Trong đó, bay nội địa dự kiến đạt 24.200 chuyến, còn lại là bay quốc tế. Dự kiến số ghế cung ứng trong dịp Tết đạt 7,2 triệu chỗ, tăng 16% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và 26% so với bay thường lệ.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vé máy bay Tết tăng mạnh, nhiều chặng bay “giờ vàng” cháy vé

Vừa mới qua trung thu, tức còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuy nhiên các hãng hàng không đã dồn dập mở bán vé tết từ trước đây cả tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN