Mạnh dạn nuôi con "dân nhậu thích mê", anh nông dân bỏ túi 300 triệu/năm rất nhẹ nhàng
Đầu tư nuôi con đặc sản có thịt thơm ngon, anh Lò Văn Phú (xã Ban Công, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) có thu nhập khiến nhiều người ao ước.
Nhiều hộ dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng nhằm nâng cao thu nhập, cũng như bảo tồn nguồn gen giống vịt quý này. Nhờ áp dụng đúng quy trình, kĩ thuật trong chăn nuôi, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Báo Tin tức thông tin, theo thống kê của UBND huyện Bá Thước, trên địa bàn đang có 1.568 hộ dân đang chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Đây là giống vịt bản địa có từ lâu đời, chủ yếu nuôi tập trung tại 6 xã khu vực Quốc Thành, gồm Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũ Niêm, Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn. Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Mường Khòong có màu lông cánh sẻ, xương nhỏ, cổ rụt, chân nhỏ lùn.
Giống vịt này chỉ ăn lúa, cua, ốc, rong rêu bên suối nên thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm, đặc biệt vịt Cổ Lũng chỉ nuôi khoảng 5 tháng thì xuất bán với trọng lượng đạt 1,6 - 2,2 kg/con. Khi nuôi đến 6 tháng thì bắt đầu đẻ trứng với năng suất trứng từ 130-145 quả/con mái/năm.
Để hỗ trợ người dân chăn nuôi vịt và bảo tồn giống vịt quý này, UBND huyện Bá Thước đã triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ để bảo tồn giống vịt quý này gồm, dự án bảo tồn và phát triển giống vịt Cổ Lũng; dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt. Dự án xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Các dự án này đã được thực hiện thành công, giúp nâng cao giá trị của vịt Cổ Lũng cũng như tăng thêm thu nhập cho người dân chăn nuôi giống vịt.
Anh Lò Văn Phú là người nuôi vịt Cổ Lũng đã có kinh nghiệm hơn 5 năm qua. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Nhiều năm qua, anh Lò Văn Phú (36 tuổi), xã Ban Công, huyện Bá Thước luôn đi đầu trong việc bảo tồn, phát triển giống vịt Cổ Lũng. Hiện anh Phú đang quản lý hai trang trại vịt tại xã Ban Công, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Về kỹ thuật chăn nuôi, anh Phú cho biết anh thường xuyên phơi trộn thức ăn bao gồm cỏ, lá chuối, ngô, bột gạo và cám công nghiệp cho vịt ăn. Cùng với đó là việc đặc biệt chú trọng đến phòng dịch cho vịt, thực hiện các biện pháp tiêm vacxin để đảm bảo sức khỏe cho đàn vịt.
Khí hậu và sinh thái ở xã Ban Công mát mẻ, có suối cùng nhiều sinh vật nhỏ dưới nước như cá, tôm, tép, do vậy, đây cũng là một nguồn thức ăn khác cho vịt. Điều này tạo nên sự khác biệt về hương vị của vịt Cổ Lũng so với vịt từ các địa phương khác.
Vịt Cổ Lũng chỉ ăn lúa, cua, ốc, rong rêu bên suối nên thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm. Ảnh: TTXVN
Theo Nông nghiệp Việt Nam, hiện tại, trang trại của anh có gần 3.000 con, mỗi năm xuất chuồng được khoảng 3 lứa, trung bình khoảng 10.000 đến 12.000 con. Vịt Cổ Lũng có giá bán cao hơn so với các loại vịt khác, mức giá của thịt khoảng 180 đến 200.000 đồng/con. Sau khi khấu trừ các chi phí nuôi, thu nhập của anh Phú dao động từ 200 đến 300 triệu đồng một năm.
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra ổn định đang là thách thức, bởi còn phụ thuộc nhiều vào các nhà hàng và thương lái nhỏ lẻ tại huyện Bá Thước để tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, anh Phú cũng đang xem xét khả năng đưa sản phẩm này đến thị trường Hà Nội và các địa phương khác để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng về mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Ông cho rằng, về chăn nuôi, bên cạnh các vật nuôi truyền thống lâu nay đang chăn nuôi trên toàn huyện như trâu bò thì thời gian gần đây, huyện đã tập trung phát triển chăn nuôi trong rừng và tập trung phát triển chăn nuôi các vật nuôi lợi thế của huyện như là vịt Cổ Lũng. Mô hình mới được huyện triển khai, bước đầu đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các mô hình truyền thống.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa thì cho biết, tính đặc trưng của vịt Cổ Lũng là thịt vịt thơm ngon nên nhu cầu tiêu thụ của dân tăng cao. Thời gian tới, với tiềm năng lợi thế phát triển của vịt, chi cục sẽ hướng dẫn các huyện miền núi thực hiện các mô hình chăn nuôi vịt Cỗ Lũng theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học và định hướng đầu ra cho sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Sử dụng phương pháp nuôi kiến vàng để bảo vệ vườn bưởi khỏi côn trùng, sâu bệnh, anh Trịnh Đình Mão (Thanh Hóa) tiết kiệm hàng chục triệu tiền thuốc...
Nguồn: [Link nguồn]