Lưu bài Bỏ lưu bài

Mang 2 tỷ đồng “chạy theo” lan đột biến, hơn một năm sau vẫn chưa ngậm hết “trái đắng”

“Số tiền gốc hơn 2 tỷ đồng thì trong đó hơn nửa là tiền đi vay, thế chấp cả nhà cửa của bố mẹ để “bắt đáy”. Hơn một năm qua, nhìn mấy chục chậu lan treo lủng lẳng chưa bán được chậu nào. Càng nhìn càng xót xa”, anh N. (Hoà Bình).

Lan đột biến và những phi vụ chuyển nhượng tiền tỷ

Từng tạo nên cơn sốt vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, nhiều ngành nghề bị đình trệ sản xuất kinh doanh, kênh đầu tư và dòng tiền bị đứt gãy thì bỗng xuất hiện những thương vụ giao dịch lan đột biến với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng gây “náo loạn” cộng đồng.

Khi đó, những cái tên như 5 cánh trắng Phú Thọ, Bạch Tuyết, Minh Châu, Yên Thủy, Bảo Duy… đã trở nên “hot” bao giờ hết. Trong cơn “ngáo giá” của hoa lan, nhiều thương vụ mua bán, trao đổi, đấu giá tiền tỷ diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Đặc biệt hơn, những chậu lan chưa ra hoa, mới chỉ là những mầm mới lên được định giá lên đến hàng tỷ đồng cho mỗi cm.

Đổ tiền tỷ “chạy theo” lan đột biến, hơn một năm sau bán vài chục nghìn một chậu không ai mua - 1

Đổ tiền tỷ “chạy theo” lan đột biến, hơn một năm sau bán vài chục nghìn một chậu không ai mua - 2

Trong cơn sốt, liên tục những thương vụ chuyển nhượng lan đột biến tiền tỷ được giới chơi cây tiết lộ

Trong cơn sốt, liên tục những thương vụ chuyển nhượng lan đột biến tiền tỷ được giới chơi cây tiết lộ

Đơn cử như vụ chuyển nhượng giỏ lan đột biến “5 cánh trắng vọng xưa” có giá trị lên đến 5 tỷ đồng giữa 2 nhà vườn tại Hà Nội hay một giò phong lan phi điệp đột biến với tên gọi “Người đẹp Bình Dương” đã được một nhóm người chơi lan ở Thái Bình mua với giá gần 9,9 tỷ đồng.

Đỉnh điểm là một mầm lan mang tên "Huyền thoại bướm đại ngàn" đã được bán thành công với giá 15 tỷ đồng ở Phú Thọ hay chậu lan đột biến có tên Juliet được chuyển nhượng lên đến 83 tỷ đồng ở Hà Nội khiến nhiều người sửng sốt.

Hàng trăm “thương vụ” mua bán, chuyển nhượng lan đột biến từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng diễn ra sôi nổi khắp cả nước suốt năm 2020 và sang giữa năm 2021 thành tâm điểm chú ý của cộng đồng.

Từ đây, nhà nhà chơi lan, những người không am hiểu về lan cũng “đổ tiền” vào “canh bạc” lan đột biến này với tham vọng làm giàu một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Sổ đỏ, ô tô “bay” theo lan đột biến

Hơn 100 chậu lan tôi mua với giá hơn 2 tỷ đồng vẫn nằm trên “chuồng cọp”. Trong đó hơn một nửa là tiền tôi đi vay, phải bán cả một mảnh đất quê với giá 500 triệu đồng và chiếc ô tô đang đi với giá 460 triệu đồng để trả mà vẫn chưa hết nợ. Tay trắng”, anh N. thở dài.

Tự nhận mình là người “ngoại đạo”, vì trước khi xuống tiền chục triệu rồi tiền trăm triệu và tiền tỷ vào lan đột biến, anh N. chưa bao giờ sở hữu hay quan tâm đến bất kỳ một giống lan nào.

Khi thị trường lan đột biến bắt đầu lên cơn sốt với những giao dịch tiền tỷ, anh N. bắt đầu bị thu hút. “Ban đầu tôi chỉ nghe ngóng chứ chưa xuống tiền đầu tư nhưng thấy bạn bè, anh em nhờ lan đột biến mà mua đất, mua nhà, đổi xe sang nên tôi bắt đầu lao vào”, anh N. kể.

Mới đầu, anh chỉ chơi những kie 5 cánh trắng Phú Thọ, HO với giá từ 10-20 triệu đồng rồi đăng bán ngay lên mạng xã hội và ngay lập tức chỉ vài tiếng sau là có thể bán được cây ngay và nhận được số tiền lời gấp 2-3 lần.

Thấy “ngon ăn”, anh N. tiếp tục đầu tư số tiền 500 triệu đồng để mua những chậu lan đột biến như Hồng Yên Thuỷ, Hồng Minh Châu, Bạch Tuyết, Bảo Duy, Người đẹp Bình Dương… và thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi.

Nhiều người đầu tư lớn vào lan đột biến với hy vọng kiếm lời nhanh

Nhiều người đầu tư lớn vào lan đột biến với hy vọng kiếm lời nhanh

Tháng 4/2021, anh N. quyết định mang hết số tiền hơn 1 tỷ đồng cả vốn cả lãi, thế chấp luôn cả căn nhà của gia đình và vay mượn được hơn 1 tỷ đồng nữa để “tất tay” vào lan đột biến.

Nhưng ngay sau đó, thị trường lan đột biến bỗng lao dốc không phanh. Mỗi kie lan anh mua với giá hàng trăm triệu đồng rớt giá chỉ còn vài chục triệu đồng rồi vài triệu đồng cũng không có người mua.

Chỉ vào chậu lan 5 cánh trắng Bạch Tuyết, anh V., một người chơi lan tại Lâm Đồng chia sẻ, anh mua chậu lan này lúc đỉnh với giá 1,5 tỷ đồng. Khi đó, chậu lan này gồm 1 thân và 1 nhánh, chưa có hoa. Mỗi cm được anh mua với giá 100 triệu đồng.

Nghĩ rằng nếu mua về, chăm sóc tốt và tách kie, nhân giống ra nhiều chậu khác, thế nào cũng ăn lãi gấp đôi nên anh V. quyết định đầu tư hàng chục loại lan đột biến với trị giá vài chục tỷ đồng khác.

“Cả 2 nhành lan khi ấy là 17-18cm nhưng tôi được bớt, chỉ còn phải trả 1,5 tỷ đồng. Bây giờ, sau 2 năm, chậu lan ra được 7 cành, mỗi cành từ 20-30cm. Nếu giữ giá thì tôi có vài chục tỷ nhưng hiện tại bán cả chậu không được 20 triệu đồng”, anh V. nói.

Sau cơn sốt, lan đột biến được bán ở vỉa hè với giá chỉ vài chục nghìn đồng/chậu

Sau cơn sốt, lan đột biến được bán ở vỉa hè với giá chỉ vài chục nghìn đồng/chậu

Từ “cơn sốt” của lan đột biến, nhiều người bỗng dưng trắng tay hoặc vỡ vợ hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi xót xa và nhớ đến bài học đau xót từ kết cục buồn của “cơn sốt” chó ngao Tây Tạng từng xảy ra.

Trước đó, từ năm 1990, cơn sốt chó ngao Tây Tạng đã càn quét khắp Trung Quốc và bước vào giai đoạn nóng hổi nhất vào năm 2004, khi một con “thần khuyển” Tây Tạng có giá lên tới 1,9 triệu USD (tương đương gần 50 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay).

Tuy nhiên, từ năm 2013, chó ngao Tây Tạng trở thành món hàng hết thời và bị ghẻ lạnh vì nguồn cung ngày càng bị nới rộng và giá bị thổi phồng quá mức khiến khoảng 2.000 trong số 3.000 cơ sở lai giống ở Tây Tạng đã phải đóng cửa vào năm 2015.

Giống chó ngao Tây Tạng bị bỏ đói sau cơn sốt

Giống chó ngao Tây Tạng bị bỏ đói sau cơn sốt

Giá chó ngao Tây Tạng từ mức đỉnh điểm là 2 triệu USD đã lao dốc không phanh và trở thành con vật vô giá trị bị ghẻ lạnh, căm ghét và vứt bỏ, trở thành chó hoang khắp vùng cao nguyên Tây Tạng với hơn 14.000 con. Thậm chí nhiều con còn bị đánh đến chết vì tấn công người và gia súc.

Tương tự, thị trường kinh doanh lan đột biến của Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến những đợt "nhảy múa giá” với thông tin giao dịch lên đến hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc vào cuộc của các cơ quan chức năng, "cơn sốt" nhanh chóng biến mất. Nhiều nhà đầu tư “ôm trái đắng” vì chót bỏ tiền tỷ vào “lướt sóng”, ôm cả trăm chậu lan đột biến tiền tỷ nhưng không biết bán cho ai.

Những cái tên như Hiển Oanh, Phú Thọ, Bảo Duy, Bạch Tuyết… bỗng được rao bán với giá rẻ hơn rau muống. Thậm chí, trên các chợ online hay các sàn thương mại điện tử, hàng ngày có cả trăm người livestream quảng cáo bán lan với giá chỉ từ vài chục nghìn/chậu.

Lời cảnh tỉnh cho những nhà đầu tư “tay mơ” chạy theo “đám đông”

Loài hoa này ban đầu không có giá 5-10 tỷ nhưng nhiều người “thổi giá”, mua đi bán lại để trục lợi khiến giá bị đẩy lên quá cao, không đúng giá trị thực. Tuy nhiên, dù quý và hiếm nhưng vốn nó chỉ là loại hoa, loại cây để ngắm”, ông Trần Công Cảnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nhận định.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả thì lan đột biến chỉ là một khái niệm cơ bản trong thực vật học. Công nghệ nhân giống lan đột biến không phải quá khó, đặc biệt khi đưa vào nuôi cấy mô tế bào. Chỉ trong vài tháng, các cơ sở có thể đưa ra thị trường hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến giống hệt các dòng bố mẹ.

Tuy nhiên, thời gian qua, lan đột biến được một nhóm đối tượng đầu cơ “thần thánh” hoá, “thổi phồng” giá trị cũng như mức độ quý hiếm khiến nhiều người lầm tưởng và bỏ bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư.

PGS.TS. Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả

PGS.TS. Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả

“Ngay cả những giao dịch bạc tỷ của lan đột biến hoàn toàn có thể chỉ là những con số ảo được thổi phồng lên nhằm tăng giá trị thực tế của cây lan vốn có”, ông Đông nhận định.

Việc lan đột biến được nâng giá lên tiền tỷ rồi rớt xuống rẻ như rau muống khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng là điều đã được dự đoán trước. Vì trước đó, phong trào chơi, kinh doanh cây cảnh cổ thụ như sanh, lộc vừng ở nhiều địa phương cũng bị “thổi giá” khiến cả người trồng và người kinh doanh đều thua lỗ khi “bong bóng xẹp”.

“Khi câu chuyện lan đột biến lên cơn sốt và bị thổi phồng giá, các nhà khoa học, nhà quản lý đã lên tiếng cảnh báo nhưng nhiều người không tin tưởng, thấy đồng tiền là mờ mắt. Cái gì mang đến lợi nhuận quá lớn một cách dễ dàng đều không bền, đồng tiền đó phải tạo ra từ chính mồ hôi, công sức của mình thì mới bền vững được”, PGS.TS Đặng Văn Đông khẳng định.

Ông Trần Công Cảnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam

Ông Trần Công Cảnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam

Cũng theo vị chuyên gia này, ngay sau câu chuyện lan đột biến thì có những câu chuyện khác tương tự như bạch hải đường, lá kiểng đột biến tiền tỷ. Tuy nhiên, bài học lan đột biến quá đắt và đã cảnh tỉnh rất nhiều người nên các cơn sốt kia chỉ thoáng qua rồi vụt tắt.

“Một hai năm nữa câu chuyện lan đột biến họ chưa quên nhưng có thể 5-7 năm sau, lan đột biến vẫn có thể diễn ra ở một khía cạnh khác, lừa đảo một cách tinh vi hơn, khôn khéo hơn nên người dân phải luôn luôn cảnh giác. Phải là người tiêu dùng thông minh, tin tưởng vào các nhà nghiên cứu khoa học, không nên chạy theo đám đông và lợi nhuận nhất thời”, PGS.TS Đặng Văn Đông khuyến cáo.

Đổ tiền tỷ “chạy theo” lan đột biến, hơn một năm sau bán vài chục nghìn một chậu không ai mua - 9

Hồng Cảnh

Chủ Nhật, ngày 06/11/2022 16:34 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])